Tiết lộ động trời: Mark Zuckerberg từng muốn mua lại Twitter trước Elon Musk
Những tiết lộ mới đây của Mark Zuckerberg đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Trong bài phỏng vấn độc quyền của The Verge mới đây, vị tỷ phú nhà Facebook đã có những chia sẻ chân thật nhất về nhiều câu chuyện. Trong đó tiết lộ động trời nhất là ý định mua lại Twitter trước khi bị Elon Musk can thiệp.
“Đúng là chúng tôi đã đàm phán để mua lại Twitter. Tôi đã thực sự nghĩ rằng đây là cơ hội khi Jack Dorsey (nhà đồng sáng lập Twitter) rời bỏ chức vụ CEO lần đầu tiên”, Mark Zuckerberg thừa nhận.
Theo nhà sáng lập Facebook này, Twitter đã có khoảng thời gian phải vật lộn trước khi Elon Musk mua lại. Nền tảng này đã không đi theo hướng để có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình và việc ông chủ Tesla mua lại chúng có thể thay đổi nhiều thứ.
Với một giọng điệu nuối tiếc, nhà sáng lập Facebook thừa nhận rằng Elon Musk có thể là tác nhân thay đổi Twitter sau khi mua lại được mạng xã hội này. Có lẽ chính điều này đã thôi thúc Meta (Facebook) xây dựng một phiên bản đối thủ với Twitter mang tên Threads.
“Việc Elon Musk mua lại Twitter đã nhắc nhở tôi cũng như khơi dậy cảm giác cần phải xây dựng một phiên bản mạng xã hội tương tự nhưng phổ biến hơn”, ông chủ Facebook nói.
Theo CNN, Twitter được mệnh danh là “Quảng trường thị trấn kỹ thuật số” và không chỉ đơn giản chỉ là một trang web truyền thông xã hội.
Lãnh đạo thế giới sử dụng Twitter để liên lạc. Nhà báo dùng Twitter để thu thập tin tức, trong khi những thành phần bất đồng chính kiến coi đây như một nơi để tranh luận. Người nổi tiếng và các thương hiệu lớn cũng sử dụng Twitter để đưa ra các thông báo quan trọng.
Người dùng Twitter theo dõi tất cả những điều đó trong thời gian thực. Nền tảng này “sập” đồng nghĩa với việc không một trang mạng xã hội nào có thể thay thế. Thông tin liên lạc thậm chí sẽ bị đứt đoạn trên nhiều trang web truyền thông, từ đó gây “ách tắc” luồng thông tin tin cậy.
Hãng tin CNN nhận định các nền tảng mạng xã hội hiện nay với hàng tỷ tương tác của người dùng mỗi giây đang được ví như những 'bộ não nhân tạo' khi đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội.
Với Twitter, nền tảng này hiện xử lý khoảng 500-700 triệu tweet, cộng thêm khoảng 12 terabyte dữ liệu mỗi ngày. “Núi dữ liệu” khổng lồ này được cho là cực kỳ hấp dẫn với những người như Mark Zuckerberg.
Đạo nhái vì mua hụt?
Trên thực tế, việc Mark Zuckerberg đạo nhái ý tưởng đã không phải chuyện hiếm. Từ Snapchat, TikTok cho đến Pinterest, Siri...
Nhà sáng lập này cũng gặp rất nhiều thất bại với các ứng dụng đạo nhái này như cái “chết” của Facebook Lifestage, Lasso, Hobbi, M, Neighborhoods, Paper và Super.
Tuy nhiên với Threads, câu chuyện có lẽ hơi khác khi Mark Zuckerberg từng mua hụt Twitter và có lẽ chính sự tiếc nuối này đã thúc đẩy Meta xây dựng nền tảng đối thủ.
Mặc dù vậy, bản đạo nhái này liệu có thất bại như những ứng dụng sao chép khác của nhà Meta (Facebook) hay không thì vẫn chưa rõ.
Số liệu từ Similarweb cho thấy chỉ 1 tuần sau khi Threads đạt đỉnh về số người sử dụng, lượng thời gian tương tác trung bình hàng ngày đã giảm mạnh từ 21 phút xuống chỉ còn 6 phút.
Trong khi đó, lượng thời gian người dùng tương tác trên Twitter cũng giảm nhẹ, đạt mức bình quân là 25 phút/ngày.
Ngoài ra, theo số liệu của Sensor Tower, khoảng ¼ số người dùng Threads đến từ Ấn Độ, trong khi người Mỹ chỉ chiếm 17,6%. Khả năng Threads đe dọa vị thế của Twitter theo đó không đáng kể vì mạng xã hội nhà Elon Musk chủ yếu hoạt động ở Bắc Mỹ.
*Nguồn: The Verge, CNN