Tiến sĩ trăn trở – trăn trở tiến sĩ

22/04/2016 16:38 PM | Kỹ năng

“LÒ SẢN XUẤT TIẾN SĨ: 1 NGÀY 1 TIẾNG 15 PHÚT RA MỘT CHÚ”, đó là học viện Khoa học xã hội.

Tờ Economist của Anh đăng trong mục “Thư gửi toà soạn” (Letters to the Editor) của một độc giả ký tên là Zeng Rong, người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc ở London, với tựa đề Going to Scarborough is fair viết về chuyện Trung Quốc có chủ quyền về mặt lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc ở Biển Đông, và rằng Philippines kiện nước này ra toà án quốc tế là vi phạm công pháp.

Ở Úc, tiến sĩ Lê Hồng Giang khi đọc được mẩu tin này ngay lập tức viết một ý kiến ngắn cho chủ bút tờ này hầu phản bác lại lập luận đó.

“Việc cáo buộc Philippines vi phạm Công ước Luật biển (UNCLOS) bằng cách mang vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra một toà án quốc tế, người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh (Thư gửi toà soạn số báo phát hành ngày 16/4/2016) rõ ràng là cáo buộc toà án quốc tế La Hague vi phạm công ước này khi thừa nhận vụ kiện và phán quyết về quyền tài phán của mình.

Trớ trêu thay, Trung Quốc, một quốc gia tự phong mình là tuân thủ luật pháp và yêu chuộng hoà bình, lại hết lần này đến lần khác từ chối tham gia vào phiên toà quốc tế tuân thủ công pháp quốc tế mà nước này đã ký kết công nhận”.

Tiến sĩ Lê Hồng Giang, sau đó kêu gọi các cơ quan ngoại giao Việt Nam, chẳng hạn như bộ Ngoại giao hay sứ quán ở Anh phải có tiếng nói chính thức với tờ báo Economist nói riêng và giới báo chí quốc tế nói chung trong việc Trung Quốc đưa ra các luận điệu sai trái.

Ông Giang thừa nhận với mẩu thư trên, ý kiến cá nhân rất hiếm khi được các tờ báo lớn đăng tải, nhưng ông sẽ vẫn tiếp tục gửi các phản đối của mình.

Ông Giang cho rằng: “Bộ Ngoại giao cần phải chủ động đưa quan điểm của mình ra dư luận quốc tế, không để Trung Quốc độc chiếm các diễn đàn đó”.

Tiến sĩ Lê Hồng Giang dường như khá đơn độc, nhưng những tiếng nói của những người như ông, nếu gom góp lại thì các đốm lửa nhỏ sẽ trở thành một đám lửa lớn trên diễn đàn đấu tranh đòi chủ quyền biển đảo quốc gia.

Trong khi đó, ở trong nước, trên Facebook của mình, tiến sĩ Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị của đại học FPT ghi chú một mẩu tin nhỏ: “LÒ SẢN XUẤT TIẾN SĨ: 1 NGÀY 1 TIẾNG 15 PHÚT RA MỘT CHÚ”, đó là học viện Khoa học xã hội. Chỉ từ ngày 1/1 – 11/4/2016, nơi đây đã cho ra lò (gọi là “bảo vệ thành công”) 58 tiến sĩ.

Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ một ngày một tiếng 15 phút có một chú tiến sĩ ra lò.

Một trong các luận án tiến sĩ mới nhất – vừa bảo vệ thành công ở đây sáng ngày 15.4.2016 – là “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã”.

Mẩu tin ngắn gọn nhưng không hề nhỏ chút nào về câu chuyện đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam với tốc độ “quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Những người như tiến sĩ Lê Trường Tùng đang trở nên ít đi, những người như tiến sĩ Lê Hồng Giang lại cũng đang hiếm.

Trong khi đó, các “đồng nghiệp” của họ ở Việt Nam đang nở rộ như nấm mọc sau mưa, len lỏi vào khắp các ngõ ngách của đời sống chính trị và xã hội.

Điều đáng nói là dường như chưa có một sự liên hệ nào về tỷ lệ thuận của sự phát triển kinh tế xã hội, với số lượng giáo sư và tiến sĩ ở Việt Nam vốn lên tới hàng chục ngàn người, và đang tăng nhanh trong thời gian qua.

Và số lượng người có thể đọc được các bài báo bằng tiếng Anh, hay hơn nữa, viết các bài báo bằng tiếng Anh, hay chỉ là một mẩu tin, ý kiến phản bác lại những câu chuyện phi lý như tiến sĩ Lê Hồng Giang.

Theo Trần Hoàng Phi

Cùng chuyên mục
XEM