Tin rằng Grab, Uber chưa thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, hàng loạt quỹ đã “ôm hận” với khoản đầu tư vào Vinasun
Sau 3 năm, những quỹ đầu tư đến từ Singapore như GIC, TAEL đã lỗ vài chục phần trăm với khoản đầu tư vào Vinasun.
Những năm trước, thị trường taxi Việt Nam được chiếm lĩnh bởi các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun (VNS). Tuy vậy, trong vài năm gần đây, sự xuất hiện của taxi công nghệ, tiêu biểu là Uber, Grab đã khiến thế trận trong ngành taxi thay đổi hoàn toàn và phần thua dường như đang nghiêng về taxi truyền thống.
Sự xuất hiện của những hãng xe công nghệ mới toanh như Uber, Grab tại Việt Nam năm 2014 ban đầu chưa gây nhiều sự chú ý của khách hàng cũng như các hãng taxi truyền thống. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, với những chính sách ưu đãi “không tưởng” cho cả tài xế lẫn khách hàng, cùng với phương thức đặt xe tiện lợi, Uber, Grab đã khiến cho hàng loạt hãng taxi truyền thống, thậm chí ngay cả “đại gia” Vinasun ngấm đòn.
Báo cáo KQKD năm 2016 cho biết, Vinasun đạt 310 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 5% so với năm trước đó và cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp này sụt giảm lợi nhuận. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun tiếp tục ghi nhận những kết quả không như mong đợi khi doanh thu chỉ đạt 1.903 tỷ đồng – giảm 16%; lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng – giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Không những vậy, số lượng nhân sự Vinasun đã giảm gần 8.000 người so với đầu năm, còn với Mai Linh con số sụt giảm nhân sự cũng lên tới gần 6.000 người và một phần không nhỏ các tài xế này đã chuyển sang hoạt động tại các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab.
Những con số thống kê trên đã cho thấy sức ép mà Uber, Grab đang tạo ra cho các hãng taxi truyền thống. Đây cũng là lý do chính khiến các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Sao Thủ Đô, Vạn Xuân… đồng loạt giăng khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trong những ngày gần đây.
Nhiều quỹ ngoại lỗ lớn với Vinasun
Với kết quả kinh doanh kém tích cực, không bất ngờ khi cổ phiếu Vinasun (VNS) đã lao dốc không phanh. Từ vùng giá 40.000 đồng/cp vào cuối năm 2014 (tính theo giá điều chỉnh) thì cổ phiếu VNS hiện chỉ dao động quanh vùng 18.000 đồng, tương ứng mất tới 55% giá trị. Giai đoạn sụt giảm của VNS cũng là lúc Uber, Grab bắt đầu “bành trướng” tại Việt Nam. Cùng khoảng thời gian đó, chỉ số VnIndex đã tăng trưởng tới 40%.
Việc cổ phiếu VNS liên tục sụt giảm đã gây thiệt hại không nhỏ cho các cổ đông công ty, đặc biệt 2 tổ chức đến từ Singapore là TAEL Partners và Government of Singapore (GIC) khi họ đều mua vào VNS từ năm 2014, đây cũng là giai đoạn VNS đạt đỉnh và nắm giữ đến bây giờ.
Cổ phiếu VNS lao dốc sau khi tạo đỉnh vào năm 2014, thời điểm Uber, Grab xuất hiện
TAEL Partners là quỹ đầu tư được thành lập năm 2007, đặt trụ sở tại Singapore, được quản lý bởi một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp gồm CEO là ông Michael Sng và các cộng sự. Đây là những quản lý cao cấp của UOB Asia Limited, một bộ phận ngân hàng đầu tư thành công của ngân hàng Singapore United Overseas Bank.
TAEL tập trung đầu tư vào các công ty tăng trưởng tại các nước khu vực châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Tại Việt Nam, TAEL đã có một số khoản đầu tư đáng chú ý vào Vinasun, GTN, PAN Foods, Hùng Vương.
Vào cuối năm 2013, TAEL đã mua 3 triệu cổ phiếu VNS (6,9%) qua đợt phát hành riêng lẻ với mức giá 45.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 135 tỷ đồng. Trong năm 2014, quỹ này liên tiếp mua thêm cổ phiếu VNS, qua đó gia tăng sở hữu lên 18,3%. Sau các đợt phát hành chia thưởng, TAEL hiện nắm giữ 12,42 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng tỷ lệ 18,3% và là cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinasun.
Theo dữ liệu giao dịch, TAEL đã bỏ ra 383 tỷ đồng để sở hữu 18,3% cổ phần Vinasun. Tuy nhiên, giá trị hiện tại của khoản đầu tư này chỉ là 221 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư của TAEL đã mất giá tới hơn 40% sau 3 năm đầu tư. Tuy nhiên, TAEL vẫn được “an ủi” khi nhận về hơn 84 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt trong quãng thời gian đầu tư vào Vinasun.
Còn với GIC, quỹ đầu tư với hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ vào Việt Nam như Masan, Vietjet Air, FPT, Pan Foods… cũng không thực sự thành công với Vinasun.
Tháng 8/2014, GIC đã mua lại 4,5 triệu cổ phiếu VNS (tỷ lệ 7,96%) từ Red River Holdings với mức giá ước tính khoảng 203 tỷ đồng. Từ đó tới nay, GIC không mua thêm cổ phiếu VNS và vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 7,96% nhưng số lượng đã tăng lên 5,4 triệu cổ phiếu do chia tách.
Hiện tại, giá trị cổ phiếu VNS mà GIC nắm giữ chỉ còn khoảng 96 tỷ đồng, giảm 53% so với giá vốn ban đầu. Tất nhiên, quỹ này cũng đã thu về gần 31 tỷ đồng tiền cổ tức trong quá trình đầu tư nhưng rõ ràng đây vẫn là khoản đầu tư không hiệu quả của GIC.
Năm 2014 là thời điểm các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun vẫn chiếm thế thượng phong trên thị trường, trong khi Grab, Uber mới chỉ xuất hiện trên Thế giới cũng như tại Việt Nam và chưa thực sự được đánh giá cao. Do đó, quyết định “đu đỉnh” Vinasun của GIC và TAEL trên thực tế cũng không quá khó hiểu.