Tổ chức xếp hạng S&P khẳng định chính phủ các nước cần phải chi tiêu mạnh tay để cứu kinh tế

21/07/2020 08:15 AM | Xã hội

Chuyên gia thuộc S&P lý giải rằng việc tăng cường chi tiêu sẽ khiến cho bảng cân đối kế toán của chính phủ các nước xấu đi, tuy nhiên điều đó là cần thiết để ngăn cho mọi chuyện tồi tệ hơn.

Khi mà đại dịch Covid-19 đang gây tác động nặng nề lên kinh tế toàn cầu, chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường chi tiêu để hỗ trợ cho doanh nghiệp và các hộ gia đình trong năm tới, theo phân tích của chuyên gia kinh tế tại S&P Global Ratings.

Cụ thể, theo CNBC, chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới đã thông báo về gói hỗ trợ tài khóa trong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, một số nước trong đó có Mỹ đã có dấu hiệu “mệt mỏi tài khóa” và thậm chí còn đang cân nhắc rút đi một số gói kích thích, ông Shaun Roache, chuyên gia kinh tế trưởng tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings, nhấn mạnh.

Ông Shaun Roache nói với CNBC: “Chúng ta đang chứng kiến một số nhà hoạch định chính sách tài khóa nghĩ đến việc rút đi một số biện pháp kích thích tài khóa hoặc không kéo dài nó, điều này khá nguy hiểm trong bối cảnh phần còn lại của nền kinh tế vẫn còn khó khăn”.

Ông kỳ vọng các nhà hoạch đinh chính sách sẽ vẫn duy trì các biện pháp kích thích tài khóa: “Chúng tôi kỳ vọng và chúng tôi vẫn hy vọng rằng một số biện pháp tài khóa sẽ vẫn được duy trì sang năm sau. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ có thêm biện pháp nới lỏng tài khóa, và thực ra cũng chẳng có lựa chọn nào thay thế được cả”.

Ông Roache lý giải rằng việc tăng cường chi tiêu sẽ khiến cho bảng cân đối kế toán của chính phủ các nước xấu đi, tuy nhiên điều đó là cần thiết để ngăn cho mọi chuyện tồi tệ hơn. Điều này xảy ra khi mà giới chức các nước phải hành động để hạn chế bớt các hoạt động kinh tế nhằm ngăn virus lây lan bởi cho đến nay chưa có giải pháp y tế nào đủ mạnh để ngăn được đại dịch.

Vào đầu tháng này, S&P Global Ratings hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. S&P Global Ratings dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 3,8% trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng âm 2,4% theo dự báo trước đó.

Kinh tế toàn cầu được dự báo hồi phục lên mức tăng trưởng trung bình 4% trong năm 2021 cho đến năm 2023, tuy nhiên sản lượng kinh tế tại phần lớn các nền kinh tế dự kiến sẽ vẫn dưới mức của năm 2019, trước khi virus lây lan ra khắp toàn cầu, trong suốt vài năm.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM