Tờ New York Times nói về Socola Việt: Đây là loại Socola ngon nhất bạn từng được nếm thử

11/10/2016 08:13 AM | Kinh doanh

Những thanh socola thương hiệu Marou được phóng viên tờ New York Times hết lời ca ngợi.

Mở đầu bài viết của mình, phóng viên Lawrence Osborne của tờ New York Times hùng hồn tuyên bố: Những thanh socola tuyệt vời nhất thế giới hiện đang được sản xuất từ một garage ở TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Dưới đây là toàn bộ chia sẻ của Osbourne về loại socola được sản xuất tại Việt Nam mà anh cho là "hảo hạng" nhất thế giới.


Trên thị trường hiện nay không thiếu những loại socola nhỏ, được làm thủ công, nhã nhặn và đặc biệt được sản xuất 100% từ hạt cacao thu hoạch trên một nông trại hoặc một vùng đất nhất định.

Tuy nhiên, loại socola có tất cả những đặc điểm như kể trên ngon nhất mà tôi từng thưởng thức là do một công ty nhỏ có tên Marou sản xuất ở một nhà máy nằm ngoại ô TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. Những hạt ca cao dùng để sản xuất ra loại socola hảo hạng này được chọn lọc cẩn thận bằng tay từ làng Tân Phú Đông (Tiền Giang), thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Loại socola này rất khác biệt. Nó được làm gần như từ một loại ca cao có tên gọi Trinitario - một sự pha trộn giữa hạt Forastero và Criollo.

Socola của Marou được chế biến tinh xảo và có sự biến đổi đặc biệt bởi những hạt ca cao dùng để sản xuất được chọn lọc cẩn thận từ tận nơi trồng. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể kiểm soá được mọi thứ, từ trang trại trồng ca cao cho tới những thanh socola cuối cùng khi hoàn thiện. Kết quả là socola khi ra lò có nhiều hương vị lạ như cam thảo…

Công ty Marou được thành lập từ năm 2011 bởi Samuel Maruta người mang hai dòng máu Pháp - Nhật và Vincent Mourou là người Pháp - Mỹ. Maruta lần đầu tiên tới Việt Nam để làm giáo viên còn Vincent khi ấy đang làm việt trong lĩnh vực quảng cáo.

Ngay khi ra mắt, Marou đã gây bất ngờ cho toàn thế giới với một thương hiệu thanh socola cao cấp Marou, điều hành doanh nghiệp có lợi nhuận và còn góp phần giúp Việt Nam có mặt trong bản đồ socola thế giới.

Trong năm đầu tiên hoạt động, doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Và năm nay họ hy vọng nâng con số này lên 1 triệu USD. Hiện tại, Marou có khoảng 20 nhân viên và nhà máy đặt ở Thủ Đức với công suất 100kg socola mỗi ngày.

Năm ngoái, công ty này sản xuất ra 3 tấn socola và 70% trong số đó được xuất khẩu ra hơn 20 thị trường trên khắp thế giới, chủ yếu là châu Âu.

Hai nhà sáng lập công ty Vincent Mourou (trái) and Samuel Maruta (phải).

“Chúng tôi tạo ra những thanh socola mang chất Pháp nhưng tinh xảo hơn rất nhiều. Đa phần người Việt Nam thích những thanh socola ngọt và dịu hơn. Tuy nhiên, với những nguyên liệu được sử dụng hiện tại, đây chính là loại socola đậm chất Việt".

Vào một buổi sáng, tôi đã được Maruta dẫn tới nơi cung cấp hạt ca cao cho Marou ở Tân Phú Đông. Chúng tôi lái xe khoảng 3 giờ và ghé thăm vườn của anh Phạm Thành Công - một trong những nhà cung cấp của công ty.

Anh Công đã nấu cơm, mời chúng tôi ăn trưa và sau đó cùng nhau ra vườn thử cacao. Vỏ của những quả ca cao chính có đủ loại màu sắc, khi bổ ra trông chúng như ruột quả măng cụt, đầy hạt với lớp màng màu trắng bao bọc.

Các hạt ca cao sẽ được thu hoạch, để 6 ngày trong một chiếc thùng gỗ và sau đó phơi khô dưới ảnh mặt trời trên những chiếc chiếu tre.

Một công nhân trong nhà máy sản xuất socola của Marou:

Sau khi chọn lựa kỹ càng, số hạt đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa tới nhà máy của Marou để sản xuất. Chúng được bóc vỏ, nghiền thành bột sau đó rang và trộn với đường cho tới khi thành một loại chất lỏng vừa đẹp vừa dậy mùi thơm. Trong 2 ngày tiếp theo, chất lỏng này sẽ tiếp tục được nhào kỹ trước khi đổ vào khuôn, chờ nguội và đóng gói.

Những thanh socola của Marou có vị giống một chút với hạt dẻ, kem và mang màu đen.

Khi tôi mời Công 1 thanh socola Marou, anh ấy lắc đầu và nói không thích, “nó quá đậm và chua”. Nhìn chung thì người dân ở đây có vẻ không thích hương vị socola của Marou nhưng bản thân tôi lại vô cùng thích thú và cho rằng đây là "loại socola ngon nhất thế giới". Sau chuyến đi, tôi đã mang về nhà tới 20 thanh Marou.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM