Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: 'Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi'

05/12/2022 09:18 AM | Sống

Từ trải nghiệm cùng người thân khám chữa bệnh trầm cảm, tiến sĩ Thanh Hương đã quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học ngành Thần kinh học để thay đổi thực trạng và nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương là trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Với đề án nghiên cứu về về kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer (gây chứng giảm trí nhớ ở người già) qua việc sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217, nữ Tiến sĩ là 1 trong 3 nhà khoa học vinh dự nhận Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science).

Năm 2020, Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương là nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Early Career Award từ Tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh.

Trước đó, năm 2012, Tiến sĩ Thanh Hương giành được học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành thần kinh học tại trường Đại học danh giá Stanford (Mỹ). Khi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2018, nữ Tiến sĩ quay trở lại Việt Nam và chọn công việc giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 2.

Con đường đến với nghiên cứu khoa học của chị bắt đầu như thế nào?

Trong gia đình, ba mẹ tôi đều là giáo viên. Mẹ tôi dạy Sinh học còn ba tôi dạy Hóa học. Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với kiến thức khoa học tự nhiên, xã hội nhưng đến những năm cấp 2, tôi vẫn chưa có định hướng theo nghiên cứu.

Cho đến cách đây 15 năm, trong gia đình tôi có người thân bị trầm cảm. Suốt quá trình theo người thân đi thăm khám và chữa trị, tôi nhận thấy điều kiện chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam khi ấy vẫn còn kém. Thậm chí khi đến bệnh viện lớn như bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bác sĩ vẫn chưa có công cụ để chẩn đoán và chữa trị bệnh một cách chính xác.

Lên cấp ba, tôi học lớp chuyên Sinh và sau đó quyết định theo học về Khoa học thần kinh để hiểu hơn về cách não bộ hoạt động để từ đó có thể nghiên cứu phương pháp chẩn đoán chữa trị hiệu quả hơn về tâm thần và thần kinh.

Khoa học thần kinh là một ngành còn khá mới tại Việt Nam, vậy du học Stanford có nằm trong dự định ban đầu của chị?

Cấp ba tôi chưa nghĩ đến chuyện đi du học đâu. Nhưng khi quyết định học ngành Thần kinh học, tôi nhận thấy bắt buộc phải đi du học. Vì Việt Nam chỉ dạy ngành này theo hướng đào tạo bác sĩ còn bản thân tôi chỉ muốn nghiên cứu khoa học thôi.

Lên đại học, tôi bắt đầu tìm hiểu các chương trình đào tạo về Thần kinh học ở nước ngoài. Tôi biết rất nhiều trường tốt, không chỉ ở Mỹ, Singapore mà còn ở Đức, Úc. Nhưng khi đó tôi rất quan tâm đến một chủ đề, đó là các yếu tố di truyền, cụ thể là các protein phân tử sinh học ảnh hưởng lên cơ chế phát bệnh như thế nào. Trên thế giới chỉ có một số Giáo sư nghiên cứu về chủ đề này, trong đó Đại học Stanford có nhiều nhóm nghiên cứu nhất. Vậy nên tôi đã nộp hồ sơ và được Stanford nhận.

Có cơ hội học tập và nghiên cứu tại một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới, vì sao chị chọn quay trở về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp?

Trước khi đi du học, tôi đã có ý định trở về rồi. Vì động lực đi du học của tôi là mong muốn thay đổi cách xã hội hiểu về sức khỏe tâm thần, để mọi người biết rằng tâm thần là bệnh lý chứ không phải do người bệnh muốn như vậy. Trong não của người bệnh thực sự có sự thay đổi về các phân tử, các chất hóa học khiến cho người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, cư xử và hành động khác đi so với trước khi bị bệnh. Các bác sĩ cũng cần sử dụng phương pháp chính xác trong quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.

Bạn không thể đơn thuần gặp một người trầm cảm mà nói là bớt trầm cảm, bớt buồn bã đi hay gặp một bệnh nhân rối loạn lo âu và bảo họ bớt lo âu đi. Tương tự với việc bạn gặp một bệnh nhân Alzhemeir và nói họ hãy cố gắng nhớ. Bởi vì họ thực sự không làm được như vậy. Tôi muốn về Việt Nam để thay đổi quan điểm đó, cũng như đóng góp vào quá trình thay đổi.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 4.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 6.

Trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của mình, đâu là khoảng thời gian khó khăn nhất chị từng trải qua?

Lúc mới học nghiên cứu sinh là khoảng thời gian tôi khá chật vật. Vì chuyên ngành đại học của tôi là Công nghệ sinh học, còn lên nghiên cứu sinh tôi học ngành Thần kinh học. Đại học tôi học tiếng Việt, nghiên cứu sinh thì học bằng tiếng Anh. Hai chuyên ngành hoàn toàn khác nhau, hai ngôn ngữ cũng khác nhau nên tôi cũng mất một thời gian để thích nghi.

Đề tài nghiên cứu sinh của tôi cũng yêu cầu nhiều kỹ thuật. Có những kỹ thuật mới liên quan đến sinh lý, tế bào, cũng có khi tôi phải thực hiện những thao tác rất chi tiết như mổ động vật, soi kính hiển vi. Những kỹ thuật này đòi hỏi bản thân phải dành thời gian miệt mài luyện tập để thành thạo, sau đó mới có thể làm được thí nghiệm chỉn chu, bài bản và trả lời được những câu hỏi nghiên cứu có tính thiết thực được.

Khó khăn như vậy, đã khi nào chỉ muốn từ bỏ công việc nghiên cứu này chưa?

Có chứ, có nhiều khoảnh khắc tôi muốn bỏ cuộc chứ vì nghề này quá khó. Công việc nghiên cứu khó về mặt kỹ thuật, nhiều lúc khó khăn về kinh tế, và cũng có khi làm tôi nặng nề không biết phải giải quyết thế nào.

Quan trọng là tôi có những người bạn, những người thân trong gia đình hiểu và luôn ủng hộ. Chọn đi theo con đường này để hiểu rõ hơn về sức khỏe tâm thần và thần kinh nhưng tôi cũng nhận thức rằng mình phải quan tâm đến sức khỏe của bản thân nữa.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 8.

Động lực nào giúp chị vượt qua những khó khăn và vực dậy bản thân sau những lúc muốn bỏ cuộc?

Tôi nghĩ vẫn là động lực ban đầu thôi, đó là mong muốn thay đổi thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.

Về phía gia đình, chị đã nhận được sự ủng hộ như thế nào?

Tôi lập gia đình khi học tiến sĩ 2 năm, may mắn là chồng tôi cũng làm nghiên cứu. Đó là lợi thế rất lớn khi có người trong nhà hiểu được tính chất công việc và tôi có thể trao đổi với chồng về các thí nghiệm khi cần.

Bây giờ thời gian biểu của tôi ổn định hơn, 6 giờ sáng bắt đầu đi đến trường Đại học Quốc gia TP.HCM và về đến nhà là 5, 6 giờ chiều. Nhưng khi làm nghiên cứu sinh thì thời gian biểu rất biến động, có hôm tôi làm thí nghiệm đến cả sáng hôm sau. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh thì tôi còn có em bé nữa. Rất may mắn là được gia đình 2 bên hỗ trợ rất nhiều.

Đâu là thành tựu đáng nhớ nhất trong 12 năm làm nghề của chị?

Thành tựu đáng nhớ nhất với tôi là khóa luận tốt nghiệp đại học. Hồi đó tôi rất may mắn được nhận vào phòng thí nghiệm của PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương. Cô là một trong những người tiên phong về sinh học phân tử tại Việt Nam. Cô giao cho tôi đề tài liên quan đến tạo dòng protein để sau đó nghiên cứu ra một bộ kit để chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung. Tôi làm đề tài đó trong chỉ trong vòng 2 tháng.

Với tôi thì khóa luận tốt nghiệp này có ý nghĩa cho thấy: Nếu tập trung, tôi có thể hoàn thành khối lượng công việc được giao làm trong 5,6 tháng chỉ với khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Đề tài được hoàn thành xong sớm như vậy cũng là nhờ tôi được các thầy cô chuyên ngành Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM giảng dạy rất kỹ những kỹ thuật cần phải sử dụng khi làm khóa luận tốt nghiệp. Vậy nên khi trở thành giảng viên, tôi tâm niệm rằng nếu muốn cho sinh viên thành công thì phải dạy các bạn những kỹ năng bài bản giống như tôi đã được dạy ngày trước.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 9.

Đã bao giờ chị phải tự bỏ tiền để phục vụ công việc nghiên cứu khoa học chưa?

Lúc học nghiên cứu sinh thì không vì tôi được học bổng và Giáo sư ở Stanford có rất nhiều quỹ nghiên cứu. Nhưng khi về Việt Nam trong những giai đoạn đầu, khoảng 1 - 2 năm đầu, tôi cũng phải bỏ tiền túi khá nhiều, nói đúng hơn là trích tiền lương của mình. Vì khi đó tôi chưa có nguồn quỹ nào, trong khi để xin quỹ phải có được một số dữ liệu sơ khởi. Vậy nên tôi phải bỏ tiền túi để thu được những dữ liệu này trong giai đoạn đó.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 10.

Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) có ý nghĩa như thế nào với chị?

Giải thưởng lần này có khá nhiều ý nghĩa với tôi. Ý tưởng của đề tài nhận giải là của một em sinh viên năm 3 trong nhóm nghiên cứu, em Phạm Hoài Bảo. Giải thưởng này giúp tôi có được nguồn tài trợ để thực hiện những ý tưởng của em.

Thứ hai là giải thưởng này có một cái tên rất đặc biệt "For Women In Science". Với tôi, khoa học là một ngành nghề hiếm hoi mà một số tố chất như sự cẩn thận, khả năng ghi chép, thực hiện nhiều tác vụ cùng một lúc - những đặc điểm nhiều phụ nữ sở hữu - đóng vai trò quan trọng.

Nhưng rất tiếc vì tỷ lệ nữ giới theo ngành nghiên cứu, đặc biệt là theo đến đỉnh cao của khoa học vẫn còn rất thấp. Điều này có thể dễ dàng thấy được ở những giải khoa học lớn trên thế giới mà không dành riêng cho nữ.

Không phải bởi vì nữ không có năng lực, cũng không phải vì phụ nữ không yêu thích khoa học. Khi còn nhỏ có thể các em cả nam và nữ đều yêu thích khoa học như nhau. Nhưng trong quá trình trưởng thành, đôi khi định kiến trong gia đinh, trong xã hội làm các em nữ nghĩ rằng mình không hợp với khoa học, mà chỉ có thể làm một số ngành nghề khác như kế toán, ngân hàng hay trở thành Hoa hậu (cười).

Tôi thấy định kiến này cần được thay đổi. Giải thưởng của L’Oréal - UNESCO là một trong những nỗ lực thành công ở Việt Nam, cho thấy nữ giới cũng có thể làm được những công trình khoa học quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, có tính sáng tạo. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi là một phần trong nỗ lực đó.

Tôi mong sẽ có thêm nhiều giải thưởng giống như vậy dành cho những lứa tuổi trẻ để cho các bạn thấy những tấm gương, cổ vũ các bạn theo đuổi ngành này. Bất kể ngành nghề gì, việc nhìn thấy được tấm gương điển hình thành công rất quan trọng. Khi đó các bạn sẽ có suy nghĩ: "Ai đó đã làm được, không lý do gì mình không làm được".

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và khát khao thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam: Bạn không thể giúp người trầm cảm khỏi bệnh bằng cách khuyên họ bớt trầm cảm đi - Ảnh 11.

Theo chị, các nhà khoa học nữ có khó khăn đặc thù nào so với các đồng nghiệp nam không?

Khó khăn đặc thù như tôi đã nói, đó là những định kiến các bạn nữ gặp phải ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng các bạn phải lấy chồng, phải sinh con, phải làm ngành nghề gì đó phù hợp hơn với chuyện có gia đình.

Nghề nghiên cứu khoa học thì chưa bao giờ là một nghề hấp dẫn trong xã hội nước ta. Các bạn sẽ đọc được một số bài viết mô tả công việc này với những chi tiết như khó khăn, lương thấp, giờ làm việc nhiều..

Nhưng tôi thấy ở Việt Nam hiện nay, cũng có nhiều cơ hội để theo khoa học, có thời gian làm việc không quá tải mà vẫn có thời gian giành cho gia đình và có thu nhập tương đối ổn định. Như ở trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, một số trường đại học tư hoặc các Viện nghiên cứu trả lương cho nhà nghiên cứu khá ổn. Nếu có thể nhân rộng những nơi làm việc như vậy, chuyện nữ giới theo khoa học nói riêng và người muốn theo khoa học nói chung sẽ tốt hơn.

Bản thân gia đình, chồng con nhà khoa học nữ cũng cần có sự ủng hộ, thấu hiểu nhất định. Nếu không có may mắn đó thì có lẽ bạn sẽ phải mạnh mẽ hơn để vượt qua rào cản.

Những nhà khoa học nữ có ưu thế nào khi theo đuổi một ngành nghề được đánh giá là "khó nhằn" như nghiên cứu?

Có thể không phải phụ nữ nói chung mà với riêng cá nhân tôi thì đó là khả năng làm việc hiệu quả, làm nhiều việc một lúc và tổ chức công việc hợp lý trong khoảng thời gian ở công sở. Điều này cũng vì mong muốn về nhà sớm để chăm sóc gia đình thôi thúc mình thôi.

Năm 2020, chị Hương nhận một giải thưởng lớn là Early Career Award. So với thời điểm đó, chị thấy bản thân mình của hiện tại đã thay đổi như thế nào?

Tất nhiên là có nhiều sự thay đổi, ít nhất là già hơn 2 tuổi (cười). Nhóm nghiên cứu hiện tại cũng đã lớn hơn rất nhiều, có thêm những nhánh nghiên cứu khác như phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ. Quan trọng là bản thân tôi vẫn giữ được mục tiêu tạo ra những phương pháp chẩn đoán, điều trị, can thiệp chính xác các bệnh lý tâm thần và thần kinh.

Tư duy khoa học của tôi so với hồi đó đã chín chắn hơn, ý tưởng dự giải năm nay so với 2020 cũng khó hơn vì đây là những phương pháp nhóm thí nghiệm chưa bao giờ làm. Nhưng nếu vượt qua được những trở ngại thì quá trình ứng dụng chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ này!

Theo Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM