Tiêu đen chết nhiều, người dân mạo hiểm trồng giống tiêu mới

31/03/2017 21:07 PM | Kinh doanh

Tình trạng tiêu đen truyền thống chết nhiều cùng với giá thành hạ thấp khiến cho nhiều người dân ở tỉnh Gia Lai chán nản và quyết định tìm giống tiêu mới thay thế. Vậy nhưng, cần phải cảnh báo rằng, đây là một hướng đi khá mạo hiểm vì đầu ra cho sản phẩm còn rất mông lung.

Manh nha phát triển tiêu lạ

Thời gian gần đây, một số hộ gia đình chủ yếu ở huyện Chư Sê (Gia Lai) tương đối háo hức với giống tiêu lốt mà mình trồng đang phát triển tốt. Tuy nhiên, điều đáng được nhắc đến là giống tiêu mới này hiện tại ở địa phương vẫn chưa có thị trường tiêu thụ. Việc trồng tiêu lốt để thay thế cho tiêu đen truyền thống có thực sự phù hợp?

Qua tìm hiểu, phong trào trồng cây tiêu lốt tại đây chỉ mang tính tự phát, chưa hề có một hướng đi thực sự cụ thể. Người dân chỉ xem được một vài thông tin trên mạng, thấy một số đặc điểm tốt nên quyết định mua về trồng. Cùng với đó, cây tiêu đen trong vùng nhiễm sâu bệnh chết nhiều, giá thu mua lại xuống dưới mức 110.000/kg, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, là lý do khiến người dân tìm loại cây khác thay thế.

Chị Hài (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cho biết, đầu tư trồng 1.000 trụ tiêu đen nhưng chết dần hết nên thua lỗ nặng. Khoảng tháng 7/2016, vô tình chị Hài nghe thông tin về giống tiêu mới kháng nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch nhanh, thu được quanh năm nên đã mua 400 trụ về trồng thử. Số tiêu giống này chị Hài trồng xen vào những trụ tiêu đã bị chết trong vườn.

Sau 6 tháng trồng, cây tiêu phát triển tốt, rất sai quả và đã cho thu hoạch. Hiện gia đình chị đang có khoảng 1 tạ tiêu khô. Tuy nhiên, chị Hài không thấy có thương lái đến hỏi mua. “Ở đây hiện không có người mua, tôi có liên hệ với một số đại lý tại Bình Dương thì được báo giá là 140.000 đồng/kg tiêu lốt khô nhưng ít quá nên vẫn chưa nhập cho họ. Nếu đầu ra đảm bảo, giá cao như hiện tại thì tới đây gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng giống tiêu này”, chị Hài chia sẻ.


Giống tiêu lốt có thể cho thu hoạch sau 9 tháng xuống giống

Giống tiêu lốt có thể cho thu hoạch sau 9 tháng xuống giống

Cũng giống như gia đình chị Hài, anh Phạm Trọng Thiệm (trú làng Roh, xã Al Bá, huyện Chư Sê) sau khi nghe thông tin về giống tiêu lốt cũng lặn lội xuống Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) mua giống về trồng thử. Thời gian đầu, anh xuống giống vài trăm trụ nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì cây chết. Sau đó, anh lại tiếp tục mua giống về trồng lại. Tính đến nay, anh Thiệm đã mua khoảng 2.000 dây tiêu, chỉ có khoảng 400 cây còn sống...

"Tôi cũng biết ở đây không có nơi nào thu mua giống tiêu mới. Ngay cả thương lái đi mua tiêu đen cũng không biết đây là loại cây gì. Hy vọng sau khi thu hoạch sẽ có người mua để vớt vát chút vốn vì gia đình tôi đã thiệt hại hơn 50 triệu đồng với hơn 1.500 dây tiêu mua về bị chết rồi”, anh Thiệm nói.

Cần có định hướng rõ ràng

Ngoài các hộ gia đình trồng tiêu lốt tự phát thì tại huyện Chư Sê còn có một HTX trồng giống tiêu này. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Trọng – Chủ tịch HĐQT HTX SX – TM – DV Nông nghiệp Tiêu Chư Sê cho rằng, việc gặp khó khăn trong canh tác giống tiêu đen truyền thống nên khi tiêu lốt xuất hiện tại địa phương, nhiều bà con nông dân rất hy vọng. Thậm chí, lãnh đạo xã cũng liên hệ với HTX mong muốn phía HTX giúp bà con nhân rộng mô hình trồng tiêu lốt.


Giống tiêu lốt tương đối lạ lẫm với người dân địa phương

Giống tiêu lốt tương đối lạ lẫm với người dân địa phương

Bắt đầu nghiên cứu giống tiêu lốt từ năm 2009, đến năm 2012 thì cho trồng thí điểm tại địa phương, ông Trọng nhận thấy so với tiêu đen, tiêu lốt có nhiều ưu điểm như: Nhanh thu hoạch (6 tháng cho quả, 9 tháng thì thu hái); thu hoạch quanh năm, chỉ có nghỉ 3 tháng mùa đông và kháng được nhiều loại bệnh hơn tiêu đen. Tiêu lốt chỉ có nhược điểm là cần nhiều nước hơn. Nếu như tiêu đen có thể nửa tháng hoặc 1 tháng mới tưới nước 1 lần còn cây tiêu lốt cứ 2 tuần tưới nước 3 lần.

“Trồng tiêu lốt rõ ràng nhiều hy vọng nhưng một số đơn vị, công ty đang tung hô loại cây này với mục đích bán giống. Bà con không tìm hiểu được giá trị cũng như thị trường mà chỉ nghe vậy rồi mua về trồng là rất nguy hiểm. HTX trồng giống tiêu lốt này là vì chúng tôi đã xây dựng được hướng phát triển bền vững theo quy trình khép kín từ xuống giống, chăm sóc cho đến bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng”, ông Trọng cho biết.

Cũng theo ông Trọng, HXT SX – TM – DV Nông nghiệp Tiêu Chư Sê có 30 thành viên trồng tiêu lốt với diện tích khoảng 5ha. Diện tích trồng tiêu phân bố rải rác ở nhiều địa phương trong huyện và một số diện tích nhỏ ở các huyện lân cận với mô hình khép kín dưới sự phối hợp của 4 đơn vị: đơn vị chịu trách nhiệm về dinh dưỡng; đơn vị chịu trách nhiệm về sâu bệnh; đơn vị chịu trách nhiệm về đầu ra và đơn vị quản lý.


Tiêu đã thu hoạch nhưng không có thương lái đến hỏi mua

Tiêu đã thu hoạch nhưng không có thương lái đến hỏi mua

“Cây tiêu lốt ở đây chưa có đầu ra. Để có thị trường tiêu thụ, chúng tôi phải đi tìm hiểu và ký hợp đồng với một số công ty chế biến thực phẩm trong nước và công ty xuất khẩu sang châu Âu. Theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì các công ty trong nước sẽ thu mua tiêu tươi với số lượng 50 tấn/năm và công ty xuất khẩu là 12 tấn/năm. Tính đến lúc này, HTX đã xuất ra được 60 tấn tiêu với giá 40.000đồng/kg tiêu tươi và 140.000 đồng/kg tiêu khô. Số lượng hợp đồng thu mua chưa nhiều nên chúng tôi đang hạn chế thành viên mở rộng diện tích. Việc bà con trồng tiêu một cách tự phát mà vẫn mở rộng diện tích trong khi không biết đầu ra là rất nguy hiểm”, ông Trọng nói.

Trao đổi với PV, ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay một số nông dân tự đi thu thập giống tiêu ở địa phương khác về. Các giống mới, giống chưa được công nhận cần phải có nghiên cứu, khảo nghiệm để đánh giá khả năng thích nghi với khí hậu, môi trường, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Khi chưa có đầy đủ thông tin thì chúng tôi khuyến bà con không vội nhân rộng giống tiêu này”.

Theo Lê Khánh

Cùng chuyên mục
XEM