Tiêu Tết hết 17 triệu mà chẳng sắm được gì cho bản thân, CĐM đồng lòng khuyên cô gái 22 tuổi 1 điều
17 triệu này đều là tiền dự định biếu ông bà, bố mẹ và lì xì cho các em của cô gái 22 tuổi.
Nhắc đến chuyện tiêu Tết, nhiều người thường nghĩ rằng tụi trẻ độc thân, chưa có con, chưa phải "đối nội - đối ngoại" thì chắc chắn nhẹ gánh. Tết chỉ cần lo tiền váy vóc, làm đẹp của bản thân là xong, có gì đâu mà stress căng thẳng.
Nhưng đúng là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Không phải cứ độc thân, cứ chưa lập gia đình, là có thể vui vẻ đón Tết không lo lắng gì.
Cô gái 22 tuổi áp lực vì câu hỏi của mẹ: "Tết liệu có được thưởng 20 triệu không?"
"Em sinh năm 2003, đã đi làm. Cả lương và thưởng Tết được khoảng 20 triệu nhưng nghĩ đến Tết là em stress quá, không biết phải biếu bố mẹ bao nhiêu. Từ năm ngoái đến năm nay, mẹ em luôn nói ẩn ý là Tết liệu có được thưởng 20 triệu không, Tết cũng phải biếu bố mẹ này nọ, dù kinh tế nhà em không quá khó khăn.
Em dự tính chi cho Tết thế này:
- Biếu mẹ 5 triệu, bố 3 triệu vì mẹ phải lo sắm Tết
- Lì xì 3 em ruột: 3 triệu. Vì em không mua quần áo Tết cho các em, chứ nếu em mua quần áo Tết, khoản này hết 4,5 triệu mất, mẹ em bảo thế.
- Mua bánh kẹo: 1 triệu
- Lì xì các cháu: 1 triệu
Em không biết có nên cắt bớt khoản nào không, vì ra Tết em cũng định chuyển trọ, chuyển việc nên cũng cần 1 khoản nhỏ…" - Nguyên văn chia sẻ của cô gái 22 tuổi.
Cộng tổng tất cả các khoản chi cho Tết mà cô liệt kê, con số lên tới 17 triệu đồng và toàn bộ đều là tiền biếu bố mẹ, lì xì các em, các cháu,... Tuyệt nhiên không có khoản nào là chi cho bản thân. Áp lực biếu Tết bố mẹ khá lớn.
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều khuyên cô nên giảm tiền biếu bố mẹ lại, vì mới đi làm, ra Tết lại có nhiều dự định, chuẩn bị tiền để lo cho bản thân là hợp lý, không có gì phải ngại. Chưa kể, khoản tiền lì xì 3 em ruột cũng nên cắt giảm, vì việc mua quần áo mới cho các em - suy cho cùng, cũng không phải là trách nhiệm của cô.
"Biếu bố mẹ: 5 triệu, gộp chung lại chứ không cần chia ra riêng, bảo bố mẹ là con biếu bố mẹ 1 phần tiền sắm Tết. 1 mình em cũng không thể cân hết cái Tết được. Khoản này biếu trước Tết, mùng 1 lì xì bố mẹ mỗi người 1 ít lấy may.
Biếu ông bà nội ngoại: Biếu vào mùng 1 lấy may thôi, mỗi người 200k.
Lì xì 3 em ruột: mỗi em 100k - 200k, không phải mua quần áo vì đó không phải trách nhiệm của em.
Mua bánh kẹo: Không phải mua vì em đã gửi bố mẹ tiền sắm Tết rồi.
Lì xì các cháu: 1 triệu - khoản này tùy em cân nhắc. Mỗi cháu ruột khoảng 50k, cháu hàng xóm họ hàng 20k. CÒN LẠI THÌ GIỮ LẠI TIẾT KIỆM MÀ PHÒNG THÂN" - Một người khuyên.
"Mình đọc bài của các bạn mà thấy vừa thương, vừa sốc văn hóa. Hay do gia đình mình mới là cá biệt nhỉ? Mình năm nay 34 tuổi, mà chỉ khi lập gia đình, mình mới có "trách nhiệm" biếu Tết bố mẹ 2 bên. Trước kia lúc chưa lấy chồng, mình đi làm, bố mẹ không nhận tiền phụ hàng tháng, Tết chỉ cần mình về là bố mẹ vui, không bao giờ có ý muốn mình đóng góp gì.
Chỉ khi nào ở nhà cần mua gì (ví dụ như tivi, tủ lạnh chẳng hạn) thì anh em mình chung nhau mua, hoặc tự ngỏ ý mua tùy vào khả năng. Về nhà của mình mà còn áp lực như thế này thì đúng là thật mệt mỏi!" - Một người tâm sự.
Lương thưởng chưa cao, biếu Tết bố mẹ thế nào?
Với những bạn trẻ mới ra trường, mới đi làm, lương thưởng "chưa đáng là bao", phải biết Tết bố mẹ ra sao cho phù hợp? Nếu bạn cũng đang băn khoăn điều này, có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây.
1 - Thành thật với bố mẹ về mức lương, thưởng cũng như dự định của bản thân
"Quan trọng là cái tâm, là tấm lòng". Đỡ đần được bố mẹ phần nào, tốt phần đó, vì suy cho cùng, đúng là khó mà chúng ta có thể lo 100% tiền tiêu Tết, sắm Tết cho cả gia đình.
Bởi vậy, trước Tết, bạn có thể biếu bố mẹ số tiền phù hợp với khả năng tài chính hiện tại của bản thân, để bố mẹ sắm Tết. Đến mùng 1 Tết, lì xì bố mẹ thêm để lấy may.
Quan trọng hơn, hãy chia sẻ với bố mẹ tình hình lương, thưởng cũng như các dự định cá nhân của bản thân sau Tết. Trước mắt là để bố mẹ yên tâm, sau đó là để bố mẹ hiểu và thông cảm cho việc bạn chưa thể biếu bố mẹ quá nhiều tiền.
2 - Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt
Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể.
- Tiền đi lại (cả 2 chiều)
- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)
- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)
- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)
Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục "Tiền chăm sóc bản thân" chẳng hạn.
Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.