Tiki: Không muốn “giải cứu” nông sản nữa!
"Đến hẹn lại lên", cứ tới mùa thu hoạch nông sản, khắp Việt Nam lại bắt đầu rộ lên phong trào ‘giải cứu" – cụm từ khiến tất cả doanh nghiệp – tổ chức – cá nhân tham gia chuỗi nông sản Việt Nam đều ái ngại.
Tại sao năm nào nông sản Việt cũng cần giải cứu?
Trước Covid-19, khi nông sản của chúng ta còn đi được đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, tình hình chưa đến nỗi nào. Nhưng bắt đầu năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện - đặc biệt là trong vài tháng gần đây, bên cạnh việc Trung Quốc ngày càng siết chất lượng, không khuyến khích tiểu ngạch cộng với dịch bệnh, càng khiến tình trạng nông sản bị hoặc kêu gọi giải cứu ngày càng nghiêm trọng.
Vậy vì sao lại thế? Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nhấn mạnh: Với diện tích gần 66 nghìn hecta, thanh long trồng tại Việt Nam cho sản lượng tới trên 1,3 triệu tấn/năm. Việt Nam có tới 17 loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất (trên 20 nghìn hecta/loại), chiếm tới trên 90% tổng diện tích và 94% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước.
Ngoài ra, chuối có diện tích lớn nhất (151,8 nghìn hecta), xoài (111,8 nghìn hecta), bưởi (105,8 nghìn hecta), thì các loại cam, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, mít cũng có diện tích trồng lên tới trên 50 đến dưới 100 nghìn hecta.
Mấy năm trước, các chuyên gia nông nghiệp đã cảnh báo về tình trạng "vỡ trận" ở ngách cây ăn quả có múi bởi người dân trên cả nước ồ ạt tăng diện tích loại cây này. Ngoài cây ăn quả có múi, thì diện tích xoài, chuối, thanh long và nhiều loại cây ăn quả cũng đang rất lớn, trong khi "miếng bánh" thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc trong vài năm gần đây phải chia sẻ với nông dân Campuchia.
Quan trọng nữa, nông sản của chúng ta vẫn chủ yếu là dùng/xuất tươi, sản lượng chế biến sâu vẫn còn hạn chế. Dạo gần đây, đã có rất nhiều nhà máy chế biến nông sản ra đời, các nhãn hàng nước uống cũng cố đưa nông sản vào sản xuất; song số lượng vẫn không đáng kể. Nên nếu nông sản của chúng ta không tiêu thụ được, thì hô hào giải cứu và nếu giải cứu cũng không hết sẽ đổ bỏ.
Tiki: Chúng tôi không muốn giải cứu nông sản nữa!
Để không phải thường xuyên rơi vào hoàn cảnh phải "giải cứu", đồng thời hỗ trợ ngành nông sản Việt Nam tiêu thụ tốt hơn, nhà nước đang khuyến khích các doanh nghiệp online và offline thực hiện các dự án hỗ trợ nông nghiệp bền vững, điển hình như "TikiDELI đồng hành cùng nông dân Việt", mở màn bằng chương trình "Tết ấm cùng nhà nông" gần đây.
Theo đó, Tiki trực tiếp thu mua nông sản tại vườn, cam kết phân phối giá gốc không lợi nhuận đến tay người tiêu dùng, tung loạt coupon ưu đãi miễn phí vận chuyển và giao nhanh trong 2 giờ. Trong đó 2 mặt hàng mít Thái và thanh long được bán với giá chỉ lần lượt 14.500 đồng/kg và 10.000 đồng/kg. Chỉ trong 2 ngày triển khai chương trình đã có gần 8 tấn nông sản được bán ra. Dự kiến, tổng số lượng trái cây tiêu thụ trong chiến dịch sẽ lên đến 100 tấn.
Trước đây, khi Tiki chưa dấn sâu vào buôn bán nông sản, họ có thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, kể từ khi ra mắt TikiNGON vào 2020, xem như Tiki đã bước một chân vào chuỗi nông sản của Việt Nam, xóa bỏ câu chuyện giải cứu, không chỉ là vì phục vụ chuyện kinh doanh mà còn là trách nhiệm xã hội.
Với những ai theo dõi sát từng bước đi của Tiki, sẽ không ngạc nhiên khi họ ra mắt thêm TikiDELI, đơn vị thu mua và phân phối trực tiếp của TikiNGON. Bởi, ý định ‘làm gì đó để cải thiện tình trạng chưa tốt ngành nông sản và nâng cao đời sống người nông dân’ đã manh nha từ rất lâu trong lòng Ban lãnh đạo Tiki. Minh chứng: vào tháng 6/2021, họ từng phối hợp với GO! và BigC phân phối vải thiều cho bà con nông dân Bắc Giang.
Tóm lại, "Chúng tôi không muốn giải cứu nông sản nữa!", ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc Ngành hàng Thực phẩm Tiêu dùng Tiki bày tỏ.
Thay vì "giải cứu" nông sản ngắn hạn, việc tập trung tạo kênh phân phối nông sản bền vững cho nông dân, hỗ trợ nông dân gia tăng thu nhập, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam, sẽ là một bước đi lâu dài và hiệu quả cho nền nông sản Việt Nam mà chúng ta đang hướng tới.
Hy vọng, không chỉ chương trình TikiDELI đi cùng nông sản Việt, mà hiệu ứng những chương trình tương tự cũng có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực không chỉ với khách hàng mà còn với nền nông nghiệp Việt thông qua việc tạo ra kênh phân phối số bền vững cho nông dân, nâng cao thu nhập bình quân cho người làm nông.
Nhìn sang hàng xóm, chính nhờ sự tham gia của các sàn TMĐT như Alibaba và Chính phủ đẩy mạnh các kênh tiêu thụ online, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã không còn cảnh phải đi khắp nơi kêu gọi ‘giải cứu’ như trước đây.
Ngoài chú trọng việc quảng bá thị trường trong nước, trên cả kênh online và offline; Nhà nước cũng cần Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu, để vừa tăng giá trị gia tăng của nông sản vừa không sự được mùa mất giá hoặc đổ bỏ. Quy hoạch vùng trồng, tăng cường chất lượng nông sản; để nếu không thể tiêu thụ trong nước vẫn có thể xuất khẩu. Hơn nữa, bây giờ thị trường trong nước cũng rất quan tâm tới chất lượng.
"Xuất khẩu phải có bài bản theo hợp đồng, đàm phán với các tỉnh biên giới và mở các thị trường ngách, thị trường các nước Đông Á, Tây Âu khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
Từ bài toán thanh long cũng như các bài toán nông sản xuất khẩu khác, chúng ta phải hiểu điều đó, nếu không sẽ rất khó cho nhiều năm sau nữa", ông Vũ Vinh Phú – cựu Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đề nghị.