Toàn hệ thống Ngân hàng đã cho vay mới hơn 500.000 tỷ đồng, cơ cấu nợ và giãn nợ gần 63.000 tỷ đồng để hỗ trợ toàn dân và doanh nghiệp vượt bão dịch Covid-19
Con số vừa được Ngân hàng nhà nước công bố cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đã yêu cầu các Ngân hàng thương mại đẩy nhanh và đơn giản hóa hơn nữa thủ tục vay vốn vì vẫn có những phản ánh khó tiếp cận vốn vay.
Số liệu từ VTV cho biết khoảng 511.000 tỷ đồng cho vay mới, gần 63.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ, giãn nợ.
Tại cuộc họp trực tuyến các ngân hàng khẳng định sẵn sàng nguồn vốn mới cho vay lãi suất thấp tuy nhiên việc xử lý hồ sơ vẫn mất thời gian bởi mới có 1 tháng sau khi có thông tư hướng dẫn nên các ngân hàng đang hoàn thiện dần quy trình thủ tục.
"Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép chúng tôi có thể đơn giản quy trình, thủ tục đơn giản gọn nhẹ hơn đồng thời sử dụng được các chứng từ điện tử, các kênh online hay các đề nghị của khách hàng thông qua email, thông qua các dạng dữ liệu điện tử khác. Chúng tôi cũng rất ngại khi sau này đến thanh tra việc tuân thủ thông tư 01 này cũng như các quy định khác lại thành ra vi phạm", ông Nguyễn Hưng- Tổng giám đốc TPBank trình bày lý do vướng mắc của ngân hàng tại cuộc họp.
Một nguyên nhân khác cũng được nhiều ngân hàng chia sẻ là phải cân đối vốn do nguồn vốn vay chủ yếu huy động từ dân cư nên phải tránh rủi ro nợ xấu.
"Trong việc cấp tín dung của các Ngân hàng thương mại cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn điều kiện nhất định. Chúng ta không thể hạ các tiêu chuẩn tín dụng, không thể hạ thấp điều kiện để cấp tín dụng, bởi nếu như vậy sẽ tác động hệ lụy đến nền kinh tế sau này. Đặc biệt là những điều kiện để bảo đảm dự án, phương án đó có tính khả thi, có hiệu quả kinh tế, có khả năng trả nợ", ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Vietinbank trả lời phỏng vấn VTV.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tất cả các kiến nghị về quá trình vay vốn của các Hiệp hội ngành nghề sẽ được gửi về từng tổ chức tín dụng để có câu trả lời cụ thể cho doanh nghiệp. Ngân hàng nhà nước sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong quá trình hỗ trợ vốn cho người dân.
Những động thái của ngành ngân hàng đang được thực thi là giải pháp cấp bách hiện nay theo Chỉ thị 11 của Chính phủ. Trước đó ngay từ ngày đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện Chính phủ đang triển khai 3 gói hỗ trợ lớn tới doanh nghiệp và người dân.
Về tín dụng, vào đầu tháng 3, Chính phủ chính thức thông qua gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại tham gia cho vay (chứ không phải từ ngân sách nhà nước). Sau đó ít lâu, NHNN cho biết gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia. Và mới đây, Thủ tướng cho biết hiện gói tín dụng của các ngân hàng đã lên tới 300.000 tỷ đồng. Ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng không chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân.