Tin vui cho DN xuất khẩu cá tra: Thượng viện Mỹ thông qua hủy bỏ 'Chương trình giám sát cá da trơn'

26/05/2016 15:13 PM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc hủy bỏ Chương trình Giám sát Cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố từ cuối năm 2015, vốn bị nhiều chuyên gia cho là lãng phí và không cần thiết.

Quyết định này được đưa ra ngay tại thời điểm diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và đây là một tín hiệu tích cực cho quan hệ thương mại giữa 2 nước.

Những nhà xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam đã phải cạnh tranh với những hộ nông dân nuôi cá tra ở Mỹ từ cuối thập niên 90. Sản phẩm cá tra vốn khả phổ biến tại Mỹ và trước đây vốn được các hộ nuôi cá vùng Mississippi cũng như các bang miền Nam cung ứng. Tuy nhiên sự phát triển của nguồn cá tra tại các nước Châu Á đã dần lấy mất vị thế của những hộ sản xuất này.

Năm 2002, Nghị sĩ Thad Cochran của bang Mississippi và những chính trị gia miền Nam Mỹ chính thức có những động thái đề nghị gia tăng hàng rào thương mại với cá tra nhập khẩu để bảo vệ người nông dân trong nước.


Nghị sĩ Thad Cochran

Nghị sĩ Thad Cochran

Theo đó, những chính trị gia này cho rằng sản phẩm cá tra của Việt Nam không được phép gọi là cá da trơn vì khác giống, dù chúng tương tự về kết cấu sinh học cũng như hương vị. Từ đó, cá tra của Việt Nam cũng sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu cá da trơn thông thường và gián tiếp ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu cá Việt Nam.

Tuy nhiên, những cố gắng này của ông Cochran và các chính trị gia không đem lại kết quả khi người dân Mỹ vẫn ưa chuộng loại cá da trơn thơm ngon và giá rẻ từ Việt Nam. Thậm chí, các sản phẩm cá tra của Việt Nam đã từng bị cáo buộc bán phá giá năm 2003 và bị áp thuế chống bán phá giá, nhưng lượng tiêu thụ mặt hàng này vẫn không hề suy giảm.

Trước tình hình đó, Nghị sĩ Cochran và các chính trị gia đã thực hiện một bước đi khác khi dựa trên luật nông nghiệp năm 2008 để chuyển việc giám sát cá da trơn từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA). Từ trước đến nay, USDA vốn chỉ chịu trách nhiệm về các loại sản phẩm gia cầm và không có chuyên môn sâu về sản phẩm cá.

Việc chuyển đổi này khiến những nhà xuất khẩu của Việt Nam phải chịu thiệt hại khi tốn chi phí thay đổi các quy trình kiểm định cũng như tuân theo các thủ tục kiểm tra mới.

Tiếp đó, sản phẩm cá tra của Việt Nam dù đã được công nhận là cá da trơn nhưng phía Mỹ lại cho rằng sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam chứa hàm lượng kháng sinh có hại cho sức khỏe, vốn là thông tin không chính xác, và yêu cầu những bước kiểm tra khắt khe, qua đó gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Rõ ràng, những động thái trên của ông Cochran và các chính trị gia là nhằm gia tăng thiệt hại đối với những nhà nhập khẩu Việt Nam và tạo nên rào cản thương mại với sản phẩm nhập khẩu cá da trơn, qua đó bảo hộ các cử tri của họ, vốn là những hộ nuôi cá tra ở Mỹ.

Văn phòng Chính phủ Mỹ (GAO) đã từng từ chối đề nghị trên của Nghị sĩ Cochran nhiều lần trước khi chấp nhận vào năm 2015. Lý do mà chính phủ Mỹ đưa ra là chương trình chuyển đổi giám sát cá tra này quá tốn kém khi tốn 30 triệu USD để xây dựng hệ thống giám sát mới và 14 triệu USD hàng năm để duy trì.

Hơn nữa, GAO cho rằng việc từ chối chương trình chuyển đổi này có thể khiến người dân Mỹ tiết kiện hàng triệu USD tiền thuế mà vẫn đảm bảo chất lượng cá da trơn nhập khẩu. Ngoài ra, GAO cũng lo lắng việc Việt Nam có thể kiện lên Tổ chức Thương Mại Quốc tế (WTO) đồng thời có các biện pháp trả đũa với mặt hàng thịt bò, đậu nành hay các sản phẩm nhập khẩu khác từ Mỹ.

May mắn thay, chương trình chuyển đổi giám sát cá da trơn được thông qua năm 2015 đã bị Thượng viện bỏ phiếu phủ quyết với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Hiện quyết định phủ quyết này còn chờ Hạ viện thông qua và được Tổng thống Obama ký.

Những chính trị gia ủng hộ việc bác bỏ dự luật chuyển đổi giám sát như Nghị sĩ John McCain, Nghị sĩ R. Ariz cho rằng quy định trên chỉ khiến lãng phí tiền thuế của người dân và không có mục đích khác ngoài nâng rào cản thương mại với các sản phẩm cá tra Việt nam nói riêng và những nước khác nói chung.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM