Tín dụng bị kiểm soát chặt, bancassurance đang trở thành "mỏ vàng" cho các ngân hàng đua nhau khai phá

04/01/2020 11:18 AM | Kinh doanh

Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo cập nhật bức tranh "đua nhau bán bảo hiểm" tại các ngân hàng thời gian gần đây. Theo đó, Rồng Việt cho rằng đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ở các ngân hàng.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang bị kiểm soát chặt hơn và không còn nhiều dư địa để cải thiện NIM (net interest margin - chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng), các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng thu nhập hoạt động từ các hoạt động bán chéo để thu phí dịch vụ.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ trọng thu nhập dịch vụ trên tổng thu nhập hoạt động cho mười ngân hàng mà Công ty chứng khoán Rồng Việt theo dõi đã tăng lên 10,5% từ mức 9,6% trong năm 2018, cho thấy cơ cấu thu nhập có phần bền vững hơn. Theo Rồng Việt, trong số nhiều hoạt động đem lại thu nhập dịch vụ cho các ngân hàng, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, đặc biệt là từ phân phối bảo hiểm nhân thọ. Trên cơ sở đó, thu nhập bancassurance còn nhiều tiềm năng để phát triển ở các ngân hàng.

Tín dụng bị kiểm soát chặt, bancassurance đang trở thành mỏ vàng cho các ngân hàng đua nhau khai phá - Ảnh 1.

Sự tăng trưởng của thu nhập bancassurance được dẫn dắt từ tiềm năng của ngành bảo hiểm

OECD dự báo GDP của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ 6,0 - 6,2% mỗi năm cho đến năm 2025. Ngoài ra, hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 so với tỷ lệ 11% vào năm 2015. Theo đó, điều kiện kinh tế thuận lợi cùng với việc dân số trẻ với thu nhập tăng nhanh sẽ tạo ra dư địa phát triển mạnh cho mảng bảo hiểm. Nhu cầu tiết kiệm, đầu tư và sở hữu ô tô sẽ thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm cá nhân bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xe hơi.

Các công ty bảo hiểm đã cố gắng đáp ứng xu hướng này bằng cách tiếp cận khách hàng thông qua việc mở rộng kênh phân phối quan ngân hàng (bancassurance). Mặc dù không có dữ liệu chi tiết về bảo hiểm phi nhân thọ, Rồng Việt nhận thấy phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đã tăng trưởng đáng kể với tốc độ hàng năm 84% trong giai đoạn 2016-2018.

Tỷ trọng đóng góp của kênh ngân hàng vào tổng phí bảo hiểm nhân thọ đã liên tục mở rộng từ 5,9% trong năm 2016 lên 12% vào năm 2018 và 15,8% trong 9 tháng 2019. Trong khi đó, kênh này cũng chiếm 29% tổng phí bảo hiểm nhân thọ năm đầu tiên trong 9 tháng 2019, tăng từ 21% vào năm 2018 và 10% vào năm 2016.

Hiện nay, do Việt Nam tỉ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp (chỉ 2,4% trong năm 2018), ngành bảo hiểm nói chung (và bảo hiểm nhân thọ nói riêng) vẫn có cơ hội phát triển mạnh. Cùng với xu hướng tỷ trọng đóng góp của kênh bancassurance ngày càng tăng, thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của các ngân hàng sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Tín dụng bị kiểm soát chặt, bancassurance đang trở thành mỏ vàng cho các ngân hàng đua nhau khai phá - Ảnh 2.

Triển vọng thu nhập bancassurance ở một số ngân hàng

Bancassurance đã trở thành một phần trong chiến lược tăng trưởng của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng định hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang bán lẻ. Việc đẩy mạnh hoạt động phân phối bảo hiểm không chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu tài chính toàn diện của các khách hàng mà còn làm đa dạng hóa các nguồn thu dịch vụ. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập dịch vụ mở rộng mạnh nhất ở VIB và VPBank (cũng là hai ngân hàng có tăng trưởng thu nhập bancassurance so với cùng kỳ trên 100%), sau đó là TPBank, Vietinbank và MB.

Đối với VIB, sau khi ký hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential, thu nhập bancassurance đã tăng trưởng rất mạnh trong ba năm qua. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016.

Theo đó, trong 9 tháng đầu 2019, thu nhập bancassurance tại VIB tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ tới 145% YoY, chiếm trên 50% tổng thu nhập dịch vụ. Với mức độ an toàn vốn cao và là ngân hàng đầu tiên thỏa mãn cả 3 trụ cột của Basel 2 ở Việt Nam, VIB sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng rất cao của mình trong các năm tới (năm 2019 nhiều khả năng cao trên 30%), từ đó làm cơ sở để thúc đẩy hoạt động bán chéo bảo hiểm và duy trì tăng trưởng thu nhập bancassurance cao.

Đối với VPBank, thu nhập dịch vụ tại ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu 2019 tăng trưởng tới 51,6% YoY, trong đó, thu nhập bancassurance tăng trưởng 32,3% YoY, chiếm 23% tổng thu nhập dịch vụ. Thu nhập bancassurance mở rộng chủ yếu nhờ việc phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên, theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA. Ngân hàng cũng đang sử dụng các ứng dụng di động để tăng khả năng giới thiệu các gói bảo hiểm tiếp cận với khách hàng.

Rồng Việt kỳ vọng VPBank sẽ tiếp tục mở rộng được thu nhập bảo hiểm, cùng với thu từ phí thẻ tín dụng, để tăng trưởng được phí dịch vụ mỗi năm bình quân 28% và tỷ trọng đóng góp cho thu nhập lên 11% từ nay đến năm 2023.

Với nhiều hợp đồng hợp tác bán bảo hiểm với ngân hàng được ký kết trong năm 2019, nhất là trong mảng bảo hiểm nhân thọ, cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên gay gắt hơn. Do đó, tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm tại các ngân hàng sẽ chậm lại nhất là với các ngân hàng đã đẩy mạnh khai thác hoạt động này trong một hoặc hai năm gần đây sau khi có hợp đồng phân phối được ký kết. Với các ngân hàng này, các hoạt động dịch vụ khác như phí thanh toán, phí thẻ, phí bảo lãnh hay dịch vụ trái phiếu cũng cần được thúc đẩy để giữ được tăng trưởng thu nhập dịch vụ tổng thể ở mức cao.

Tín dụng bị kiểm soát chặt, bancassurance đang trở thành mỏ vàng cho các ngân hàng đua nhau khai phá - Ảnh 3.

Ngoài những ngân hàng trên, Vietcombank và ACB sẽ là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể trong trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm, nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019 (Vietcombank ký độc quyền với FWD vào tháng 11; ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9 và FWD vào tháng 12).

Đối với ACB, thu nhập từ bảo hiểm đang dẫn dắt tăng trưởng thu nhập phí nói riêng và thu nhập hoạt động nói chung trong bối cảnh không có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thu nhập lãi hay thu nhập khác. Trong 9 tháng đầu năm 2019, ACB đã lọt vào top 7 các ngân hàng có thu nhập phí từ bancassurance cao nhất khi thu nhập từ mảng này tăng trưởng 250% YoY lên 414 tỷ đồng, chiếm 29,3% thu nhập hoạt động.

Rồng Việt kỳ vọng hoạt động này sẽ còn tiếp tục được đẩy mạnh tại ACB sau khi hai hợp đồng hợp tác không độc quyền với Manulife và FWD được ký kết, bổ sung cho đối tác hiện tại là AIA. ACB kỳ vọng sẽ thu về 600 tỷ đồng phí bancassurance trong năm 2019 (gấp ba lần năm 2018). Với cơ sở khách hàng lớn và trung thành của ACB, mảng bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng này còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và ACB có thể đạt tăng trưởng thu nhập phí bảo hiểm hàng năm lên tới 50% mỗi năm trong vòng ba năm tới.

Đối với Vietcombank, trước đây hoạt động bancassurance chưa được đẩy mạnh tương xứng với vị thế và quy mô của họ. Tuy nhiên với hợp đồng độc quyền với FWD gần đây, Vietcombank có thể giải phóng tiềm năng tăng trưởng hoạt động này nhờ việc bán chéo cho tập khách hàng rộng lớn hiện nay của ngân hàng.

Việc thúc đẩy thu nhập bảo hiểm, cùng với sự tăng trưởng tốt của phí dịch vụ khác khi ngân hàng dự kiến giữ nguyên biểu phí, dự kiến sẽ là các động lực đưa tăng trưởng thu nhập dịch vụ lên 50% mỗi năm và nâng tỷ trọng đóng góp cho thu nhập hoạt động lên 20% từ nay đến năm 2022. Thương vụ ký kết hợp đồng hợp tác này nhiều khả năng cũng sẽ đem lại một khoản thu nhập bất thường lớn cho Vietcombank trong vài năm tới.

BIDV và HDBank đang là những ngân hàng không có nhiều động lực tăng trưởng hoạt động bảo hiểm, do đó mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn so với các ngân hàng khác. Trong đó, BIDV vẫn đang mong muốn tìm kiếm đối tác ký hợp đồng hợp tác độc quyền, theo đó có thể kỳ vọng cải thiện tăng trưởng bancassurance, dù nhiều khả năng không thể hoàn thành trong ngắn hạn. Phía HDBank cũng đã cho biết sẽ có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí từ bancassurance và phí thẻ trong năm 2020.

PV

Cùng chuyên mục
XEM