"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", tuyển Việt Nam thua bởi sự "nghiệp dư" không đáng có

03/09/2021 11:18 AM | Xã hội

Chiếc thẻ vàng thứ hai dành cho Duy Mạnh cần được phân tích không ít, song chiếc thẻ vàng đầu tiên mà trung vệ này phải nhận mới là điều cần được bàn đến nhiều hơn.

Cuối tuần trước trong trận cầu đinh của Premier League giữa Chelsea và Liverpool, có một tình huống khá tương đồng với tình huống khiến Duy Mạnh phải rời sân bởi tấm thẻ đỏ và đội tuyển Việt Nam phải chịu một quả phạt đền trong thời điểm các học trò của HLV Park Hang-seo đang dẫn trước đối phương 1-0.

Tình huống ấy diễn ra trong hoàn cảnh Chelsea cũng đang dẫn trước 1-0 trên sân nhà của Liverpool. Sau cú kết thúc của Sadio Mane, bóng chạm đùi của Reece James bật lên tay khi hậu vệ này đang đứng ngay trên vạch vôi khung thành. Dĩ nhiên là Reece James không cố tình chơi bóng bằng tay, mà chỉ cố gắng phá bóng bằng đùi, nhưng gặp "tai nạn".

Cũng như tình huống của Duy Mạnh, tình huống ấy thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu, bởi từ thế phải rượt đuổi, Liverpool có được bàn thắng gỡ hòa trên chấm phạt đền, đồng thời được chơi cả hiệp 2 với lợi thế không nhỏ khi đối phương chỉ còn 10 người sau khi Reece James lĩnh thẻ đỏ trực tiếp rời sân.

 Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, tuyển Việt Nam thua bởi sự nghiệp dư không đáng có - Ảnh 1.

Cũng như quả phạt đền mà Chelsea phải chịu khi bóng chạm tay Reece James, quả phạt đền mà đội tuyển Việt Nam phải chịu không có gì phải bàn cãi khi bóng chạm đùi Duy Mạnh rồi mới bật lên tay, tuy nhiên rõ ràng trong tình huống ấy, tay của trung vệ này đang "làm cơ thể phình to ra bất thường khi vị trí của cánh tay không đến từ hệ quả có thể được giải thích hợp lý của chuyển động cơ thể đặc thù liên quan đến hành động đó".

Trọng tài đã xem lại rất kỹ pha quay chậm tình huống ấy, và ông có lý khi quyết định thổi phạt đền. Nhưng còn tấm thẻ vàng?

Quay lại với pha chạm tay của Reece James, tình huống ấy trọng tài không những thổi phạt đền, mà còn rút thẻ đỏ trực tiếp với trung vệ Chelsea. Chiếc thẻ đỏ ấy được lý giải là bởi cánh tay của Reece James di chuyển hướng tới bóng trong tình huống ấy, thay vì "nằm yên" bị bóng đập vào. Pha bóng của Duy Mạnh cũng thế, tay của trung vệ đội tuyển Việt Nam cũng di chuyển hướng đến bóng. Và rất có thể còn một lý do nữa chi phối đến quyết định của trọng tài.

Chưa đầy một phút trước pha bóng ấy, Duy Mạnh phải nhận tấm thẻ vàng đầu tiên. Theo thống kê của AFC, tấm thẻ này được rút ra chỉ chưa đầy một phút trước tình huống để bóng chạm tay của trung vệ Việt Nam, và được ghi nhận với lỗi "bất đồng quan điểm" với trọng tài, tức là khi cầu thủ có lời lẽ hoặc hành động bày tỏ sự phản đối quá mức trước quyết định từ trọng tài, sẽ phải lĩnh thẻ vàng cảnh cáo.

Vòng loại thứ 3 World Cup - Khu vực châu Á (Saudi Arabia vs Việt Nam): Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu, đội chủ nhà gỡ hòa

Sở hữu một gương mặt rất đỗi "ngây thơ", Duy Mạnh rất nhiều lần là trung tâm của các pha tranh cãi với cầu thủ đối phương. Thậm chí, những pha "cà khịa" của Duy Mạnh luôn cực kỳ cao trào, đồng thời cũng không ít tiểu xảo.

Rất có thể ở chiếc thẻ vàng đầu tiên phải nhận, trung vệ này đã "cà khịa" trọng tài nhằm giảm bớt áp lực đè lên khung thành của thủ thành Tấn Trường, sau hàng loạt những pha công thành riết róng của đối thủ. Song đây là đấu trường World Cup - không giống V.League, và trọng tài đã không ngần ngại rút thẻ vàng cảnh cáo.

Hệ lụy lớn hơn đã đến, ấy là theo nhận định, pha bóng chạm tay của Duy Mạnh trong tài có thể rút thẻ vàng, cũng có thể không. Nên nhớ là trọng tài xem lại cực kỳ kỹ pha bóng ấy bằng VAR. Rốt cuộc ông vẫn quyết định rút thẻ vàng - dù biết rằng nó đồng nghĩa với việc tiếp theo đấy rút thẻ đỏ đuổi trung vệ Việt Nam. Quyết định ấy, có thể đến từ ấn tượng không tốt sau pha phản ứng chỉ trước đó chưa đầy một phút của cầu thủ này.

Hiệp 1 trận đấu này, đội tuyển Việt Nam đã chơi cực tốt và chỉ có một "điểm mờ" đáng chú ý, đấy là chiếc thẻ vàng của Văn Thanh. Tấm thẻ ấy đến từ tình huống hậu vệ này câu giờ. Nó rất không đáng có, và đầy sự "nghiệp dư" như tấm thẻ vàng đầu tiên của Duy Mạnh vậy.

 Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, tuyển Việt Nam thua bởi sự nghiệp dư không đáng có - Ảnh 3.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã rời "lũy tre làng" Đông Nam Á để lần đầu tiên trong lịch sử vươn ra "biển lớn" - ở đấu trường World Cup. Từng là trợ lý đắc lực của HLV Guus Hiddink ở VCK World Cup 2002, chắc hẳn HLV Park Hang-seo chẳng còn lạ gì với những tiêu chuẩn khắt khe của đấu trường này. Ấy vậy mà bước ra "biển lớn", học trò của ông vẫn phạm phải những sai lầm đầy tính nghiệp dư.

Đau đớn nhất là những sai lầm ấy phải trả giá quá đắt, "đánh rơi" rất nhiều nỗ lực của chính cầu thủ đó, cũng như các đồng đội ở suốt hơn một hiệp đấu trước đó, và để lại rất nhiều hệ lụy cho chặng đường phía trước. Trận gặp Australia trên sân Mỹ Đình sau đây 5 ngày, Duy Mạnh sẽ bị cấm thi đấu trong hoàn cảnh hàng thủ của thầy Park đang tan hoang.

Bài học đắt giá ngày hôm nay, liệu có giúp được thầy trò HLV Park Hang-seo trong tương lai khi ông thầy người Hàn Quốc nổi tiếng là "cưng" học trò?

Ngô Trà

Từ khóa:  tuyển Việt Nam
Cùng chuyên mục
XEM