"Tổ tiên" của Bitcoin là những đồng tiền to bằng cả con người - chả hiểu người xưa tiêu tiền kiểu gì?
Không phải hệ thống tiền tệ ở đâu cũng giống nhau. Có những đồng tiền kỳ lạ đến mức chẳng ai hiểu vì sao chúng được lưu hành.
Một trong những "phát minh" quan trọng nhất của con người là hệ thống tiền tệ. Với tiền, con người đã có một công cụ cực kỳ hữu hiệu để mua bán giao thương, thay vì phải vác hàng tấn đá để đổi lấy một nhà gỗ - ví dụ như vậy.
Nhưng hệ thống tiền tệ mỗi thời mỗi khác, và sự khác biệt còn phụ thuộc vào từng quốc gia. Có những hệ thống tiền tệ xưa kia còn kỳ lạ đến mức con cháu bây giờ chẳng hiểu người xưa tiêu tiền cái kiểu gì, như những đồng tiền đá trên đảo Yap thuộc Micronesia (quốc đảo thuộc Thái Bình Dương) chẳng hạn.
Trên đảo Yap ngày nay vẫn còn dấu vết của những đồng tiền này. Chúng được gọi là "rai stone", làm từ đá vôi, có dạng tròn và đường kính mỗi đồng mỗi khác - từ nhỏ cỡ một chiếc bánh cho đến "vĩ đại" với đường kính lên tới 4m.
Những đồng tiền này không hẳn được làm ra tại đảo Yap - nơi vốn chẳng có kim loại lẫn đá vôi. Chúng đến từ một hòn đảo xa hơn - Anagumang, cách đó 640km. Theo các tài liệu cổ, đồng tiền này xuất hiện khi các nhà thám hiểm từ Yap tới Anagumang khoảng 500 năm trước.
Người từ Yap choáng ngợp trước nguồn đá vôi đồ sộ của hòn đảo này, quyết định khai khoáng, đục đẽo chúng để đổi lấy hàng hóa tại Anagumang. Số còn dư lại vượt qua đại dương để trở về Yap - có thể coi là một công trình đáng nể, xét trên bối cảnh có những tảng nặng ngang ngửa một con voi.
Quá trình khai thác vất vả khiến những hòn đá vôi cho cảm giác cực kỳ có giá trị. Chúng thường được trao đổi như một biểu tượng của sự thịnh vượng trong văn hóa người Micronesia, như quà cưới, vật trưng cho nghi lễ, của hồi môn, của thừa kế... Thậm chí đến tận ngày nay khi tất cả đã chuyển sang dùng tiền mặt, tiền đá vôi vẫn được sử dụng như một vật trao đổi trong các nghi lễ.
Tuy nhiên xét trên độ cồng kềnh và cân nặng, chẳng ai mang được chúng trong ví cả. Các đồng tiền khổng lồ sẽ chịu cảnh nằm bất động trong những khu vực quan trọng - như không gian bên ngoài tòa nhà hoặc những nơi công cộng. Chủ sở hữu của các đồng tiền sẽ được xướng tên vào những dịp lễ hội.
"Tổ tiên" của của Bitcoin
Năm 2019, các nhà khảo cổ học và kinh tế học tại ĐH Oregon (Mỹ) tiến hành nghiên cứu về hệ thống tiền tệ, và xác định rằng tiền đá vôi có rất nhiều điểm tương đồng với... Bitcoin ngày nay.
Bitcoin chắc nhiều người cũng biết, là một loại tiền ảo (tiền kỹ thuật số) không cần thông qua cơ quan phát hành như ngân hàng. Để theo dõi các giao dịch, các thương vụ mua bán sẽ được mã hóa trên một sổ cái công khai - chính là blockchain. Các giao dịch sẽ được xác thực bởi tất cả mọi người trong hệ thống, và mọi lịch sử mua bán đều minh bạch để ai cũng có thể theo dõi.
Và bởi tiền đá vôi rai stone được định giá bằng niềm tin và kiến thức được chia sẻ, nhóm nghiên cứu tin rằng nó có nhiều điểm tương đồng với hệ thống tiền ảo.
"Giống như tiền đá vôi, giá trị và tính sở hữu của bitcoin được xác định theo tập thể. Đó là hệ thống tài chính phân tán - trái ngược với các hệ thống tiền tệ cần thể chế tài chính thứ 3 xen vào," - Stephen McKeon, phó giáo sư tài chính tại ĐH Oregon cho hay.
Về cơ bản, hệ thống tiền đá vôi cho thấy hệ thống tiền tệ có thể phức tạp và trừu tượng đến mức nào. Tiền tệ được định nghĩa là vật trung gian để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Thế kỷ 21, các quốc gia đã hoàn toàn sử dụng các đồng tiền được định danh (fiat money) - nghĩa là tiền tệ không có giá trị nội tại. Chúng chỉ có giá trị nếu được một chính phủ chống lưng phía sau, và được chấp thuận về giá trị. Có nghĩa là trên thực tế, mọi thứ hoàn toàn là trừu tượng.
Giống như một bao thuốc lá chuyển lậu trong nhà giam, một tiền đồng cổ xưa hay những đồng tiền đá vôi của người Micronesia. Tất cả đều có giá trị, miễn là mọi người đồng ý với nó.