Tín hiệu mới tích cực từ nước láng giềng về 2 tuyến đường sắt 'khủng' kết nối Việt Nam - Trung Quốc

05/01/2024 08:49 AM | Kinh tế vĩ mô

Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 2 tuyến đường sắt.

Tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc

Vietnamnet đưa tin, sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh gửi kiến nghị về việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời.

Theo đó, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2023, phía bạn cho biết đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng.

"Trong trường hợp được phía Trung Quốc chấp thuận hỗ trợ, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện". báo Pháp luật Tp.HCM trích thông tin từ văn bản của Bộ GTVT.

Tín hiệu mới tích cực từ nước láng giềng về 2 tuyến đường sắt 'khủng' kết nối Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 1.

Lễ khai trương một ga tàu liên vận từ Việt Nam đi Trung Quốc. Ảnh: VNR

2 tuyến đường sắt đóng góp quan trọng vào giao thương Việt Nam - Trung Quốc

Tuyến Lạng Sơn - Hà Nội

Đồng Đăng - Hà Nội (hay còn gọi là Lạng Sơn - Hà Nội) là một trong hai tuyến đường sắt đã được nhắc đến trong văn bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi tháng 12/2023.

Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).

Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là vô cùng cấp thiết.

Việc Trung Quốc nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội sẽ góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và thị trường ASEAN, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng

Tín hiệu mới tích cực từ nước láng giềng về 2 tuyến đường sắt 'khủng' kết nối Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 2.

Đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh minh họa được tạo bởi ứng dụng AI Chat GPT

Ngoài tuyến Đồng Đăng - Hà Nội thì tại buổi làm việc giữa lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Việt Nam, hai bên cũng đề cập đến vấn đề nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng. Tuyến đường sắt này hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu.

Tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng là một phần trong tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà liên danh tư vấn mới lập quy hoạch phát triển giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050.

Tư vấn đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ tiêu chuẩn 1.435mm tiên tiến, hiện đại, điện khí hoá, vận tốc thiết kế chạy tàu 160 km/h.

Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn với chiều dài 47,5km đi qua các con sông lớn,các đoạn đường bộ cao tốc lớn; có 11 hầm với chiều dài khoảng 10km. Toàn tuyến từ Lào Cai đến Quảng Ninh có 41 ga; trong đó, 5 ga lập tàu, 10 ga trung gian, điểm cuối tại ga Hạ Long (tàu khách) và ga Cái Lân (tàu hàng). 

Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP Móng Cái (Quảng Nịnh). 

Điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Phòng Thành - Đông Hưng này gần với biên giới Việt Nam nên tuyến Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc).

Trao đổi trên VnExpress ngày 10/12, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường sắt Hà Khẩu, Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi.

Đại sứ Trung Quốc cũng khẳng định phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng.

Tổng hợp


Theo Chi Chi TH

Cùng chuyên mục
XEM