Tiền gửi không kỳ hạn của MBBank giảm tới 22% trong 3 tháng đầu năm

24/04/2020 16:58 PM | Kinh doanh

Quý 1/2020, các mảng kinh doanh của MBBank vẫn có kết quả lãi tích cực, tuy nhiên ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng sụt giảm mạnh khi khối khách hàng doanh nghiệp rút tiền.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBamk - MBB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020.

Gia tăng trích lập dự phòng

Cụ thể, quý 1/2020, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.195 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong quý 1, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 4.695 tỷ đồng, tăng 13,54% so với cùng kỳ. Nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh, chẳng hạn kinh doanh ngoại hối có lãi 159 tỷ, tăng 32%; hoạt động mua bán chứng khoán và đầu tư dài hạn có lãi 497 tỷ, tăng 174% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm nhẹ khoảng 2% xuống còn 745 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác cũng giảm 7% xuống 240 tỷ đồng.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 16% đạt 6.338 tỷ đồng, MBBank tiết giảm chi phí hoạt động, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ xuống mức 2.050 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước dự phòng đạt 4.288 tỷ đồng, tăng 26,56% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sau khi trừ đi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế lại tăng trưởng âm do chi phí dự phòng tăng tới 117% lên 2.092 tỷ đồng. Theo đó, dự phòng rủi ro đã "ăn mòn" tới 49% lợi nhuận của MBBank, trong khi cùng kỳ chỉ là 28%.

Nợ xấu tăng, tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh

Đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ngân hàng giảm 1,14% so với đầu năm, xuống mức 406.802 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,94% xuống 247.979 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền gửi của khách hàng tại MBBank sụt giảm khá mạnh, giảm khoảng 11,7% xuống còn 240.737 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại MBBank giảm tới 22% xuống còn 71.852 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ cũng đều giảm mạnh, lần lượt là 57,9% và 24% xuống còn 1.964 tỷ và 5.790 tỷ. Theo đó, ước tính CASA của ngân hàng sụt giảm mạnh từ 38% xuống còn 33%.

Sự sụt giảm tiền gửi tại MBBank chủ yếu do các tổ chức kinh tế rút mạnh tiền gửi, từ 152.940 tỷ đồng xuống còn 115.450 tỷ (tức giảm 24%). Trong khi đó, tiền gửi của cá nhân vẫn tăng trưởng 4,6%.

Nợ xấu cũng có sự thay đổi đáng chú ý. Nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 là 4.004 tỷ đồng, tăng mạnh 38% so với đầu năm mặc dù dư nợ cho vay sụt giảm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,61%.

Theo Ngọc Bích

Từ khóa:  Tiền gửi , mbb
Cùng chuyên mục
XEM