Tìm đất “vàng” vẽ dự án “ma”
Thấy khu đất trống trên mặt đường Võ Chí Công quây tôn nhiều năm, Lê Minh Tiến nghĩ ra kế hoạch “vẽ” dự án xây dựng nhà ở để lừa đảo các nhà đầu tư.
Lợi dụng danh nghĩa là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Lê Minh Tiến đã sử dụng con dấu của Hội để tạo dựng các văn bản, giấy tờ phục vụ kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an làm rõ vị phó chủ tịch hội nghề nghiệp này còn là chủ mưu trong một vụ lừa đảo dự án khác...
Chọn “đất vàng” vẽ dự án “ma”
Khu đất trống được Lê Minh Tiến khảo sát và lựa chọn làm “miếng mồi” để câu nhử các nhà đầu tư nằm ở vị trí khá đắc địa trên mặt đường Võ Chí Công, đoạn nối giữa đường Hoàng Quốc Việt và ngã tư Xuân La. Đây là trục đường huyết mạch từ nội thành Hà Nội qua cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài.
Vài năm gần đây, những dự án nhà ở, chung cư cao tầng dọc hai bên đường Võ Chí Công được triển khai xây dựng khá nhiều. Giá nhà, đất tại khu vực này cũng ngày một tăng, được nhiều nhà đầu tư tìm đến. Khu đất trống mà Lê Minh Tiến nhắm tới được quây tôn từ lâu nhưng phía trong vẫn là đất nông nghiệp, chưa có dự án nào được triển khai.
Lợi dụng khu đất chưa có đơn vị nào treo biển “chủ quyền”, Tiến lên kế hoạch lập một “dự án ma” mang tên: Dự án xây dựng nhà ở cho CBCNV và hội viên Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT).
Bản thân giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nên Lê Minh Tiến dễ dàng lấy con dấu của Hội để sử dụng vào mục đích cá nhân. Đầu tiên, Tiến dùng con dấu này đóng vào văn bản do Tiến tự “sáng tác” - quyết định “về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho CBCNV”, có nội dung Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT ủy quyền cho Công ty Cổ phần phát triển DAV Việt Nam thực hiện các công việc giao dịch, làm việc, ký kết với các đối tác của công ty để triển khai thực hiện dự án.
Thực tế, Công ty Cổ phần phát triển DAV Việt Nam do Lê Minh Tiến đứng tên thành lập nhưng không hề có hoạt động gì và đã đóng cửa từ năm 2017. Tiếp đó, Tiến tự vẽ sơ đồ khu đất dự án, đóng dấu treo của Hội và soạn thảo nội dung thông tin về “dự án” để chào mời các nhà đầu tư.
Đường Võ Chí Công (Hà Nội) là một con đường mới, đẹp, với dự án hai bên đường mọc lên san sát.
Theo những gì được Lê Minh Tiến “vẽ” ra thì đó là một dự án cực kỳ hấp dẫn: Vị trí dự án tại khu đô thị Tây Hồ Tây, giáp đường Võ Chí Công; quy mô diện tích 20.000m2, mục đích sử dụng xây nhà ở cao tầng và liền kề thấp tầng. Công trình có chiều cao hiện trạng 21 tầng nhưng có thể xin điều chỉnh trên 30 tầng. Hiện trạng đất: đất sạch đang quây tôn; hồ sơ pháp lý: Đã phê duyệt 1/500 từ năm 2016. Văn bản về thông tin “dự án” được Lê Minh Tiến đóng dấu đỏ của Hội nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Để tìm nhà đầu tư, Lê Minh Tiến tới các văn phòng giao dịch bất động sản và lên mạng tìm hiểu thông tin. Đầu năm 2018, Tiến tiếp cận được một nhà đầu tư chuyên mua lại các dự án “đất sạch” để xây dựng nhà ở thương mại. Đó là bà Hoàng Thị K., một “đại gia” chuyên về kinh doanh bất động sản và xây dựng. Thấy Tiến là Phó Chủ tịch Hội, lại đưa ra các văn bản, thông tin dự án có đóng dấu đỏ đàng hoàng, bà K. rất tin tưởng nên đồng ý cùng hợp tác kinh doanh theo phương thức người góp đất, người góp vốn để cùng triển khai xây dựng dự án.
Ngày 24-2-2018, công ty của bà K. chính thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT do Lê Minh Tiến làm đại diện. Với tư cách là thành viên Ban Chấp hành Hội, Lê Minh Tiến tiếp tục tự soạn thảo và ký, đóng dấu văn bản đề nghị công ty của bà K. chuyển tiền tạm ứng thanh toán giải phóng mặt bằng vào tài khoản của Công ty Cổ phần phát triển DAV Việt Nam. Thực hiện thỏa thuận, bà K. đã chuyển cho Lê Minh Tiến số tiền 5 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đây, biết bà Hoàng Thị K. có tiềm lực tài chính rất mạnh, cùng thời gian này, Lê Minh Tiến còn đưa ra thông tin có khả năng đấu thầu cho bà K. một lô đất để xây chung cư tại khu vực sát trường THPT Amsterdam, cũng là một vị trí “đất vàng” mà rất nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Tiến tiếp tục sử dụng danh nghĩa pháp nhân của Công ty Cổ phần phát triển DAV Việt Nam để ký hợp đồng dịch vụ với bà K. và nhận số tiền 2 tỷ đồng để giúp bà K. làm “dịch vụ” trúng thầu. Như vậy, tổng số tiền mà Lê Minh Tiến đã nhận của bà K. là 7 tỷ đồng.
Sau một thời gian không thấy Lê Minh Tiến bàn giao các văn bản, giấy tờ, hồ sơ “Dự án xây dựng nhà ở cho CBCNV và hội viên Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT Việt Nam”, bà Hoàng Thị K. hỏi thì Tiến đưa ra một văn bản có nội dung: Biên bản họp về việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với 5 hộ dân là chủ sở hữu khu đất. Trong đó có thỏa thuận sau khi nhận được tiền tạm ứng thanh toán GPMB, các hộ dân sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý và bàn giao tài liệu, giấy tờ, vi bằng liên quan đến thửa đất cho chủ đầu tư.
Đọc kỹ biên bản họp này, bà K. thấy sinh nghi bởi phần chữ ký của 5 hộ dân có nét hao hao nhau như cùng 1 người ký ra. Nghi ngờ tính xác thực của biên bản này, trực tiếp bà K. đã tới khu đất kiểm tra, hỏi thăm các hộ dân có tên trong biên bản. Một người trong số này thông tin không hề biết ông Lê Minh Tiến là ai và cũng không biết gì về dự án nhà ở của Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT Việt Nam.
Tá hỏa, bà K. xác minh tại chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, thấy đúng là không có dự án nhà ở nào tại khu đất trống đã được phê duyệt. Bà K yêu cầu Lê Minh Tiến trả lại tiền, đồng thời làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của vị Phó Chủ tịch Hội tới cơ quan điều tra.
Tại Cơ quan công an, Lê Minh Tiến khai nhận do ham mê cờ bạc, lô đề, cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân nên đã nghĩ ra kế hoạch lừa đảo trên. Thông tin về dự án nhà ở là do Tiến tự “vẽ” ra và tự ý sử dụng con dấu của Hội để đóng vào các văn bản giấy tờ do Tiến tự soạn thảo nội dung.
Sau khi chiếm đoạt được 7 tỷ đồng của bà K., Tiến đã sử dụng chi tiêu cá nhân 1 tỷ đồng, dùng 1 tỷ đồng trả nợ và trả lại bà K. 5 tỷ đồng. Xác minh tại Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT Việt Nam xác định, Hội không thực hiện dự án, không hợp tác thực hiện cũng như không có chủ trương thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên, hội viên. Hội không sở hữu hoặc đồng sở hữu diện tích đất nào tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
Khám xét nhà riêng và nơi làm việc của Lê Minh Tiến tại trụ sở Hội và tại trụ sở Công ty DAV do Tiến làm đại diện pháp luật, Cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo dự án như giấy kêu gọi nhà đầu tư, sơ đồ vị trí dự án, hợp đồng thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án... và rất nhiều giấy trắng đã được Lê Minh Tiến đóng dấu khống con dấu của Hội khoa học kinh tế NN&PTNT ở phía cuối.
Theo cơ quan điều tra, quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, với danh nghĩa Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế NN&PTNT Việt Nam nên Lê Minh Tiến đã gây được niềm tin với mọi người. Trong các văn bản của hội, Tiến còn đóng dấu tên kèm học vị “tiến sĩ” khiến nhiều người nể phục. Thực chất cái danh này chỉ là một tờ chứng chỉ “tiến sĩ” theo hình thức học từ xa trên mạng, không có giá trị và không được công nhận tại Việt Nam.
Cảnh báo những mánh lừa dự án
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ trước đó, Lê Minh Tiến còn là chủ mưu cung cấp tài liệu và bàn bạc kế hoạch thực hiện cũng như “ăn chia” với Nguyễn Thanh Tùng (40 tuổi, quê Bắc Ninh) để lừa đảo các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thực hiện dự án. Với những thông tin do Lê Minh Tiến chuyển cho, Nguyễn Thanh Tùng đã mạo danh là trợ lý cho điều phối viên Liên Hiệp Quốc, “quảng cáo” khả năng giúp đỡ các doanh nghiệp, cá nhân được vay các gói ưu đãi tại Ngân hàng Thế giới và Tổ chức UNDP với lãi suất rất thấp.
Bằng thủ đoạn này, Nguyễn Thanh Tùng đã lừa đảo thành công một doanh nghiệp tại Hà Nội đang có nhu cầu vay vốn để triển khai thực hiện dự án xây dựng bệnh viện tại tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Tùng ký hợp đồng dịch vụ vay vốn nước ngoài với doanh nghiệp, cam kết bằng khả năng và mối quan hệ sẽ giúp cho doanh nghiệp này được Ngân hàng Thế giới cho vay số tiền 3.000 tỷ đồng với lãi suất 3%/năm, thời hạn 20 năm. Phía doanh nghiệp phải trả “phí dịch vụ” cho Tùng là 6% tổng tiền vay, tương đương 180 tỷ đồng. Sau khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp đã chuyển trước cho Tùng 3 tỷ đồng theo thỏa thuận. Tùng và Lê Minh Tiến đã thực hiện “ăn chia” số tiền 3 tỷ đồng chiếm đoạt của doanh nghiệp nêu trên.
Tháng 10-2017, sau khi nhận đơn tố cáo của doanh nghiệp, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Thanh Tùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo lời khai nhận của Nguyễn Thanh Tùng thì trong phi vụ lừa đảo này, với vai trò là người thực hiện, Tùng được hưởng 400 triệu đồng, còn Lê Minh Tiến chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng.
Đối tượng Lê Minh Tiến và những giấy tờ, tài liệu liên quan đến “dự án ma” do Tiến tạo dựng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Khám xét nơi ở của Tùng, Cơ quan công an thu nhiều tài liệu liên quan đến việc nhận hồ sơ hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật nông thôn mới, được Tùng khai nhận do Tiến cung cấp để phục vụ kế hoạch lừa đảo.
Theo phân tích của cơ quan điều tra, trong các vụ lừa đảo dự án đã xảy ra, các đối tượng thường lựa chọn các khu đất trống có vị trí rất đẹp - “đất vàng” rồi thuê công ty thiết kế vẽ bản đồ quy hoạch, lập sơ đồ dự án nhà ở, phân lô đất nền... như một dự án có thật, thậm chí vẽ ra những viễn cảnh về một cuộc sống tiện nghi, tiện ích trong khu độ mới với những hình ảnh đồ họa thật long lanh.
Bị hấp dẫn bởi vị trí đẹp, giá cả đầu tư mang lại lợi nhuận cao... không ít người bị hoa mắt bởi những giấy tờ dự án thực chất không có giá trị pháp lý này và đã mất cảnh giác, bỏ tiền đầu tư mà quên kiểm tra độ xác thực. Vì vậy, khi tiến hành đầu tư nhà, đất, nhà đầu tư cần thận trọng tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư, các hồ sơ pháp lý dự án như văn bản giao chủ đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng... đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay không.
Ngoài ra cũng cần xem xét thực tế tại công trình xem có thi công hay không. Thi công đến đâu. Năng lực chủ đầu tư thế nào... Đó là những việc kiểm tra cần thiết trước khi quyết định xuống tiền để tránh mắc bẫy lừa đảo.
Ngày 11-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Lê Minh Tiến (46 tuổi), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiện, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Lê Minh Tiến về tội danh trên.
Cơ quan CSĐT đề nghị, ai là bị hại của Lê Minh Tiến, liên hệ cán bộ điều tra Cao Thanh Huyền - Đội 10, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội để cung cấp thông tin và giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0914856788.