Tiến sĩ văn hóa VN: Không thể nói ăn thịt chó là man rợ; chó là bạn cũng có thể là thức ăn

14/12/2021 16:34 PM | Xã hội

Trong khi nhiều người nhân danh tình yêu với chó mèo để lên án người ăn thịt chó là "dã man", "kém văn minh", tiến sĩ văn hóa Việt Nam đã có kiến giải khác.

Những tranh cãi gay gắt liên quan đến chủ đề có nên cấm tiêu thụ thịt chó mèo, thời gian gần đây được thổi bùng trở lại với sự kiện thành phố Hội An ký biên bản ghi nhớ với một tổ chức phúc lợi động vật. Chó là bạn hay là thức ăn là cuộc tranh cãi triền miên mấy năm nay. Phe thì cho rằng ăn thịt chó là kém văn minh, phe lại khẳng định hội yêu chó "sính ngoại", tỏ ra "thượng đẳng" để quay lưng với văn hóa truyền thống.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương (giảng viên bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này, nhìn từ khía cạnh văn hóa.

 Tiến sĩ văn hóa VN: Không thể nói ăn thịt chó là man rợ; chó là bạn cũng có thể là thức ăn - Ảnh 1.

TS Nguyễn Hoài Phương

Khoa lịch sử, ĐHKHXH&NV HÀ NỘI

Không có cơ sở nào để đồng nhất việc ăn thịt chó là kém văn minh.

Không thể nói ăn thịt chó là man rợ

PV: Câu chuyện tranh cãi về việc ăn (hay không ăn) thịt chó mèo là man rợ hay văn minh, theo TS bắt nguồn từ đâu?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Tranh cãi về việc ăn hay không ăn thịt chó mèo, là man rợ hay văn minh bắt nguồn từ những khác biệt trong văn hóa. Những con người khác nhau, những tộc người khác nhau có văn hóa khác nhau, chỉ đơn giản vậy thôi.

PV: Việc ăn thịt chó bị đem ra mổ xẻ và coi như là một biểu hiện của kém văn minh có thực sự "hợp lý" và "sòng phẳng" không, thưa TS?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Trước hết, không có căn cứ, cơ sở nào để đồng nhất việc ăn thịt chó là kém văn minh hay không văn minh. Về bản chất, ăn uống (cũng như nhiều giá trị văn hóa khác như văn hóa mặc, văn hóa ở, văn hóa đi lại…) trước nhất là cách con người khai thác và tận dụng môi trường tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu tồn tại. 

Sau nữa, tùy theo môi trường xã hội, văn hóa tộc người… mới hình thành các giá trị, quan niệm về việc ăn uống. Các tộc người khác nhau sống trong các môi trường khác nhau sẽ có văn hóa (trong đó có văn hóa ăn uống) khác nhau. Đó chỉ đơn giản là sự khác biệt.

 Tiến sĩ văn hóa VN: Không thể nói ăn thịt chó là man rợ; chó là bạn cũng có thể là thức ăn - Ảnh 2.

Coi chó là bạn hay là thức ăn, đó chỉ đơn giản là khác biệt văn hóa.

PV: Văn hóa truyền thống Việt Nam có coi chó mèo là bạn, là thú cưng không ạ? Việc một số người nhân danh bảo vệ động vật để đòi hỏi quyền "bình đẳng", quyền không bị giết thịt của chó mèo, theo TS có bình thường về mặt văn hóa không?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Văn hóa nhiều tộc người coi các con vật là bạn, người Việt cũng như vậy. Con chó cũng là một con vật gắn bó với con người. Nhưng trong cuộc sống, dù là những con vật gắn bó thì việc sử dụng thịt của nó như một loại thực phẩm cũng là chuyện bình thường. Dân gian có câu: “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có mà ăn”...  

Thực ra, trong văn hóa ăn của người Việt, việc sử dụng thịt các con vật này cần được xem xét trên nền tảng kinh tế xã hội. Kinh tế tiểu nông còn nhiều khó khăn, thiếu thốn lương thực thực phẩm, lại thường xuyên thiên tai, chiến tranh… nên cơ bản đời sống kinh tế luôn phải đối diện với cái đói - nghèo. Nếu nhìn theo khía cạnh ấy thì việc ăn thịt chó, mèo, gà, lợn… cho đến chim, rắn, ếch, nhái… cũng là một sự bình thường, có thể hiểu và thông cảm. 

PV: Việc ăn - không ăn món gì, thịt con gì, theo TS có làm con người văn minh hơn không? Hay nói cách khác, những người Việt ăn/chấp nhận việc ăn thịt chó có phải là một điều đáng xấu hổ?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Việc ăn hay không ăn là lựa chọn của con người. Tất nhiên sự lựa chọn ấy bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có văn hóa. Ví dụ người Việt thích tiết canh, còn người phương Tây thấy rất sợ hãi. 

Nhưng qua cái thời thiếu đói tận dụng mọi nguồn thức ăn, đến giờ, ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm nhiều bệnh tật thì mọi người tự bỏ thói quen này. Vấn đề văn minh hay không không phải ở chuyện ăn hay không ăn mà là nếu ăn thì ăn như thế nào thôi. 

Quay lại câu chuyện ăn thịt chó, trong xã hội hiện đại, cái đói nghèo đã được đẩy lùi, chúng ta có nhiều nguồn lương thực thực phẩm hơn, có nhiều thứ để lựa chọn hơn, và chọn ăn hay không ăn thịt các con vật là quyền của mỗi người. Có nhiều người đã bỏ thói quen ăn thịt chó, nhưng vẫn có người coi đó là món khoái khẩu, điều đó cũng là bình thường. 

Người ta có thể mua và ăn ở những cơ sở an toàn, đảm bảo vệ sinh và quy trình giết mổ (nếu xem thịt chó mèo cũng như một loại thực phẩm như các loại thịt khác) nhưng không được nhân danh việc ăn thịt mà hành hạ, bạc đãi, giết hại động vật một cách tàn nhẫn, phản cảm.

Thịt chó từng là một phần của văn hóa

PV: Điều lạ là nhiều người đòi quyền sống cho chó mèo, trong khi không mảy may suy nghĩ khi ăn thịt động vật khác? Hà cớ gì việc ăn thịt chó lại bị xem là tàn nhẫn hơn ăn thịt các loài động vật khác?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Đúng là không có sự bình đẳng đó. Cùng là động vật nhưng lợn, gà, trâu, bò… dường như “đương nhiên” bị ăn thịt mà không ai phản đối gì (có chăng chỉ phản đối cách giết mổ có tính tàn nhẫn, có thể ảnh hưởng đến người chứng kiến). Nhưng con chó thì khác vì nó “khôn” hơn, gần gũi với con người hơn, nên được yêu thương nhiều hơn. 

Hiện nay ngày càng có nhiều người không ăn thịt chó, đó là lựa chọn khi chúng ta có nhiều loại thực phẩm, chúng ta không những không thiếu đói mà còn dư thừa đạm (mà thịt chó nhiều đạm) nên có thể gây thêm bệnh tật… Tất cả đều là lựa chọn của con người. 

PV: Thịt chó có thực sự là món ăn truyền thống của người Việt không, thưa TS?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Như trên đã nói, việc ăn thịt các loại động vật như một nguồn đạm bổ sung trong bữa ăn vốn ít đạm của người Việt. Mô hình bữa ăn truyền thống của người Việt là cơm - rau - thủy sản, vì người Việt sống chủ yếu ở vùng đồng bằng châu thổ, địa hình có nhiều sông suối ao hồ nên có thói quen khai thác môi trường sông nước phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày. 

Chỉ khi nhà có công có việc tang ma hiếu hỷ hay lễ Tết mới cải thiện, mới ăn thịt. Việc ăn thịt chó cũng như các loại thịt khác bắt nguồn từ nền tảng kinh tế - văn hóa - xã hội đó.

PV: Có những người yêu chó mèo, nuôi chó mèo nhưng vẫn thích và chấp nhận việc ăn thịt chó mèo. TS có nghĩ đó là những người "hai mặt" không, khi họ chấp nhận việc làm thịt một con chó bất kỳ, miễn không phải là thú cưng của họ?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Người yêu chó mèo, nuôi chó mèo vẫn có thể là người thích và chấp nhận việc ăn thịt chó mèo; hai việc ấy có liên quan nhưng không hoàn toàn đối lập nhau. Chỉ có thể giải thích rằng người ta chấp nhận việc ăn thịt chó mèo như một món khoái khẩu là theo sở thích, thói quen, và thêm nữa có thể là tình yêu với chó mèo chưa đủ lớn để từ bỏ thói quen ăn uống kia. 

Cho nên, bằng cách nuôi dưỡng vun đắp tình yêu thương với động vật để ngày càng có nhiều người yêu chó mèo hơn và dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó mèo; tức là khuyến khích từ bỏ hơn là cấm ăn thịt chó mèo (nếu như vẫn chỉ xem thịt chó mèo như một loại thực phẩm), việc này mới có thể chấm dứt trong tương lai.

PV: TS nghĩ gì về việc một nhóm người này tấn công một nhóm người khác vì sở thích và nhu cầu ăn uống? Nó có thực sự là tranh luận lành mạnh? 

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Tranh luận về thói quen, sở thích, nhu cầu của người khác thực sự không thể có hồi kết vì ai cũng có lý do của mình. Cuộc tranh luận về việc ăn thịt chó mèo cũng như vậy. Những người yêu chó mèo có thể đòi quyền được bảo vệ, quyền được yêu thương cho thú cưng của mình trong khi những người khác vẫn chỉ xem đó là một loại động vật, và việc ăn thịt chó mèo cũng như ăn thịt lợn gà thông thường mà thôi. 

PV: Theo một khảo sát, mỗi năm tại Việt Nam có 5 triệu con chó bị giết chết. Khảo sát này cũng cho rằng chúng bị làm thịt “bằng những cách man rợ”. Con số này khiến những người yêu chó mèo (càng lúc càng đông hơn) nổi đóa. Về khía cạnh văn hóa, TS nghĩ gì về con số này? 

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Cần giải thích rõ về việc giết thịt chó mèo một cách man rợ là như thế nào? Là cách dân gian vẫn làm hay những cuộc bạo hành giết thịt động vật tàn nhẫn để quay video gây sốc câu like gần đây? Nếu là cách giết mổ thông thường như các gia đình hoặc các lò mổ vẫn thường làm thì cần xem xét yếu tố vệ sinh, an toàn hay thay đổi phương thức giết mổ. 

Ví dụ, trước đây giết trâu bò thường đóng đinh, dùng búa đập tàn nhẫn nhưng nay các lò giết mổ sử dụng điện để làm tê liệt con vật trước khi giết mổ. Việc giết mổ chó mèo nếu xem như một loại thực phẩm có thể thay đổi như vậy.

 Tiến sĩ văn hóa VN: Không thể nói ăn thịt chó là man rợ; chó là bạn cũng có thể là thức ăn - Ảnh 3.

PV: Trước những tranh cãi triền miên về câu chuyện thịt chó, theo TS, chúng ta có nên luật hóa việc cấm giết mổ, ăn thịt chó mèo hay không? Hoặc trong một viễn cảnh khác, nếu có quy định về việc nuôi (lấy thịt), giết mổ chó mèo một cách "nhân văn" hơn, theo TS tranh luận về việc ăn/không ăn thịt chó có thực sự chấm dứt?

TS Nguyễn Thị Hoài Phương: Luật hóa việc cấm giết mổ, ăn thịt chó mèo không thể là chuyện ngày một ngày hai được; trong khi đó, có thể có quy định về việc nuôi lấy thịt và giết mổ theo quy trình như với các loại thực phẩm khác. 

Dẫu vậy, trong một viễn cảnh “nhân văn” hơn, khi những đứa trẻ được nuôi dưỡng xây đắp tình yêu thương với động vật nói chung, chó mèo nói riêng sẽ tự từ bỏ thói quen ăn thịt chó mèo. Khi “cầu” giảm thì “cung” cũng sẽ giảm; từ đó mà văn hóa  ăn thịt chó mèo cũng biến đổi theo. 

Xin cảm ơn TS đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Liên quan đến chủ đề ăn thịt chó và đề xuất cấm buôn bán thịt chó mèo, độc giả có quan điểm muốn tranh biện hay bài viết về chủ đề này, vui lòng trao đổi với chúng tôi qua email cudanmang@soha.vn.

Theo Thiên Yết

Từ khóa:  thịt chó
Cùng chuyên mục
XEM