Quy trình bảo vệ tiến sĩ: Luận án phải qua tay gần 100 nhà khoa học

22/04/2016 11:08 AM | Kỹ năng

Trung bình một luận án sẽ qua tay gần 100 nhà khoa học trên cả nước. Đó là chưa kể, việc bảo vệ chính thức còn được công bố trên các phương tiện truyền thông để mọi nhà khoa học có thể biết và đến tham dự.


TS Vũ Thu Hương, bảo vệ luận án tiến sĩ ở VN tốn nhiều công sức và tình cảm

TS Vũ Thu Hương, "bảo vệ luận án tiến sĩ ở VN tốn nhiều công sức và tình cảm"

Vì thế, bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Việt Nam thường được coi là công việc vô cùng vất vả, khó khăn - tốn nhiều công sức và tình cảm. TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH sư phạm Hà Nội cho Infonet biết như vậy xung quanh câu chuyện thực tế đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay.

Trên mạng đang lan truyền thông tin ở một Viện Hàn Lâm trung bình 1 tháng cho “ra lò” gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò. Nếu điều này là đúng thì có gì bất ổn không thưa tiến sĩ? Với cách đào tạo như vậy theo TS chất lượng đầu ra có đảm bảo?

TS Vũ Thu Hương: Theo tôi, đây là một điều kì lạ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tìm hiểu xem cơ sở đào tạo đó có bao nhiêu giáo sư hướng dẫn. Nếu có đủ nhiều giáo sư hướng dẫn đảm bảo mỗi giáo sư phụ trách khoảng 3 nghiên cứu sinh trong vòng 4, 5 năm thì cũng không có gì là bất thường. Việc tính toán số tiến sĩ ra lò nên tính bằng số giáo sư hướng dẫn trong thời gian 4, 5 năm chứ không nên tính theo ngày tháng như vậy.

Là người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ từ rất sớm, vậy xin tiến sĩ cho biết, những ai có đủ điều kiện làm luận án tiến sĩ?

TS Vũ Thu Hương: Điều kiện để làm một luận án tiến sĩ thật sự không đơn giản.Với một nghiên cứu sinh, việc thi vào là đơn giản nhất, quá trình làm nghiên cứu bao nhiêu khó khăn, trải qua vài hội đồng với hàng chục chuyên gia đọc và thẩm định.

Nếu suôn sẻ, nghiên cứu sinh có thể có bằng sau 4, 5 năm nhưng phải bằng toàn bộ sức chiến đấu, sự kiên trì, mồ hôi, nước mắt và nhiều khi cả máu nữa. Với một quá trình tôi luyện như vậy, thông thường một tiến sĩ sẽ có hiểu biết và tầm nhìn rộng hơn hẳn so với chính bản thân họ trước khi tiến hành nghiên cứu.

Theo như lời tiến sĩ nói thì rõ ràng, quá trình thực hiện luận án tiến sĩ không hề đơn giản, vậy cụ thể nghiên cứu sinh phải trải qua quá trình nghiên cứu, bảo vệ đề tài như thế nào?

TS Vũ Thu Hương: Đầu tiên, bạn sẽ phải thi đầu vào nghiên cứu sinh. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu nghiên cứu độc lập với sự định hướng và giúp đỡ của các giáo sư hướng dẫn. Đây là quá trình hoàn toàn độc lập nên đòi hỏi sự tự chủ của nghiên cứu sinh rất nhiều.

Đặc biệt khi bảo vệ trong nước, công việc cuốn chúng ta đi. Nghiên cứu sinh vẫn cần phải kiếm sống, vẫn cần giải quyết các vấn đề cá nhân và gia đình. Vì thế, công việc nghiên cứu muốn thành công đòi hỏi sự phấn đấu rất cao độ của nghiên cứu sinh. Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh cần phải đăng kết quả nghiên cứu của mình bằng ít nhất là 4 hoặc 5 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín.

Sau khi đã có luận án, có nội dung để bảo vệ, nghiên cứu sinh cần phải trình bày đúng với quy chuẩn nhà nước đã ban hành (đúng kích cỡ, đúng font chữ… ). Sau đó, luận án sẽ được tiến hành bảo vệ.

Theo tôi nhớ, có từ 3 đến 4 hội đồng bảo vệ khác nhau: hội đồng tổ bộ môn, hội đồng cơ sở, hội đồng quốc gia. Với mỗi hội đồng, nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án của mình với các giáo sư khác nhau. Tính tổng cộng, luận án sẽ được cỡ gần 20 vị giáo sư trên cả nước đọc và thẩm định luận án.

Riêng với tóm tắt luận án, nghiên cứu sinh cần mời thêm 30 – 50 nhà khoa học khác đọc thẩm định và cho ý kiến.

Tính ra, một luận án sẽ qua tay gần 100 nhà khoa học trên cả nước. Đó là chưa kể, việc bảo vệ chính thức còn được công bố trên các phương tiện truyền thông để mọi nhà khoa học có thể biết và đến tham dự.

Đấy là chưa kể, nhiều khi bạn bảo vệ tiến sĩ xong, luận án còn được thanh tra lại xem có vấn đề gì hay không. Vì thế, theo tôi, bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Việt Nam thường được coi là công việc vô cùng vất vả, khó khăn và tốn nhiều công sức và tình cảm.

Thưa tiến sĩ, quy trình này có giống như các nước khác hay không?

TS Vũ Thu Hương: Ở mỗi quốc gia, việc bảo vệ tiến sĩ là rất khác nhau. Ví dụ ở Đức, bạn chỉ cần bảo vệ trước 1 hội đồng nhỏ gồm 7, 8 giáo sư. Tuy nhiên, điều quan trọng là lòng tin của cả ngành giáo dục đặt vào giáo sư hướng dẫn luận án. Nếu giáo sư đồng ý cho bảo vệ thì luận án đó đã có thể được xét là thành công đến 70%.

Dĩ nhiên, bạn vẫn phải lấy ý kiến của các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu khác nhau, chỉnh sửa luận án theo các ý kiến đó để hoàn thiện tốt nhất. Có thể nói, so với quy trình làm việc ở nước ngoài, quy trình bảo vệ tiến sĩ của Việt Nam cũng hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS). So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho rằng nước ta có số giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới. Theo tiến sĩ để đầu ra của những tiến sĩ có chất lượng, chúng ta cần phải làm gì?

TS Vũ Thu Hương: Theo tôi, điều quan trọng nhất để có một tiến sĩ chất lượng tốt chính là thực hiện nghiêm túc mọi khâu trong quá trình thực hiện. Các nghiên cứu sinh được hướng dẫn và đánh giá nghiêm túc bởi chính giáo sư hướng dẫn và thực hiện mọi khâu theo đúng quy trình và đảm bảo giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của đề tài. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể “sản xuất” được những vị tiến sĩ đóng góp được nhiều cho đất nước, cho khoa học.

Xin cảm ơn tiến sĩ đã giành cho Infonet cuộc trao đổi thẳng thắn này!

Theo N. Huyền

Cùng chuyên mục
XEM