Tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia

28/07/2016 15:26 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn mua vào, dự trữ ngoại hối đang cải thiện rõ nét...

Năm 2016 đang có khác biệt lớn trong diễn biến của tỷ giá USD/VND. Cùng đó, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và cải thiện rõ rệt.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, từ cuối tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn mua vào ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá và thị trường. Hoạt động mua vào này được đánh dấu từ sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Cụ thể, ngày 24/6/2016, trước tác động của sự kiện Brexit, thị trường ngoại hối trong nước có biến động, tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh, hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có từ đầu tháng 2/2016 bị gián đoạn.

Tuy nhiên, tỷ giá và thị trường nhanh chóng ổn định, Ngân hàng Nhà nước trở lại tiếp tục mua ròng ngoại tệ. Đây cũng là khác biệt lớn nhất của năm 2016 so với những năm gần đây.

Từ cuối 2011 đến 2015, với định hướng cam kết các khoảng biến động mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tỷ giá USD/VND cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng khá mạnh. Tuy nhiên, từ giữa năm 2015, tỷ giá USD/VND thể hiện những đợt biến động mạnh, nhà điều hành phải bán ra lượng ngoại tệ lớn để can thiệp, dự trữ ngoại hối suy giảm.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý 3/2016 của Ngân hàng HSBC đưa ra mới đây có dẫn một số dữ liệu và dự báo phản ánh diễn biến trên.

HSBC dẫn dữ liệu cập nhật từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, đến cuối 2015 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm mạnh xuống còn khoảng 27,9 tỷ USD, đi cùng với đánh giá là khá mỏng để đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ.

Với diễn biến thuận lợi hơn trong quý 1/2016, HSBC dự tính quy mô trên đã được cải thiện và tăng trở lại ở khoảng 33,6 tỷ USD.

Và tính đến trung tuần tháng 6/2016, theo con số từ Ngân hàng Nhà nước, với quy mô mua vào tới khoảng 8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối quốc gia đã cải thiện rõ rệt, tăng lên khoảng 38 tỷ USD, chưa tính đến vàng.

Sau gián đoạn từ sự kiện Brexit, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục trở lại mua vào ngoại tệ. Quy mô mua vào ước khoảng 500 triệu USD chỉ trong một tháng qua. Đây cũng là khác biệt khi hoạt động mua vào được nhà điều hành nối dài từ đầu năm cho đến nay, mà không bị gián đoạn hẳn và phải đẩy mạnh bán ra bình ổn thị trường như năm trước.

Với bình quân kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay, ước tính sự cải thiện của quy mô dự trữ ngoại hối đã giúp Việt Nam trở lại đảm bảo được mức 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế. Theo đánh giá của IMF, dự trữ ngoại hối có quy mô tương đương 12-14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối.

Hay theo đánh giá như trên của HSBC, việc cải thiện nhanh dự trữ ngoại hối giúp Việt Nam chủ động hơn trong ứng phó với những tình huống rủi ro. Rộng hơn, đây cũng là một cơ sở quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư quốc tế nhìn vào khi đánh giá về Việt Nam.

Đi cùng với hoạt động mua vào trên, kể từ sau sự kiện Brexit, thị trường cũng ghi nhận hoạt động phát hành tín phiếu khá đều của Ngân hàng Nhà nước, để hút bớt tiền về, điều hòa dòng vốn trong hệ thống để hạn chế tác động bất lợi đối với lạm phát, cũng như tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá.

Tính đến ngày 26/7, lượng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đang lưu hành đã được nâng lên 35.000 tỷ đồng.

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM