Nhượng quyền kiểu McDonald's

26/07/2013 11:22 AM | Thương hiệu

Giới kinh doanh đang bàn tán xôn xao về việc Công ty Good Day Hospitality là đối tác nhượng quyền giấy phép phát triển - developmental licensee, để phát triển thương hiệu của Cty McDonald's ở VN.

Tuy nhiên, khái niệm giấy phép phát triển gần như lần đầu tiên được nhắc đến lại... chìm nghỉm trong “mớ hỗn độn” thông tin về sự kiện này.

Trong bài viết này, tác giả sẽ bàn đến giấy phép phát triển, những ưu điểm của nó và lý do tại sao ở VN chưa hề xuất hiện trước đó. Có một số hình thức hợp tác kinh doanh tương tự như “giấy phép phát triển” đó là “liên doanh”, “nhượng quyền thương mại”.

Liên doanh và nhượng quyền thương mại - xu thế chung

DN liên doanh là DN do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập  trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Trong đó, DN liên doanh có những đặc điểm: Đối với các nhà đầu tư trong nước, khi tham gia DN liên doanh, ngoài việc phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ vốn góp, nhà đầu tư VN còn có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, phong cách và trình độ quản lý kinh tế tiên tiến. Đối với bên nước ngoài, lợi thế được hưởng là được đảm bảo khả năng thành công cao hơn do môi trường kinh doanh, pháp lý hoàn toàn xa lạ nếu không có nhà đầu tư trong nước thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, hình thức DN liên doanh cũng có sự bất lợi là có sự ràng buộc chặt chẽ trong một pháp nhân chung giữa các bên hoàn toàn khác nhau không chỉ về ngôn ngữ mà còn về truyền thống, phong tục, tập quán, phong cách kinh doanh, do vậy có thể phát sinh những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết.

Còn nhượng quyền thương mại là việc cho phép bên nhận nhượng quyền được kinh doanh hàng hoá hay dịch vụ theo hình thức và phương pháp kinh doanh đúng với khuôn mẫu của bên nhượng quyền trong một thời hạn nhất định, để hưởng một khoản lợi nhuận theo thỏa thuận giữa hai bên. Bên nhượng quyền phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các phương tiện kinh doanh và hỗ trợ thành viên gia nhập hệ thống, và được nhận một khoản phí từ bên nhận quyền. Về vốn, bên nhượng quyền mở rộng hoạt động kinh doanh bằng chính đồng vốn của người khác nên giảm đươc chi phí thâm nhập thị trường.

Thời gian, hình thức nhượng quyền sẽ giúp DN xây dựng sự hiện diện thương mại một cách nhanh chóng cả trong và ngoài nước. Bên nhận quyền sẽ được truyền đạt các kinh nghiệm quản lý, bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền đã thành công qua những lần trải nghiệm trên thương trường, nên sẽ không phải trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển ban đầu.

Khi nhượng quyền, bên nhận quyền phải trả tiền bản quyền thuê thương hiệu và tiền phí để được kinh doanh với tên và hệ thống của bên nhượng quyền. Đồng thời, bên nhận quyền phải mua sản phẩm, nguyên liệu của bên nhượng quyền, nhờ đó mà bên nhượng quyền có thể tối đa hoá thu nhập của mình.

Tuy nhiên, đối với bên nhượng quyền thì việc lựa chọn đối tượng để nhượng quyền rất quan trọng, vì nếu lựa chọn sai sẽ dễ gây ảnh hưởng tới uy tín. Còn bên nhận chuyển nhượng sẽ rất quan trọng khi lựa chọn bên chuyển nhượng, bởi bên nhận nhượng quyền phải bỏ vốn để kinh doanh thì thương hiệu, kinh nghiệm quản lý của bên chuyển nhượng ảnh hưởng rất lớn đến thành công của bên nhận chuyển nhượng.

Giấy phép phát triển -lợi thế của “kẻ đến sau”

Vào thị trường VN với cách thức “giấy phép phát triển”, nhiều ý kiến cho rằng đó chính là lợi thế của McDonald's.

Mặc dù khái niệm “giấy phép phát triển” đã được nhắc đến trong khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP: "Hợp đồng phát triển quyền thương mại là hợp đồng nhượng quyền thương mại theo đó bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền được phép thành lập nhiều hơn một cơ sở của mình để kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trong phạm vi một khu vực địa lý nhất định”. Tuy nhiên, sau đó khái niệm này lại hoàn toàn không được nhắc đến, cũng như thực tế chưa có DN nào tại VN thực hiện loại hợp đồng này.

Điểm khác biệt cơ bản giữa giấy phép phát triển với nhượng quyền thương mại đó là ngoài việc bên được cấp phép không những được cung ứng sản phẩm của bên cấp phép mà còn có thể phát triển thêm sản phẩm khác với thương hiệu mà bên cấp phép đã chuyển giao. Ưu điểm của hình thức này là việc cấp phép giúp DN sở hữu các thương hiệu được ưa chuộng có thể khai phá giá trị tiềm ẩn và đáp ứng các nhu cầu chưa được thỏa mãn như những sản phẩm phụ kiện, hoặc mở rộng sang ngành nghề khác mà không phải bỏ vốn để kinh doanh. Đối với những Cty được cấp phép thì được quyền sáp nhập một số tài sản vào mặt hàng kinh doanh nếu như bình thường thì họ không sở hữu chúng.

Nhưng tiếp cận được các thương hiệu có uy tín sẽ đem lại cho họ sức mạnh tiếp thị mà thương hiệu lớn mang lại cho các sản phẩm của DN được cấp phép. Bởi việc xây dựng thương hiệu có thể mất nhiều năm, tốn hàng triệu USD và rất nhiều may rủi. Việc được cấp phép sẽ giúp các Cty đi thuê có cơ hội tiếp cận ngay với toàn bộ thương hiệu và hình ảnh tốt đẹp đã được tạo dựng từ trước, cũng như uy tín từ Cty cấp phép.

McDonald's là tập đoàn kinh doanh dịch vụ thực phẩm hàng đầu thế giới, với 34.500 cửa hàng phục vụ hơn 69 triệu thực khách mỗi ngày tại hơn 100 quốc gia.


Nhưng hình thức này không phải không có nhược điểm: Xuất phát từ việc một DN khác sử dụng thương hiệu của mình nên việc lựa chọn bên để cấp phép chuyển quyền là rất khắt khe và khó khăn, bởi lẽ nếu chỉ kinh doanh các hàng hoá của bên cấp phép thì cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến bên cấp phép, nhưng bên được cấp phép còn có thể kinh doanh mặt hàng khác nữa nên việc kinh doanh thất bại có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín cũng như thương hiệu của bên cấp phép.

Về phần bên được cấp phép cũng phải có sự đầu tư, chuẩn bị về địa điểm, con người để đáp ứng được những yêu cầu rất cao của bên cấp phép mới được chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu.

Khuyến nghị

Với sự mới xuất hiện của giấy phép phát triển, nó đem đến cho giới thương nhân VN một loại hình thức kinh doanh mới, nhiều lợi ích cũng như tiềm ẩn không ít thách thức. Thách thức khiến doanh nhân bản địa e dè nhất khi “nhượng quyền” kiểu McDonald’s là mọi thứ cần phải được xác định rõ ràng và thực hiện trong cùng một cách thức. Bởi có thể nhiều DN đang nghĩ rằng, nhượng quyền là trả cho ai đó một số tiền để được sở hữu tất cả chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp thị, chiến lược điều hành và luôn cả danh tiếng của họ.

 Điều đó quả thực hơi vượt quá bản chất của hình thức nhượng quyền kiểu McDonald’s. Khi hoạt động kinh doanh theo hình thức nhượng quyền, DN bản địa đang khai thác thế mạnh của hệ thống quản lý cũng như thương hiệu đã được kiểm chứng và thử thách qua thời gian, vì thế, buộc phải tuân thủ theo “luật chơi” của McDonald's.

Cần tiềm lực tài chính

Hãy thử tưởng tượng rằng bạn sắp mở cửa hàng ăn nhanh McDonald’s. Muốn làm được việc đó, bạn cần phải mua giấy phép phát triển của Cty McDonald’s. Để có đủ tư cách của một chủ cơ sở nhượng quyền theo quy ước thông thường, trong ví bạn phải có 175 ngàn USD. Nhưng chi phí cho việc mở cửa hàng như thuê mặt bằng, xây dựng, trang trí, mua sắm thiết bị … sẽ nằm đâu đó trong khoảng từ 430 ngàn đến 750 ngàn USD, và 40% trong số này phải do bạn tự đầu tư. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư (phí chuyển nhượng, thuê mặt bằng, thiết bị, trang trí nội thất) cho mỗi cửa hàng McDonald’s có thể vào khoảng 214.000 - 2,1 triệu USD.

Bạn sẽ trả trực tiếp cho Cty McDonald’s số tiền 45 ngàn USD gọi là phí đăng ký nhượng quyền ban đầu. Những chi phí khác sẽ được thanh toán cho các nhà cung ứng, vì thế đây là loại phí duy nhất bạn phải trả cho McDonald’s. Sau đó, bạn sẽ tham gia một khoá huấn luyện nghiêm ngặt kéo dài 9 tháng, nơi bạn được dạy về các phương pháp làm việc theo đúng phong cách đặc trưng của McDonald’s như: tiêu chuẩn chất lượng, cung cách phục vụ, giá trị hình ảnh thương hiệu, công thức và cách chế biến từng món trong thực đơn, cách thức quản lý, các kỹ năng kiểm kê, giám sát… 

Bạn buộc phải chấp nhận điều kiện chỉ được mở một cửa hàng McDonald’s tại một địa điểm nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 20 năm, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc về bài trí cửa hàng, tuyển dụng nhân viên… và tất cả những yếu tố khác nữa, sao cho cửa hàng McDonald’s của bạn toát lên được “thần thái” của một McDonald’s thực sự.

Sau khi bạn kết thúc khoá huấn luyện và đã sẵn sàng bắt tay vào việc, Mc Donald’s sẽ giới thiệu cho bạn một địa điểm kinh doanh đã được lựa chọn từ trước. Mặt ngoài của toà nhà sẽ được hoàn thiện, nhưng bạn phải chú ý phần nội thất bên trong sao cho có thể sắp xếp một cách hợp lý các thiết bị nhà bếp, chỗ ngồi, cảnh quan trang trí… Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ một nhân viên thuộc Bộ phận tư vấn của McDonald’s, người sẽ định kỳ ghé thăm cơ sở kinh doanh của bạn, cho bạn những lời khuyên hữu ích, cũng như hướng dẫn và giải thích mọi việc một cách chi tiết. 

Bạn sẽ trả cho McDonald’s khoản phí hàng tháng là 4% trích từ doanh thu bán hàng, và cộng thêm tiền thuê mặt bằng ít nhất cũng chiếm 8,5% nữa. Lợi nhuận từ cửa hàng của bạn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ vị trí tọa lạc và thói quen của cư dân trong khu vực, cho đến hiệu quả của việc kiểm soát chi phí, kể cả khả năng điều hành và tổ chức hoạt động kinh doanh của bạn.

Vậy bạn có phải là chủ cơ sở kinh doanh của mình không? Ở một vài khía cạnh thì câu trả lời là không. Bạn vẫn phải báo cáo với một người nào đó, và thực hiện công việc theo những chỉ dẫn của họ. Về thực chất, bạn không làm chủ hoạt động kinh doanh đó, mà chỉ sở hữu số tài sản bạn đầu tư để tạo dựng cơ sở kinh doanh.


Theo Lương Đình Tuệ
Giám đốc TDH Bros LLC

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM