Tiki, Shopee, Lazada, Sendo sẽ phải cung cấp doanh thu của người bán hàng cho cơ quan thuế?

25/03/2021 14:59 PM | Kinh doanh

Theo dự thảo Thông tư mới đang được Tổng cục thuế xây dựng, thay vì làm việc với từng người, cơ quan Thuế sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.

Thương mại điện tử là một trong số ít ngành được hưởng lợi từ Covid-19 khi xu hướng mua sắm tại nhà tăng cao. Dịch Covid-19 khiến những người chưa từng mua sắm online bắt đầu làm quen dịch vụ, những người từng mua thì tần suất mua cao hơn, nâng thành thói quen.

Đại diện Shopee Việt Nam cho biết thông thường mua sắm online chỉ nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm nhưng năm 2020 đơn hàng của ứng dụng này tăng vọt từ đầu năm đến cuối năm. CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng đưa ra nhận định lạc quan tương tự và qua năm 2020 cho thấy, càng ngày xu hướng online là bắt buộc cho dù kinh doanh cái gì. 

Tuy là ngành tăng trưởng mạnh nhưng dưới góc độ cơ quan quản lý, Tổng cục thuế cho biết dù chính sách về quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT đã có nhưng chưa có quy định cụ thể về chính sách và quản lý thuế đối với các đối tượng đặc thù, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc xác định thuế suất, hình thức khai thuế và trách nhiệm của các công ty đối tác và nhà cung cấp trên nền tảng trực tuyến nước ngoài. Điều này dẫn đến hiện tượng thất thu thuế.

Tiki, Shopee, Lazada, Sendo sẽ phải cung cấp doanh thu của người bán hàng cho cơ quan thuế? - Ảnh 1.

Hiện lãnh đạo cơ quan thuế nhiều lần nhắc đến việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Thông điệp này tiếp tục được thể hiện cụ thể hơn tại dự thảo Thông tư hướng dẫn và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang được lấy ý kiến.

Chia sẻ với VnExpress, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cho biết, ngành thuế sẽ thay đổi tư duy quản lý với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Theo đó thay vì làm việc với từng người, cơ quan Thuế sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.

Trong dự thảo Thông tư mới đang được xây dựng, các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Trên tinh thần này, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế. Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.

Như vậy cách thức quản lý này sẽ giúp cơ quan thuế tiếp cận với doanh thu thực của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua đơn vị thứ ba là sàn thương mại điện tử hay bên giao hàng.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng ấn tượng với mức tăng lên đến 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử Việt Nam vẫn là điểm sáng bởi là nước duy nhất ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số.

(Tổng hợp)

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM