Tộc "người rắn" kỳ lạ tại Ấn Độ: ngành nghề độc đáo nhưng bị kỳ thị tại chính quê hương của mình

01/11/2018 14:30 PM | Xã hội

Các thợ bắt rắn người Irula đều hiểu rằng họ chính là thế hệ săn rắn cuối cùng của bộ tộc.

Với người Irula ở Ấn Độ, rắn độc cũng như bằng hữu thân thuộc vậy. Từ thuở xa xưa, bộ tộc này đã nổi tiếng là gần gũi với rắn. Đến tận bây giờ, nhiều người dân trong tộc này vẫn đang lúi húi trên các bãi cỏ hoang để tìm kiếm rắn độc mỗi ngày.

Có một điều rất mâu thuẫn ở đây, đó là Ấn Độ cực kỳ cần tới thuốc kháng nọc rắn độc (Anti-snake venom, viết tắt là ASV), nhưng lại quá đỗi thành kiến, khinh thường đối với nghề săn rắn độc của bộ tộc Irula.

Tộc người rắn kỳ lạ tại Ấn Độ: ngành nghề độc đáo nhưng bị kỳ thị tại chính quê hương của mình - Ảnh 1.

Kỹ nghệ bắt rắn của tộc Irula có từ thời cổ xưa

Thực tế, mỗi năm ngành sản xuất dược phẩm của Ấn Độ tung ra thị trường cả triệu lọ ASV. Và để có được số lượng ASV "khủng" ấy, họ phải dựa vào nguồn cung cấp nguyên liệu chính là nọc rắn độc tự nhiên từ tộc Irula.

Xứ người trọng dụng nhưng quê nhà lại ghẻ lạnh

Khi Vườn quốc gia Everglades (Florida, Mỹ) bị hoành hành bởi những con trăn mốc, họ tuyệt vọng đến nỗi phải bay qua tận Ấn Độ, tìm tộc Irula để cầu cứu.

Nghe xong câu chuyện, Irula bèn cử ra hai thành viên là Masi và Vadivel lên đường. Chỉ trong vòng 2 tháng, Masi và Vadivel đã "dọn dẹp" được hẳn 34 con trăn mốc, khiến cả Everglades hạnh phúc khôn tả.

Tộc người rắn kỳ lạ tại Ấn Độ: ngành nghề độc đáo nhưng bị kỳ thị tại chính quê hương của mình - Ảnh 2.

Vậy mà giữa mảnh đất quê hương Tamil Nadu, Ấn Độ, tộc Irula lại bị miệt thị, thành kiến đến chua chát. Các quan chức địa phương luôn để mắt tới, xem họ như phường săn trộm. Còn những cộng đồng làng xóm thì ngờ vực, dè bỉu.

"Khi bước chân vào bất kỳ ngôi làng nào, người ta gọi chúng tôi những cái tên xúc phạm," - Susila, một phụ nữ Irula kể lại. "Chúng tôi vừa bị đối xử tồi tệ, lại hay bị lừa tiền nữa."

Nguyên nhân sâu xa của thành kiến

Phần lớn người Irula vẫn theo lối sống săn bắt - hái lượm cổ xưa. Ngay cả bây giờ, nhiều người của bộ tộc vẫn còn chưa biết chữ. Lợi dụng điểm ấy, lắm kẻ đã lừa đảo để kiếm chác và bóc lột sức lao động của họ.

Từ thuở xa xưa, bộ tộc Irula đã nổi tiếng là thân thiện với rắn. Vị thần bảo hộ của họ, Kanniamma cũng là một nữ thần có kết giao sâu đậm với rắn hổ mang. Nhưng khổ nỗi vào thế kỷ XX, nạn đói lại đẩy tộc người này đến bước đường cùng, buộc họ phải giết cả rắn, con vật thiêng được bộ tộc tôn thờ, để lột da đem bán.

Da rắn lúc bấy giờ được trả từ 10-50 rupee/bộ. Song dù có đói đến mấy đi chăng nữa, người Irula cũng tuyệt đối không ăn thịt rắn.

Cực chẳng đã, vậy mà vào năm 1972, Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã của Ấn Độ lại quy định cấm giết rắn. "Người Irula gần như đã chết đói vì đạo luật mới ấy," - Romulus Whitaker, một nhà bảo tồn nhớ lại. "Dẫu rằng số tiền bán da rắn chẳng được là bao, nó vẫn là khoản thu nhập hàng tháng đáng kể của nhiều nhà,"

May mắn thay, ngành dược phẩm của Ấn Độ cần đến nọc độc rắn để điều chế huyết thanh chữa rắn cắn. Tại Ấn Độ, rắn độc lấy mạng khoảng 50.000 người/năm. Hội Kỹ nghệ Bắt rắn Irula chào đời, trở thành nơi cưu mang những thợ săn rắn túng bấn. Nhờ nó, kỹ năng của họ vẫn có đất dụng võ.

Chỉ có điều thành kiến thì vẫn vậy, không hề thay đổi dẫu thời gian đã trôi qua hay thời đại đã đổi thay.

Thả rắn đi sau khi 21 ngày nhốt giữ và lấy nọc độc 4 lần

Tính ra thì chỉ có 1% người của tộc Irula hành nghề bắt rắn lấy nọc độc. Ước tính, dân số Irula vào khoảng 25.000 người, chủ yếu sống ở vùng núi Nilgiri.

Chỉ với 1% người, nhưng họ vẫn là nguồn cung cấp nọc độc rắn chính cho cả 6 công ty dược phẩm lớn của Ấn Độ. Kỹ năng bắt rắn của người Irula phải nói là cực kỳ thần sầu. Chỉ cần một cây gậy có móc bằng sắt trơn nhẵn để không khiến rắn bị đau, họ thoải mái nhấc một con rắn độc lên thả vào giỏ như người ta bỏ đồ vào túi.

"Nhiều người sợ rắn, nhưng xin hãy nhớ rằng con rắn chỉ quan tâm đến mỗi một điều là sự sống còn mà thôi," - Rajendran, một thợ săn rắn người Irula phân tích. "Bạn phải đánh động, khiến nó cảm thấy bị đe dọa thì nó mới lao tới tấn công. Còn nếu bạn cứ đứng yên, nó cũng sẽ chẳng làm gì bạn cả, mà sẽ trườn đi chỗ khác."

Tộc người rắn kỳ lạ tại Ấn Độ: ngành nghề độc đáo nhưng bị kỳ thị tại chính quê hương của mình - Ảnh 3.

Người Irula đang bắt rắn


Nhưng nếu bảo Rajendran chỉ dạy kỹ năng bắt rắn thần sầu ấy cho, ông sẽ rất lúng túng. Không phải Rajendran giấu nghề mà là ông không biết phải làm thế nào. Với người Irula, kỹ thuật tương tác với rắn giống như một phần của bản năng vậy. Nó được truyền qua các đời bằng tự quan sát và thực hành từ thuở ấu thơ theo cha mẹ vào rừng.

Sau khi bắt được rắn, các thợ săn rắn độc Irula đem chúng về, thả vào các lu đất (2 con/lu). Chúng sẽ phải ở trong lu 21 ngày và bị rút nọc độc 4 lần.

Qua 21 ngày, con rắn được thả ra. Trước khi thả, người ta cũng đánh dấu trên vảy bụng của nó để tránh bắt lại quá sớm. Mực đánh dấu sẽ biến mất sau vài lần rắn lột da.

Sắp lụi tàn vì công nghiệp dược phẩm sẽ sớm không cần đến nữa

Các thợ bắt rắn đều biết rằng họ chính là thế hệ Irula săn rắn cuối cùng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết thanh chữa rắn độc cắn nên được chế tạo từ nọc rắn nuôi nhốt toàn thời gian.

Thêm vào đó, các bậc phụ huynh Irula ngày nay cũng không muốn con cái kế thừa cả kỹ năng lẫn lối sống săn bắt - hái lượm của tổ tiên. Họ vẫn tự hào và biết ơn những gì ông bà, cha mẹ đã truyền dạy.

Song để thế hệ sau có thể hòa hợp và được đối xử bình đẳng trong xã hội hiện đại, các ông bố bà mẹ Irula hiểu rằng chúng cần được cho ăn học tử tế từ thuở thiếu thời.

Theo Vũ Huế

Cùng chuyên mục
XEM