Tín dụng riêng: Cần nhưng phải đúng
Với nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù, một cơ chế tín dụng chung sẽ không bao quát hết để đi đúng và trúng vào nhu cầu vay vốn. Do đó, theo các chuyên gia, cơ chế tín dụng riêng cho từng lĩnh vực là điều cần thiết và nên làm.
5 lĩnh vực ưu tiên
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn có mức tăng trưởng khá, lãi suất cho vay thường phổ biến thấp hơn lĩnh vực kinh doanh thông thường từ 3-4%/năm. Cùng với các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, NHNN còn ưu tiên cho các lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân như vay mua nhà ở xã hội…
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên cũng mong muốn có gói tín dụng được thiết kế riêng, để phù hợp với đặc điểm của ngành nghề với những yêu cầu cụ thể về định mức cho vay, thời gian vay, tài sản đảm bảo, cách thức hoàn trả gốc và lãi. Theo một điều tra mới đây về độ cản trở trong tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động bán lẻ của Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 53% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, sự thiếu vắng gói tín dụng riêng dành cho các doanh nghiệp bán lẻ đang gây nhiều cản trở cho việc tiếp cận vốn.
Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những gói tín dụng dành riêng cho các lĩnh vực kinh doanh. Hơn nữa, một điều dễ nhận thấy là với việc lựa chọn từng hình thức phù hợp cho các lĩnh vực kinh doanh, số lượng nợ xấu có thể được giảm bớt. Theo đại diện NHNN, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên do tỷ lệ nợ xấu thấp hơn hẳn so với mặt bằng tỷ lệ nợ xấu chung của tín dụng toàn nền kinh tế, trong khi tín dụng vẫn tăng đều qua các năm.
Do đó, nắm bắt được xu thế này, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói tín dụng dành riêng cho từng loại hình doanh nghiệp. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tung ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi vốn vay bằng USD từ 2,35%/năm đến 2,8%/năm, cố định trong 3 tháng đầu sau giải ngân, mức lãi suất cụ thể sẽ tùy vào việc xếp hạng tín dụng và chấm điểm khách hàng theo quy định của SHB.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã đưa ra gói sản phẩm PV Ready nhắm đến nhu cầu vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ có quy mô doanh thu dưới 50 tỷ đồng. Hơn nữa, với gói ưu đãi này, các doanh nghiệp nhỏ sẽ được vay lãi suất 8%/năm, cố định trong 6 tháng đầu tiên cho các khoản vay trung dài hạn, mức phí trả nợ trước hạn 0,1% và tối đa không quá 2%/năm trên số tiền trả nợ trước hạn.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng đông đảo nên việc đẩy mạnh tín dụng là điều nên làm để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, chính vì là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khó có thể đáp ứng các điều kiện như lãi suất cao, tài sản thế chấp… nên cần một cơ chế “mở” hơn đối với từng gói tín dụng riêng.
Cơ chế phải đúng
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, việc có một chính sách tín dụng riêng cho mỗi lĩnh vực là điều cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách này phải được cụ thể hóa và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc phát triển này cũng là để triển khai theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Lấy ví dụ về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, khu vực nông nghiệp nông thôn đang có nhu cầu rất lớn về vốn để mua sắm trang thiết bị, đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực dễ gặp rủi ro, người dân có thu nhập thấp nên tín dụng cho lĩnh vực này tuy đã được chú trọng từ lâu nhưng việc tiếp cận vốn còn khó khăn.
Do đó, chính sách tín dụng riêng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cần hướng đến hướng lựa chọn đúng khách hàng cho vay, tỷ lệ cho vay và điều kiện cho vay (thế chấp, bảo lãnh tín dụng, lãi suất, thời hạn, mức độ ưu đãi) tương ứng phù hợp với từng đối tượng trong mô hình sản xuất lớn và chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, vừa tránh chồng chéo, trùng lắp, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng và quản lý tốt rủi ro tín dụng.
Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam cho rằng, mỗi đối tượng vay vốn có đặc thù khác nhau, lĩnh vực có hiệu suất sinh lời cao không thể cũng được vay với lãi suất tương tự hoặc thấp hơn lĩnh vực có hiệu suất sinh lời thấp. Ví dụ như những người làm nông nghiệp với nhiều rủi ro, nhiều khi “lấy công làm lãi” không thể cào bằng cơ chế với những doanh nghiệp làm thương mại hay bất động sản.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là với nhiều gói tín dụng riêng, không ít ngân hàng khi đưa ra mức lãi suất thấp, cho vay không thế chấp nhưng lại đặt kèm điều kiện tùy theo xếp hạng và cách chấm điểm độ tín nhiệm tín dụng theo quy định của ngân hàng. Những quy định này đều chỉ được đề cập chung chung khi quảng cáo, nên một số doanh nghiệp đã lắc đầu ngao ngán khi không thể đáp ứng yêu cầu được vay ưu đãi, dù nghe qua rất hấp dẫn và phù hợp.
Nguyên nhân của tình trạng trên là nếu xét về độ tín nhiệm được ngân hàng chấp nhận thì phải là những doanh nghiệp đã làm việc lâu năm, đã từng có quan hệ với ngân hàng, không để lại nợ xấu, trong khi những doanh nghiệp cần vốn lại là những doanh nghiệp mới hoạt động hoặc đang gặp khó khăn. Do đó, theo các chuyên gia, các gói tín dụng riêng cần một cơ chế “thoáng” hơn, tìm được đúng và trúng doanh nghiệp đang có nhu cầu, nhưng có phương án kinh doanh khả thi.
Có thể thấy, tín dụng riêng là điều cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh mà còn giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, đạt được như mục tiêu mà NHNN đã đề ra. Tuy nhiên, các chương trình tín dụng phải đúng và trúng với nhu cầu cũng như nguyện vọng của từng đối tượng vay vốn, không thể để tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo” hoặc đặt ra những quy định riêng, ẩn sau những lời quảng cáo khiến doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên không thể tiếp cận được vốn vay.