Gỡ trần quảng cáo: Thở phào!
“Áp trần chi phí ở mức 15% là cứng nhắc bởi lúc DN thấy cần thì họ chi, không cần thì họ thôi. Quan trọng là kiểm soát chi phí khai báo là chi phí thực hay ảo chứ không thể quản kiểu hành chính”
Bộ Tài chính đang chuẩn bị đề xuất Quốc hội bỏ mức trần khống chế 15% đối với tất cả khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi của doanh nghiệp (DN) nhằm tạo điều kiện cho DN gia tăng quảng bá hình ảnh, năng lực cạnh tranh. Động thái này tuy được giới chuyên gia đánh giá là muộn nhưng rất tích cực.
Thời điểm này là phù hợp
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico, cho rằng động thái gỡ trần quảng cáo của cơ quan nhà nước là quá chậm bởi nhiều DN, nhất là các DN mới thành lập, đã bị thiệt hại nhiều vì quy định này. Theo ông, cần xúc tiến sửa nội dung này trong luật ngay lập tức, sớm ngày nào sẽ giúp ích cho DN ngày đó.
“Không thể nói gỡ trần mà không sửa luật bởi nội dung này nằm trong Luật Thuế thu nhập DN (ra đời năm 2007) và tiếp tục được giữ trong Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Cần khẩn cấp đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 tới để thông qua sửa luật ngay, không cần thí điểm gì nữa” - luật sư Đức kiến nghị.
Nguyên nhân, theo ông Đức, là do nhà nước đã có quy định quản lý hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ mà còn tiếp tục quản lý tỉ lệ cố định chi phí thì trái với nguyên tắc cơ bản của hạch toán kinh doanh. “Nhiều khoản chi dù có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ 100% nhưng cũng chưa chắc được tính vào chi phí. Trong trường hợp đó, DN dù lỗ nhưng vẫn bị coi là lãi nếu chiếu theo quy định của pháp luật và phải nộp thuế thu nhập DN. Điều này là vô lý” - ông Đức phân tích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Thụy, chuyên gia của Viện Kinh tế - Tài chính, sau khi có quyết định nới trần chi phí quảng cáo từ 10% lên 15% vào năm ngoái thì lộ trình từng bước gỡ hẳn trần quảng cáo cho các DN là hoàn toàn hợp lý. “Trước đây, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ vấn đề này và cũng đề xuất từng bước nâng trần, gỡ trần chi phí quảng cáo. Việc thực hiện phải đi từng bước bởi phải xin ý kiến các bộ - ngành liên quan, đồng thời cũng phải duy trì trần quảng cáo một thời gian để đề phòng tình trạng DN lợi dụng cạnh tranh bất bình đẳng” - ông Thụy cho biết.
Theo ông Thụy, hiện nay, tương quan lực lượng giữa các DN trên thị trường đã tương đương nhau, DN cũng cần linh hoạt hơn trong hoạt động quảng bá nên gỡ trần vào thời điểm này là phù hợp.
Nhiều bên cùng có lợi
Mức trần 15% chi phí được áp dụng chung cho các DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù DN FDI có thể quảng cáo theo chiến lược của công ty mẹ nhưng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng khi sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam nên việc gỡ trần sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Khi đó, các DN tiềm lực tài chính mạnh sẽ có cơ hội đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá hình ảnh, nhận diện sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, các DN sản xuất - kinh doanh bia ở giai đoạn đầu đưa sản phẩm ra thị trường có thể có chi phí quảng cáo chiếm đến 20%-30%. Khi sản phẩm đã được nhận diện, hoạt động kinh doanh đi vào ổn định thì chi phí này chỉ chiếm dưới 10%.
Ông Việt nhận xét. Ông cũng cho rằng gỡ trần là hợp lý bởi thời điểm này, các DN rơi vào tình trạng sản xuất - kinh doanh khó khăn, các mặt hàng bia đang bão hòa, sản lượng sụt giảm... Gỡ bỏ trần cũng sẽ giúp DN nội địa tăng sức cạnh tranh đối với DN FDI bởi khối này bị thiệt hại ít hơn DN trong nước khi áp trần.
Nói thêm về lợi ích của gỡ trần chi phí quảng cáo, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (đơn vị sản xuất sản phẩm dầu gấc Vinaga), phân tích: “Không DN nào bỏ ra nhiều tiền để quảng bá sản phẩm nếu như không cần thiết và không phù hợp với tiềm lực tài chính của công ty mình. Khi rào cản về hạn chế mức khấu trừ thuế các chi phí quảng cáo được bỏ đi, họ sẽ chủ động tính toán chiến lược quảng cáo hợp lý nhất như ưu tiên giai đoạn đầu thành lập, giảm bớt vào giai đoạn sau. Từ đó, giá thành sản phẩm sẽ không bị đội lên, người tiêu dùng cũng được lợi”.
“Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ bỏ trần khuyến mãi. Nếu như bỏ được cả trần khuyến mãi lẫn trần quảng cáo thì hàng Việt sẽ đến với người tiêu dùng nhanh hơn, gần gũi hơn”.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam
NGƯỜI TRONG CUỘC LÊN TIẾNG
Gỡ trần, rồi sao nữa?
Các DN nước ngoài có chiến lược quảng bá rất tốt, vừa tại Việt Nam bằng ngân sách công ty ở Việt Nam vừa tại nước ngoài bằng ngân sách của tập đoàn ở nước ngoài, nên thương hiệu được nhận biết rộng rãi. Trong khi đó, DN trong nước không làm như vậy được vì bị khống chế chi phí quảng cáo không vượt 15% tổng chi phí được khấu trừ thuế thu nhập DN (tại Trung Quốc tính 15% trên tổng doanh thu). Gỡ trần 15% là một cơ hội cho DN, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh sắp tới khi khu vực thuế quan ASEAN, ASEAN+1 bằng 0, nếu chúng ta không xây dựng được thương hiệu thì rất khó cạnh tranh.
Nới biên độ chi phí quảng cáo cũng mở ra thị trường lớn cho các công ty làm dịch vụ quảng cáo. Sử dụng cơ hội này như thế nào tùy thuộc vào mỗi DN. Dĩ nhiên, các DN nước ngoài nhiều vốn sẽ đẩy mạnh quảng cáo hơn, DN nhỏ cũng dễ “cựa quậy” hơn chứ như lâu nay họ rất khó tính toán.
Vấn đề là sau khi gỡ bỏ trần 15% thì cơ chế nào cho DN thực hiện? Lâu nay, vấn đề chi phí nào được chấp nhận là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế, chi phí nào không được luôn là băn khoăn của DN và tùy thuộc nhiều vào phán quyết của cơ quan thuế.
Ông Phạm Ngọc Hưng,Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM
Tạo sân chơi bình đẳng
Hiện nay, chi phí bị khống chế 15% bao gồm cả chi cho các hoạt động quảng cáo và các hoạt động khuyến mãi. Đối với một DN, 2 loại chi phí này có ý nghĩa khác nhau. Quảng cáo nhằm xây dựng thương hiệu của DN đó và của sản phẩm cụ thể, trong khi khuyến mãi nhắm tới lợi ích có thể nhìn thấy được ngay đối với người tiêu dùng trong những giai đoạn khác nhau tùy nhu cầu của thị trường. Vì thế, trong lộ trình gỡ bỏ hoàn toàn việc khống chế chi phí này, thiết nghĩ có thể chia làm 2 giai đoạn để hài hòa lợi ích của DN và ngân sách nhà nước. Trước hết, có thể chỉ nên khống chế chi phí quảng cáo rồi tiến dần đến gỡ bỏ hoàn toàn việc khống chế cả chi phí quảng cáo và chi phí khuyến mãi trong thời gian nhất định.
Sửa đổi theo chiều hướng này, các DN sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng cơ cấu chi phí để bảo đảm được hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Ngoài ra, việc gỡ bỏ quy định khống chế sẽ tạo sân chơi công bằng cho các DN muốn xây dựng hình ảnh và thương hiệu riêng của mình trong tất cả lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ.
Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý Công ty FrieslandCampina Việt Nam
Lợi cho nền kinh tế
Vấn đề gỡ bỏ trần chi phí quảng cáo đã được bàn thảo nhiều năm nay và chủ trương từng bước tháo gỡ dần. Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam rất ủng hộ Bộ Tài chính đề xuất gỡ bỏ trần chi phí quảng cáo vì nếu làm được như vậy, DN có điều kiện quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình; người tiêu dùng cũng có nhiều thông tin, nhiều lựa chọn hơn.
Bỏ trần chi phí quảng cáo sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn thu thuế thu nhập DN vì DN làm ăn thuận lợi, có lãi nhiều hơn thì sẽ đóng thuế nhiều hơn. Nhìn toàn cục, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Cũng không lo DN chi cho quảng cáo nhiều, hạch toán chi phí đó vào giá thành. Trong bối cảnh cạnh tranh, DN sẽ phải tính toán kỹ càng, nếu vì tăng quảng cáo mà đẩy giá thành lên cao thì sẽ không bán hàng được.
Bên cạnh đó, việc gỡ bỏ trần này thuận theo xu hướng chung của thế giới. Việt Nam đang hội nhập và chuẩn bị hội nhập sâu rộng hơn thì phải điều chỉnh theo luật pháp, thông lệ quốc tế để thu hút đầu tư.
Ông Trần Hùng,Phó Chủ tịch kiêmTổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
THANH NHÂN ghi