Tiến sĩ tốt nghiệp năm 2020 thất nghiệp suốt 4 năm, gánh khoản nợ học phí 250.000 USD: ‘Tôi nhận ra tấm bằng bỗng trở thành lời nguyền’
Tầm bằng đang ngày càng mất giá khi doanh nghiệp coi trọng kinh nghiệm, kỹ năng hơn bằng cấp.
Tờ Business Insider (BI), cô A. Rasberry đã coi việc học là con đường duy nhất dẫn đến tự do tài chính, thế nhưng giờ đây người phụ nữ 38 tuổi này đã hối hận.
Cô Rasberry lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về quản lý kinh doanh tại Đại học Saint Leo ở Florida.
Tuy nhiên, người phụ nữ 38 tuổi này cho biết mình đã phải vật lộn để tìm được việc làm trong lĩnh vực chuyên ngành suốt 4 năm qua. Theo một tài liệu mà BI xem được, cô Rasberry cũng đang nợ 250.000 USD tiền học phí.
"Tôi đã tốt nghiệp Tiến sĩ vào năm 2020 và không thể tìm được việc làm để cứu lấy bản thân", người phụ nữ 38 tuổi sống tại Virginia than thở với tờ BI.
Kể từ khi lấy bằng Tiến sĩ, cô Rasberry đã nộp đơn xin nhiều vị trí quản lý kinh doanh khác nhau nhưng không thành công.
Quá tuyệt vọng, vị tiến sĩ này đã buộc phải hạ thấp tiêu chuẩn để mở rộng phạm vi tìm kiếm việc làm và cuối cùng có được một công việc trong ngành điều dưỡng để kiếm sống.
"Tôi nghĩ giáo dục là con đường dẫn đến tự do tài chính, nhưng tôi đã sai", cô Rasberry thừa nhận.
Kỹ năng hơn bằng cấp
Theo BI, cô Rasberry chỉ là một trong số vô vàn những người Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Một phần là do các doanh nghiệp trên khắp Hoa Kỳ đã cắt giảm đáng kể việc tuyển dụng trong hai năm qua.
Tỷ lệ số việc làm đang tuyển dụng so với số người thất nghiệp, một chỉ báo về thị trường lao động tại Mỹ đã giảm đáng kế, qua đó cho thấy cơ hội việc làm không sáng sủa như nhiều người nghĩ.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và sa thải tại Mỹ vẫn ở mức thấp so với lịch sử nhưng việc doanh nghiệp siết chặt tuyển dụng đang khiến người lao động gặp khó khăn hơn.
Quay trở lại trường hợp của cô Rasberry, vị tiến sĩ 38 tuổi này cho rằng các doanh nghiệp giờ đây coi trọng kinh nghiệm, kỹ năng hơn bằng cấp.
Ban đầu Rasberry được mời làm giảng viên thỉnh giảng tại trường đại học nhưng sau khi nói chuyện với người trong ngành, cô đã từ bỏ cơ hội nghề nghiệp ở mảng giáo dục.
"Tôi nhận ra rằng kể cả khi có bằng Tiến sĩ thì vẫn phải theo học nhiều khóa hỗ kỹ năng sư phạm, đồng thời đạt nhiều tín chỉ liên quan đến giáo dục, tích lũy kinh nghiệm mới thăng tiến được trong nghề", cô Rasberry cho biết.
Vậy là tiến sĩ 38 tuổi này quyết định chuyển hướng quản lý kinh doanh, mảng chính mà cô theo đuổi trên ghế nhà trường.
Thế nhưng việc tìm kiếm công việc phù hợp cho vị trí quản lý kinh doanh của Rasberry cực kỳ khó khăn do doanh nghiệp luôn đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng cho công việc này chứ không xem trọng bằng cấp.
Thậm chí Rasberry đã thử sức phỏng vấn sang nghề kế toán, kiểm toán, gia sư, quản lý nhân sự nhưng đều bị từ chối.
Nói đơn giản là tấm bằng tiến sĩ của cô không được coi trọng bằng kỹ năng và kinh nghiệm, khi doanh nghiệp cần lao động làm được việc chứ không phải có nhiều bằng cấp.
Mặc dù đã có một số kinh nghiệm mảng ngân hàng, nhân sự và kế toán trong quá trình theo học tiến sĩ nhưng các nhà tuyển dụng cho rằng như vậy là chưa đủ để nhận vai trò quản lý.
Lời nguyền
"Tôi có đủ điều kiện cho hầu hết các vị trí đầu vào nhưng lại không đủ điều kiện cho các vị trí quản lý hoặc lãnh đạo. Tôi chợt nhận ra rằng tấm bằng vừa là một phước lành vừa là một lời nguyền", cô Rasberry than thở.
Lời khuyên của Rasberry là những người theo đuổi bằng cấp hay dành nhiều thời gian nghiên cứu cơ hội việc làm, tìm kiếm cơ hội thực tập trước khi học ngành nào đó.
Trong quá trình học tập thì nên tăng cường mở rộng quan hệ xã hội, nâng cao kỹ năng mềm và định hướng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Từ bài học của mình, Tiến sĩ Rasberry đề nghị các bạn trẻ nên suy nghĩ kỹ càng về giá trị của tấm bằng so với cơ hội việc làm thực tế khi các doanh nghiệp hiện coi trọng kinh nghiệm hơn trình độ.
"Nếu biết điều này sớm thì tôi đã không dành nhiều thời gian đi học như vậy", cô Rasberry than thở.
Hiện Tiến sĩ Rasberry đang làm mảng điều dưỡng cùng nhiều công việc bán thời gian khác để chi trả hóa đơn sinh hoạt hàng ngày.
Nhận thức được vấn đề của mình, cô Rasberry đang học chương trình đào tạo từ xa để trở thành chuyên gia về thuế, đồng thời tìm cách nâng cao kỹ năng mảng điều dưỡng để tận dụng mọi cơ hội có được trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Mặc dù đã 4 năm chưa có một công việc ổn định chính thức nào đủ chi trả cho các hóa đơn sinh hoạt nhưng Tiến sĩ Rasberry vẫn kiên trì nộp đơn xin việc.
Suy cho cùng, ngoài việc phải kiếm tiền để sống thì cô vẫn còn khoản nợ học phí 250.000 USD phải thanh toán cho tấm bằng cử nhân và Tiến sĩ.
*Nguồn: BI