Nghề ngân hàng thời Covid-19: Nơi giảm 20-30% quỹ lương cả năm, có nhà băng cắt 50% lương lãnh đạo cao cấp

22/04/2020 13:33 PM | Kinh doanh

Theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước các Ngân hàng thương mại trước mắt giảm lương thưởng, không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay.

Trở thành nhân viên ngân hàng vẫn là mơ ước của nhiều người vì được cho là lương nhiều, thưởng lớn. Thế nhưng gần đây do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng loạt ngân hàng đã phải thắt lưng buộc bụng, mạnh tay cắt giảm lương thưởng và đây cũng là yêu cầu của Ngân hàng nhà nước đặt ra với toàn hệ thống để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Nghề ngân hàng thời Covid-19: Nơi giảm 20-30% quỹ lương cả năm, có nhà băng cắt 50% lương lãnh đạo cao cấp - Ảnh 1.

Thông báo giảm lương của một ngân hàng.

Giảm lương tất cả các bộ phận từ 10-25%, những thông báo như thế này đã được nhiều ngân hàng đưa ra từ đầu tháng 4. Thậm chí có nơi giảm tới 50% lương thưởng ở một số vị trí.

"Ví dụ như khu vực kinh doanh hoặc vận hành hỗ trợ thì mức độ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tinh thần chung đều có sự cắt giảm từ 20-30% tổng quỹ nhân viên của ngân hàng trong 1 năm", ông Ngô Quang Trung - Tổng giám đốc ngân hàng Bản Việt trả lời phỏng vấn VTV.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc ngân hàng SHB cho biết biện pháp của ngân hàng này là "Các cấp lãnh đạo, hội đồng quản trị ban điều hành và các cán bộ quản lý cao cấp của SHB sẽ tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Các cấp quản lý trung gian sẽ giảm từ 10-30% mức thu nhập, sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và giảm lợi nhuận năm 2020 với mức lợi nhuận dự kiến giảm tối thiểu 1.000 tỷ đồng".

Ngoài giảm lương, theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước các Ngân hàng thương mại trước mắt cũng không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay. Điều này sẽ khiến cổ phiếu các ngân hàng kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng các ngân hàng vẫn đáp ứng cổ đông bằng cách chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

"Với việc trì hoãn trả cổ tức thì ngân hàng sẽ có được nguồn vốn chủ sở hữu của mình dồi dào hơn. Qua đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II theo thông lệ quốc tế. Thứ hai là qua đó có khả năng cung ứng được nhiều hơn hoạt động tín dụng với mức chi phí vốn ở mức hợp lý hơn", chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết.

Để tiết giảm chi phí một số ngân hàng cũng bắt đầu giảm lãi suất huy động từ dân cư. Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã giảm từ 0,2-1%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Những động thái của ngành ngân hàng được xem là giải pháp cấp bách hiện nay theo Chỉ thị 11 của Chính phủ. Trước đó ngay từ ngày đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện Chính phủ đang triển khai 3 gói hỗ trợ lớn tới doanh nghiệp và người dân.

Về tín dụng, vào đầu tháng 3, Chính phủ thông báo chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại tham gia cho vay (chứ không phải từ ngân sách nhà nước). Sau đó ít lâu, NHNN cho biết gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia, và gần đây Thủ tướng cho biết hiện gói tín dụng của các ngân hàng đã lên tới 300.000 tỷ đồng. Ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng không chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân.

Nghề ngân hàng thời Covid-19: Nơi giảm 20-30% quỹ lương cả năm, có nhà băng cắt 50% lương lãnh đạo cao cấp - Ảnh 3.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM