Tiến sĩ hàng không lý lịch “khủng” khiến 6 sếp cạnh tranh chiêu mộ: Thu nhập 700 triệu/năm, 16 tháng lương, cổ phiếu ESOP, tặng nhà, tặng xe…
Cuối cùng, ứng viên này chọn đầu quân về nơi "có nhiều thách thức nhưng song song đó vẫn nhiều tiềm năng và cơ hội".
Tiến sĩ kỹ thuật hàng không thắng áp đảo nữ ứng viên 45 tuổi
Cặp ứng viên xuất hiện trong tập 3 “Cơ hội cho ai? – Whose Chance” là Nguyễn Trung Hiếu (36 tuổi) và Hoàng Bích Thu (45 tuổi). Cả 2 đều sở hữu “profile” cực khủng.
Nguyễn Trung Hiếu có bằng Kỹ sư tại Việt Nam, học Thạc sĩ nâng cao tại Pháp, Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không – Viện công nghệ cao Canada. Hiện tại ứng viên này vẫn đang theo học Quản trị Kinh doanh MBA tại Đại học Sunderland (Anh Quốc). Anh có 10 năm kinh nghiệm học tập và làm dự án tại các tập đoàn lớn tại Pháp, Canada, Mỹ và Việt Nam.
Trong khi đó, Hoàng Bích Thu tốt nghiệp cử nhân khoa Quản lý Du lịch và Khách sạn tại Đại học Dân lập Phương Đông. Cô đã tốt nghiệp giảng viên đại học, cao đẳng K2 năm 2020 tại trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Hiện tại, nữ ứng viên đang theo học Thạc sĩ điều hành cao cấp – Quản lý kinh tế lãnh đạo nhà nước khóa 10 tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bích Thu có 5 năm kinh nghiệm về các dự án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; 10 năm kinh nghiệm về đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu niên. Ngoài ra, cô còn có 8 năm kinh nghiệm về quản lý nghiệp vụ buồng, phòng khách sạn Quốc tế.
Trong vòng đối mặt, đứng trước quan điểm "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", hai ứng viên này đã bày tỏ nhận định khá trái ngược nhau.
Bích Thu hoàn toàn đồng tình với câu nói này. Tuy nhiên, theo cô, bên cạnh việc gìn giữ những giá trị cổ xưa mà ông cha truyền lại, thì để phù hợp với thời đại, nên lồng ghép, áp dụng công nghệ 4.0.
"Đối với em, "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" không còn đúng với thời đại ngày nay" – Trung Hiếu bày tỏ ý kiến theo chiều đối nghịch. Theo nam ứng viên, chúng ta nên giỏi chủ chốt 1 nghề, song song đó phải không ngừng học hỏi để giỏi thêm nhiều nghề khác, để có một cái nhìn khái quát hơn. "Elon Musk rất giỏi về công nghệ, nhưng cũng làm kinh tế giỏi. Đó là vì ông không ngừng học hỏi để cạnh tranh với các đối thủ của mình", Trung Hiếu bổ sung.
Sau khi phần hỏi đáp kết thúc, sếp Thuấn đặt cùng 1 câu hỏi về đóng góp của ứng viên trong việc giúp công ty tăng doanh thu, giảm chi phí. Tại đây, ứng viên Trung Hiếu đã ghi điểm với câu trả lời khá ấn tượng: "Em chia sẻ về 2 doanh nghiệp mà em đã từng làm ở Việt Nam. Đầu tiên là một tập đoàn về xe hơi, khi em vào thì có 1 dự án bị đình trệ từ 4-6 tháng. Một anh giám đốc đã giao cho em quản lý dự án và em đã xây dựng nên một module (tiêu chuẩn – PV) để dự án tiếp tục chạy. Em cũng quản lý bộ phận mô phỏng xe hơi, nên em đã góp sức vào việc thiết kế 2 bộ phận của xe hơi điện.
Đến công ty thứ hai là một doanh nghiệp truyền thống lâu đời, muốn phát triển chi nhánh tại TP.HCM, từ đó phát sinh việc phải đi công tác, ai sẽ là nhân lực đi. Em quyết định chính bản thân em đi và sử dụng nguồn nhân lực từ những công ty con của tập đoàn tại TP.HCM, kết hợp với mình. Em có quyền huy động, áp dụng chính sách cần thì mình rút người, không cần thì lại trả về các công ty con, và hiện nay chi nhánh cũng đã thành hình.
Em nghĩ rằng mình không đong đếm được mình đã mang lại bao nhiêu tiền bạc, nhưng sẽ có được lợi nhuận là độ ổn định của đội ngũ nhân sự, không bị xáo trộn do nhiệm vụ từ trên giao xuống".
Tuy nhiên, sếp Hoàng Nam Tiến bày tỏ quan ngại vì nam ứng viên này thay đổi 6-7 công việc chỉ trong 10 năm.
"Khi ở nước ngoài em chỉ theo đuổi 2 cái thôi, tùy thuộc vào bậc học. Khi học thạc sĩ chẳng hạn, em làm ở 2 công ty, nhưng 2 công ty đấy lại liên kết với trường đại học. Khi sang Canada, em làm ở 3 công ty, nhưng thực chất chỉ làm ở 1 công ty, sau đó công ty này chọn những dự án liên quan đến em để em có thể độc lập tác chiến với họ. Về Việt Nam, em chỉ làm 2 doanh nghiệp, 1 doanh nghiệp tư nhân, 1 nhà nước. Bản thân em làm ở Hà Nội, bà xã em làm ở Sài Gòn. Bà xã em là gốc Sài Gòn. Bọn em gặp nhau ở nước ngoài. Từ lúc yêu nhau, kết hôn, có con chưa bao giờ em ở gần bà xã quá 1 tháng liên tục. Khi có ý định có bé thứ 2 thì em nghĩ tại sao mình phải bôn ba như vậy, nhiều lúc một mình bà xã em không cáng đáng được, mình không chăm sóc được cho gia đình, mình phải trở về gần gia đình", ứng viên Trung Hiếu giải thích.
Kết thúc vòng đối mặt, Trung Hiếu giành được chiến thắng nhờ nhận được 5/7 bình chọn và bước tiếp đến vòng 2.
Các sếp tặng xe hơi, tặng nhà để chiêu mộ ứng viên
Tại vòng 2, nam ứng viên 36 tuổi tự tin thể hiện khả năng, đóng góp cho doanh nghiệp của các sếp, kể cả ở lĩnh vực mới. Cũng vì thế mà cả 6 sếp đều bật đèn xanh, bày tỏ mong muốn chiêu mộ ứng viên này.
• Sếp Dũng – Dhfoods: Vị trí Phó giám đốc vận hành, lương 60.000.000 đồng/tháng.
"Dh Foods tăng trưởng 6 năm liên tục 50%, nên mức lương hàng năm dù không tăng 50% nhưng cũng sẽ tăng 2 con số. Bọn mình có rất nhiều dự án cho bạn triển khai. Nếu bạn hoàn thành dự án, công ty sẽ thưởng cho bạn 0,5% cổ phần công ty. Và 0,5% đó giá trị thực tế bao nhiêu cũng tùy thuộc vào bạn. Công ty có thể giá trị 1.000 tỷ hoặc nhiều hơn cũng là đóng góp của bạn. Đấy là offer của mình", sếp Dũng mời chào.
• Sếp Thuấn - Bánh Bảo Ngọc: Vị trí Quản lý Dự án Nền tảng Phân phối, lương 46.000.000 đồng/tháng cộng với cổ phiếu ESOP (cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên).
"Hàng tháng nhận 70%, 30% còn lại nhận theo quý hoặc nhận theo năm. Để nhận được 30% này thì ứng viên phải hoàn thành KPI do chính em tự xây dựng ra, hoàn thành trên 80% KPI thì sẽ nhận nốt số 30% còn lại và thưởng cổ phiếu ESOP".
• Sếp Thông – PNJ: Vị trí Quản lý Dự án – Tối ưu hóa vận hành, lương 55.090.999 đồng/tháng
"Tôi may đo riêng cho bạn vị trí này không nằm trong cơ cấu tổ chức. Vị trí tôi đang nghĩ cho bạn đó là Quản lý dự án tối ưu hóa vận hành kiêm thêm trợ lý cho tôi trong dự án tối ưu hóa nhà máy. Nếu bạn hoàn thành xuất sắc thì thường sẽ nhận không dưới 16 tháng lương 1 năm. Đó là con số bắt đầu, chúng ta thiết kế 6 tháng review, nếu bạn hoàn thành xuất sắc, bạn hoàn toàn có thể cộng thêm từ con số đó 30% - 100% lương tùy theo khả năng của bạn.
Ở cấp đó bạn vượt qua 1 năm, bạn nằm trong nhóm SMT (Senior management team: nhóm quản lý cao cấp – PV), bạn sẽ có cổ phiếu ESOP. Và giá trị của nó gấp nhiều lần số thu nhập 16 tháng. Và một offer khác là tôi sẽ trở thành Mentor (Người hướng dẫn – PV) cho bạn, bởi vì đây là ngành mới. Tôi cũng xuất thân là kỹ sư, là nhà khoa học rồi mới chuyển sang kinh doanh, nên tôi hiểu những khó khăn của bạn như thế nào".
• Sếp Tiến – FPT Telecom: Vị trí Trợ lý Chủ tịch HĐQT quản lý dự án chiến lược, lương 44.441.289 đồng/tháng
• Sếp Lưu Nga – Elise: Vị trí Trợ lý HĐQT, lương 50.000.000 đồng/tháng
• Sếp Hùng Anh - BIN CORPORATION GROUP: Vị trí Phó giám đốc vận hành dịch vụ Fintech, lương 47.789.999 đồng/tháng
Mức lương kỳ vọng của Trung Hiếu là 45.000.000 đồng nên sếp Tiến mất đi cơ hội tuyển dụng.
Để thu hút nhân sự cấp cao này, sếp Hùng Anh đưa ra lời hứa hẹn sẽ "tặng nhà, tặng xe nếu bạn làm việc với tôi từ 3-5 năm".
Không hề lép vế trước đồng đội ghế "nóng", sếp Dũng chia sẻ thêm: "Nếu bạn về với Dh Foods thì 3-5 năm nữa, bạn sẽ mua nhà thứ hai, tự mua xe và vẫn còn nguyên cổ phiếu với giá trị lúc ấy sẽ rất lớn. Bạn sẽ làm việc ở TP.HCM là chắc chắn".
Kết quả cuối cùng, Trung Hiếu đã quyết định lựa chọn đầu quân về BIN CORPORATION GROUP của sếp Lê Hùng Anh, cho vị trí Phó giám đốc vận hành dịch vụ Fintech với mức lương 47.789.999 đồng/tháng.
Nói về lý do lựa chọn đầu quân về đội sếp Hùng Anh, nam ứng viên 36 tuổi cho biết: "Sếp Thông và sếp Dũng đều đưa ra mức offer tốt, đồng thời tính chất công việc là tối ưu hóa quá trình sản xuất, thì đó chính là thế mạnh của mình. Việc chọn sếp Hùng Anh, thật ra có phần rủi ro hơn cho mình, lương cũng thấp hơn, đó là về mặt lương cứng. Tuy nhiên, mình nghĩ hiện tại thế giới đang chuyển hướng theo Chuyển đổi số. Mặc dù đầu quân về BIN Corporation Group có nhiều thách thức nhưng song song đó vẫn nhiều tiềm năng và cơ hội".