Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Samsung được kích hoạt trạng thái ‘khẩn cấp’ ngay khi 'thái tử' Lee bị tuyên án tù
"Thái tử" Lee phải ngồi tù khiến Samsung phải kích hoạt trạng thái "Khẩn cấp".
Việc "Thái tử" Lee Jae-yong phải ngồi tù khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của Samsung Electronics rơi vào trạng thái đóng băng. Một vài khoản đầu tư lớn sẽ buộc phải trì hoãn cũng như quyết định M&A nhiều khả năng sẽ không thể thực hiện được.
Trước đó Tòa án tối cao Seoul đã tuyên án 2,5 năm tù với ông Lee về tội danh hối lộ trong đại án của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye và đồng phạm.
Samsung đã ngay lập tức kích hoạt trạng thái hoạt động "khẩn cấp" trong trường hợp vắng mặt người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Ngoài ra, việc thiếu vắng thái tử Lee khiến nỗ lực tạo ra "Samsung mới" nhằm giúp công ty vực dậy sau dịch Covid-19 của ông cũng sẽ không thể thực hiện được.
Theo Samsung, các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này sắp có buổi gặp mặt khẩn để tìm cách giúp công ty vượt bão khủng hoảng.
"Trước đó nội bộ Samsung đã rất kỳ vọng vào việc ông Lee được hoãn thi hành án và ra tù nhưng quyết định mới nhất của tòa án đã tạo ra một cú sốc. Để đối phó tốt hơn với khủng hoảng, các lãnh đạo đang cố gắng thiết lập Kế hoạch B và đang lên kế hoạch về buổi họp lãnh đạo nhằm thảo luận các vấn đề liên quan".
Một số chuyên gia phân tích trong ngành tin rằng sự vắng mặt của ông Lee sẽ trì hoãn và tạm ngưng những quyết định kinh doanh quan trọng như về các thương vụ M&A giữa bối cảnh các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đang chuẩn bị cho nhiều cơ hội mới.
"Các CEO ở mỗi chi nhánh sẽ có thể xử lý hoạt động hàng ngày mà không có nhiều vấn đề nhưng họ sẽ khó khăn trong việc đưa ra những quyết định đầu tư quan trọng cũng như những thương vụ M&A".
Cũng có lời đồn cho rằng ông Lee sẽ điều hành Samsung từ trong tù bằng việc nhận những báo cáo ngắn ở đây. Tuy nhiên, một vài chuyên gia phân tích nói rằng ông Lee sẽ gặp nhiều trở ngại khi phải điều hành đế chế khổng lồ như vậy từ sau song sắt.
Trong lần ngồi tù trước, kéo dài khoảng 1 năm, ông đã nhận những báo cáo quan trọng và tham gia đưa quyết định với một vài vấn đề chủ chốt.
Ở thời điểm đó, ông quyết định giải thế Văn phòng chiến lược tương lai của Samsung cũng như đầu tư 30 nghìn tỷ won và dây chuyền sản xuất chất bán dẫn Pyeongtaek cho tới năm 2021.
Nhiều người tin rằng sẽ rất khó để đưa ra quyết định về những khoản đầu tư quy mô lớn và những thỏa thuận thâu tóm phục vụ cho tốc độ tăng trưởng tương lai của Samsung khi thiếu vắng ông Lee.
Thỏa thuận lớn mới nhất mà gã khổng lồ công nghệ này thực hiện là vào năm 2016 khi họ thâu tóm nhà sản xuất ô tô Harman International Industries.
Trong phiên tòa ngày 30/12, ông Lee đã có bài xin lỗi dài về những vấn đề xung quanh mình và nhấn mạnh nỗ lực biến Samsung thành một công ty vĩ đại trong khi đó nhấn mạnh lại rằng mình không làm gì sai trong quá khứ và thề không bao giờ trao lại quyền kiểm soát công ty cho con cái mình. Cũng chính vì những rắc rối về pháp lý mà sau khi cố chủ tịch Lee Kun-hee qua đời, "thái tử" Lee vẫn chưa thể chính thức tiếp quản "ngai vàng" ở công ty.