Tiki mua lại 100% cổ phần của Ticketbox, tiết lộ số tiền đầu tư bỏ ra “không hề nhỏ”
Dù không tiết lộ rõ số tiền cụ thể đầu tư vào Ticketbox nhưng trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cho biết: Chắc chắn sẽ có khoản đầu tư rõ ràng vào Ticketbox trong 3 năm. Đó là một con số không nhỏ.
Khi được hỏi, con số không nhỏ là bao nhiêu, là 1-2 triệu USD? ông Sơn nói lớn hơn số đó.
Ngày 20/08/2019 sàn TMĐT Tiki chính thức công bố mua lại Ticketbox - nền tảng quản lý và phân phối vé sự kiện trực tuyến, tiếp tục lấn sân vào mảng giải trí sau khi đầu tư 100 dự án quảng cáo vào hàng loạt MV của sao Việt như Chipu, Min, Erik..., trước đó.
Việc mua lại Ticket Box sẽ là một nền tảng cho phép các nghệ sĩ và các nhà tổ chức sự kiện có thể dễ dàng tiếp cận khán giả.
Theo CEO Tiki, việc mua lại này mở ra bước tiếp theo trong hành trình hoàn thiện hệ sinh thái thương mại điện tử của đơn vị này. Và đây cũng là thương vụ đầu tiên của sàn TMĐT Tiki.
Theo CEO Tiki, Chắc chắn sẽ có khoản đầu tư rõ ràng vào Ticketbox trong 3 năm. Đó là một con số không nhỏ nhằm hoàn thiện hệ sinh thái TMĐT. Ảnh: P.N
“Trên thế giới, M&A trong lĩnh vực công nghệ xảy ra thường xuyên, đó là hoạt động không thể thiếu trong hệ sinh thái của khởi nghiệp. Còn Việt Nam, sáp nhập ở lĩnh vực này chưa nhiều. Cuối cùng sáp nhập là một hoạt động thừa nhận của một startup. Khi sáp nhập các founder, đội ngũ công ty khởi nghiệp mới thành công. Bản thân Tiki luôn trong trạng thái tìm kiếm, đồng hành và đầu tư phát triển cùng startup, đặc biệt các startup trong lĩnh vực kinh tế số, TMĐT, Logictis. Còn việc đầu tư, sáp nhập được hay không còn tùy duyên chứ không phải muốn là được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đại diện Tiki, bên cạnh các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu hằng ngày của khách hàng, từ hàng tiêu dùng, thời trang - làm đẹp, đến hàng điện tử, sản phẩm mẹ & bé, chăm sóc sức khỏe…, thì dịch vụ cung cấp vé sự kiện và xem phim từ Ticketbox cũng là chiến lược “vì khách hàng” mà Tiki đã vạch ra từ trước đến nay.
Trong những năm gần đây, khán giả Việt dần sẵn sàng chi tiền để thưởng thức những nội dung giải trí chất lượng cao. Cụ thể, theo Tiki riêng ngành bán vé sự kiện tại nước ta được dự kiến đạt 40 triệu đô la Mỹ trong năm 2019 (tăng 50% so với năm ngoái). Con số này của ngành bán vé xem phim cũng được kỳ vọng đạt đến 160 triệu đô la Mỹ vào cuối năm nay.
Ticket Box cho rằng sẽ có khoảng 5.000 sự kiện diễn ra cho đến tháng 1/2020 và con số này có thể tăng gấp đôi đến gấp ba mỗi năm.
Việc Tiki mua lại Ticketbox là một trong những bước đi chiến lược giúp hoàn thiện hệ sinh thái “all in one” của thương hiệu TMĐT này.
Ngoài phần đầu tư tài chính cho Ticketbox, Tiki cho rằng, sẽ sử dụng các “tài sản” sẵn có như công nghệ, nhân lực, quy trình...để giúp Ticketbox phục vụ khán giả và thúc đẩy ngành sự kiện, giải trí tại Việt Nam.
Khi được hỏi thời gian gần đây chiến lược lấn sân mạnh vào lĩnh vực giải trí, liệu Tiki có tham vọng gì lớn hơn đàng sau đó, CEO Tiki cho rằng, mục tiêu lớn nhất của Tiki là “khách hàng cần đến đâu, mình phải đáp ứng được đến đó”. Đó là lý do luôn tìm kiếm các startup ở lĩnh vực kinh tế số để hợp tác, sáp nhập. Khi các đơn vị này làm chung thì bản thân công ty sẽ ngày càng lớn mạnh hơn và đi xa hơn.
Ông Sơn cũng từng khẳng định trước đó, việc “chi tiền” cho lĩnh vực giải trí không hề phản tác dụng mà ngược lại hiệu quả mang lại cho thương hiệu rất cao.
Được biết đến là nền tảng TMĐT đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau Shoppe, các NĐT của đơn vị này hiện bao gồm CyberAgent Ventures, Sumitomo (Nhật Bản), STIC, KIP (Hàn Quốc), EDBI (Singapore), JD.com (Trung Quốc)…