Tim Cook giúp Apple tăng trưởng cực mạnh nhờ không đi theo 1 phương pháp truyền thống của Steve Jobs
Apple đã khiến cả thế giới phải ngả mũ bái phục sau báo cáo tài chính vào sáng nay, và tất cả đều nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý cùng tầm nhìn khủng khiếp của Tim Cook.
Theo những báo cáo tài chính mới được công bố rạng sáng nay (3/11), cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Apple đều đạt được những kết quả ấn tượng, vượt qua cả dự đoán của Wall Street. Bên cạnh đó, CEO Tim Cook đã đập tan những nghi ngại cho rằng iPhone X sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu về số lượng trong bối cảnh mùa mua sắm đang đến gần.
Tuy nhiên, thành công của Tim Cook không chỉ dừng lại ở những con số “khủng” mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng thèm muốn. Ông còn giúp Apple giải quyết 2 vấn đề vốn đã tồn tại rất lâu đến mức ám ảnh họ. Thứ nhất, họ không còn phụ thuộc quá nhiều vào dòng sản phẩm flagship mới nhất để kéo lợi nhuận đi lên. Và thứ hai, số lượng sản phẩm của họ đã đa dạng hơn, giúp cả những người dùng không có nhiều điều kiện về kinh tế cũng có thể tham gia hệ sinh thái phần cứng - phần mềm mà họ cung cấp.
Để đổi lại những thành công đó, Tim Cook đã buộc phải bãi bỏ chính sách kỳ lạ vốn đã gắn liền với Steve Jobs trong một thời gian dài: Khai tử tất cả những dòng sản phẩm cũ mỗi khi ra mắt các thiết bị mới.
Hãy nhìn vào thực trạng hiện tại, Apple vẫn tiếp tục sản xuất đến 5 dòng smartphone khác nhau bất chấp iPhone X với mức giá 999 USD (22,6 triệu đồng) đang thu hút toàn bộ sự chú ý của người tiêu dùng trên toàn thế giới và đã chính thức lên kệ vào chiều nay. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử hoạt động của Apple.
Bất ngờ nhất chính là khả năng “sinh tồn” của iPhone SE - vốn chỉ được coi là phiên bản nâng cấp của iPhone 5 và đã ra mắt từ 5 năm trước. Hiện tại, thiết bị này đang có giá 349 USD (7,9 triệu đồng) và đóng vai trò quan trọng giúp tăng gấp đôi doanh thu của Apple tại Ấn Độ - mới đây đã vượt qua Mỹ và trở thành thị trường smartphone lớn thứ 2 trên thế giới.
Ngoài ra, Tim Cook cũng tiết lộ rằng đa số các sản phẩm iPhone SE tiêu thụ ở Ấn Độ đều được sản xuất tại ngay tại đó. Đây có thể coi là một phần quan trọng trong những nỗ lực đàm phán của Apple với chính phủ Ấn Độ nhằm tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Là một trong những nhà sáng lập và giúp Apple phát triển mạnh mẽ vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước nhưng Jobs buộc phải rời công ty vào năm 1985 vì những tranh chấp với CEO John Sculley khi ấy.
Trong một thập kỷ tiếp theo, Apple đánh mất vị thế hàng đầu của mình trên thị trường PC trước sự nổi lên mạnh mẽ đến từ Windows của Microsoft. Dù đã cố gắng mở rộng các dòng sản phẩm của mình nhằm lấy lại thị phần nhưng Apple vẫn liên tục phải nhận những thất bại cay đắng. Phải đến năm 1997, khi Steve Jobs quay lại và tập trung phát triển một số sản phẩm nhất định, Apple mới lại nhìn thấy ánh sáng phía cuối con đường.
Khi Apple giành lại được vị thế của mình vào đầu những năm 2000, Steve Jobs đã lập tức triển khai chính sách loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm cũ mỗi khi hãng ra mắt thiết bị mới cao cấp hơn. Khi ấy, iPod Mini - vốn là “con gà đẻ trứng vàng” của Apple, cũng chỉ có thể trụ được 1 năm rưỡi trước khi bị iPod Nano thay thế.
Phương pháp kinh doanh này dù mang lại những hiệu quả nhất định nhưng lại khiến cho hệ sinh thái sản phẩm của Apple bị thu hẹp đáng kể và gặp nhiều hạn chế (mà mức giá “cắt cổ” luôn là vấn đề nhức nhối nhất với người tiêu dùng). Các chuyên gia phân tích cũng đã cảnh báo rằng trong tương lai sẽ có những đối thủ chuyên cung cấp các sản phẩm có giá thấp hơn và gây rất nhiều khó khăn cho Apple. Và thực tế hiện nay đã chứng minh điều này hoàn toàn đúng. Ví dụ như năm 2013, iPad Mini ra mắt và đẩy mạnh doanh số của iPad trong một thời gian ngắn nhưng iPhone 5C lại là một thất bại thảm hại của Apple.
Để tránh đi vào vết xe đổ không đáng có đó, Tim Cook đã cho phép những dòng sản phẩm cũ được tồn tại lâu hơn và giá thành cũng giảm nhẹ qua mỗi năm. Kết quả: đã có đến 46,7 triệu chiếc iPhone được bán ra trong quý vừa qua, tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, tầm nhìn khủng khiếp của Tim Cook không chỉ dừng lại ở số lượng thiết bị. Nhiều sản phẩm được bán ra hơn (bất kể với mức giá thế nào đi nữa) sẽ giúp thúc đẩy các dịch vụ kinh doanh khác như Apple Music hay Apple Store. Chính những dịch vụ như vậy đã mang lại doanh thu 8,5 tỷ USD, vượt xa dự đoán 7,5 tỷ USD đến từ các chuyên gia phân tích hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, số lượng điện thoại tiêu thụ tăng lên cũng kéo theo sự phát triển của các dòng sản phẩm khác như Apple Watch hay Airpod. Các giám đốc Apple dự đoán doanh thu đến từ những sản phẩm này sẽ cán mốc 6,7 tỷ USD vào năm sau.
Có thể thấy, nước đi của Tim Cook khi giảm giá các dòng sản phẩm cũ là nhằm mục đích mở rộng phạm vi sử dụng của hệ điều hành iOS trên toàn thế giới, kích thích người dùng sẵn sàng bỏ tiền để tham gia hệ sinh thái của Apple, kể cả khi thiết bị họ sử dụng không phải là flagship của hãng.
Theo Reuters