Tố bị ‘Món Huế’ quỵt thanh toán hàng chục tỷ đồng, các chủ nợ có thể khởi kiện đòi lại tiền hay không?
Tính đến sáng 23/9, tổng số tiền mà các nhà cung cấp tố ông chủ Món Huế chưa thanh toán cho họ đã lên tới hơn 30 tỷ đồng, và đây có thể không phải con số cuối cùng.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa tại TPHCM và Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, các thương hiệu "anh em" của món Huế, vốn cũng thuộc quản lý của công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, như phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì,…cùng chịu số phận tương tự.
Theo số liệu Zing.vn thu thập tính đến sáng ngày 23/10, tổng số tiền công ty Huy Việt Nam được cho là chưa thanh toán cho các nhà cung cấp đã lên đến hơn 30 tỷ đồng, bao gồm nhiều loại mặt hàng từ thực phẩm như thịt bò, thịt heo, giò chả, rau củ quả... cho đến các dịch vụ truyền thông và thiết bị văn phòng, nhà hàng như camera, máy in...
Rất nhiều nhà cung cấp đã tập trung tại trụ sở Món Huế trong TPHCM để cùng nhau căng băng rôn với hy vọng đòi lại được tài sản. Vậy hành vị quỵt nợ, nếu có, lên tới hàng chục tỷ đồng của phía Huy Việt Nam có thể bị khởi tố hình sự không?
Theo thông tin chia sẻ trên Fanpage Luật sư X, fanpage của Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội), rất khó có đủ yếu tố để cấu thành tội danh trong pháp luật hình sự đối với công ty Huy Việt Nam. Ví dụ tội danh "lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản" mà nhiều nhà cung cấp cho rằng phía chủ sở hữu Món Huế đang phạm phải, phía Luật sư X giải thích để cấu thành tội danh này cần chứng minh công ty có tiền nhưng cố tính không trả nợ hoặc sử dụng mọi biện pháp, thủ đoạn nào đó né tránh việc trả nợ của mình.
Nhưng chiếu theo thực tế, Huy Việt Nam vận hành các chuỗi nhà hàng lên tới con số khoảng 200. Việc kinh doanh không hiệu quả có thể là nguyên nhân phía sau khiến Huy Việt Nam chậm thanh toán cho đối tác nhằm mục đích duy trì dòng tiền để hoạt động, hoặc đã quá thua lỗ nên không đủ khả năng thanh toán, chứ bản chất không phải công ty có sẵn tiền và từ chối trả nợ.
"Tôi nghĩ ở đây họ không có tiền xoay vòng để trả cho đối tác. Quá trình này kéo dài rất lâu cho đến khi Món Huế đóng cửa thì chủ nợ mới vỡ ra là khoản nợ của mình giờ không biết giải quyết thế nào", phía Luật sư X nhận định.
Giải pháp khả thi nhất được được ra là các chủ nợ hợp nhau lại, khởi kiện công ty sở hữu Món Huế để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về số nợ chưa trả cũng như các nghĩa vụ lãi suất đi kèm.
"Nói chung trách nhiệm chỉ là hành chính, dân sự rất khó để hình sự hóa. Kết luận cuối cùng phải đợi cơ quan chức năng nhưng tôi tin 90% không thể hình sự hóa quan hệ này được".
"Tới đây tôi nghĩ nếu tình hình quá căng thẳng, Món Huế sẽ thực hiện biện pháp là nộp đơn phá sản. Thủ tục phá sản phải trải qua nhiều bước, tôi ước tính khoảng 7 bước, thời gian sẽ kéo dài. Bước gần cuối là họp chủ nợ với phía công ty để đưa phương án giải quyết thống nhất: Nếu 2 bên có thể thỏa thuận thì việc phá sản tạm ngưng còn không thì buộc tòa án đưa ra phán quyết công ty phá sản, đồng thời thanh lý tài sản còn lại để thanh toán các nghĩa vụ, án phí, tiền thuế, các khoản nợ,…".
"Hệ quả cuối cùng nếu phía Món Huế đi đến phá sản thì chủ nợ luôn là người thiệt, đòi rất mất thời gian và khó đòi lại 100% số tiền đã cho vay nên phải xác định tinh thần sẵn", phía Luật sư X nhấn mạnh.