Điều gì làm bạn khác biệt khi có quá nhiều người xuất sắc ngoài kia?

23/06/2014 08:30 AM | Marketing

Có quá nhiều cá nhân xuất sắc ngoài kia.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả bài viết "Điều gì làm bạn khác biệt?" của tác giả trẻ Đàm Linh, tác giả cuốn sách "Những người làm chủ số một Việt Nam".



Thế giới đã không còn quan tâm tới việc bạn biết gì từ lâu. Vì Google biết mọi thứ. Thế giới chỉ quan tâm bạn có thể làm được gì từ những thứ bạn biết.

Thomas Friedman

Hữu xạ không… tự nhiên hương

Đây là thế kỷ XXI. Ở thế kỷ này, người ta chạy xe bằng nhiên liệu hydro, thao tác điện thoại bằng tay trên màn hình cảm ứng và thậm chí, vắt sữa bò bằng máy. Nhiều công việc do con người phụ trách có thể bị xóa sổ trong một thế giới cạnh tranh không ngừng. 

Đúng như chủ bút mục Đối ngoại của Thời báo New York nhìn nhận: “Thế giới đã không còn quan tâm tới việc bạn biết gì từ lâu. Vì Google biết mọi thứ. Thế giới chỉ quan tâm bạn có thể làm được gì từ những thứ bạn biết”. Có quá nhiều cá nhân xuất sắc ngoài kia. “Hữu xạ” vẫn có thể “tự nhiên hương” nhưng đồng nghĩa bạn mất đi không ít thời gian và cơ hội. Để khác biệt so với đám đông, bạn cần một kế hoạch xây dựng thương hiệu bài bản.

Sự bài bản bắt đầu ngay từ lúc bạn phân tích bản thân sâu sắc để tìm ra những điểm yếu, điểm mạnh của chính mình, dự đoán những cơ hội và tiên liệu những thách thức. Để từ đó, lựa chọn cho mình một lĩnh vực phù hợp. 

Thực tế đã chứng minh, không cần phải làm tới một công việc như khoa học tên lửa bạn mới tỏa sáng, chỉ cần bạn yêu thích và phù hợp với công việc của mình thì cơ hội thành công là hoàn toàn có. Một người quét rác vô danh cũng có thể trở nên vĩ đại như lời Martin Luther King nếu anh ta “quét những con đường như Michelangelo đang vẽ tranh, như Beethoven đang soạn nhạc, như Shakespeare đang làm thơ...”.

Richard Brason (Nguồn: howtomakeadifference.net)

Với Chủ tịch tập đoàn Virgin Group Richard Branson, tài sản quý giá nhất của ông không phải là một món đồ đắt tiền mà chính là danh dự. Bởi nếu chính bản thân bạn không tin tưởng và trân trọng thương hiệu của mình, thì làm sao đối tác, đồng nghiệp và khách hàng có thể bị thuyết phục? 

Một người có thương hiệu tốt còn là một người có ý thức bồi đắp và không ngừng hoàn thiện bản thân để bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Không phải chỉ bác học mới không ngừng học mà với bất kỳ lĩnh vực nào, tự hài lòng và ngừng lại cũng đồng nghĩa với bị đào thải.

Thấu hiểu bản thân, có ý thức phát triển nhưng nếu thiếu đi sự nhất quán, một cá nhân cũng khó có thể khác biệt hóa thương hiệu của mình. Người giỏi không phải là người có khả năng làm nhiều việc mà là người có thể làm một việc nhưng tập trung. 

Donald Trump được biết đến như ông trùm kinh doanh bất động sản. Để trở thành một tên tuổi mà khi nghĩ tới bất động sản, người ta nghĩ về ông, Trump đã phải đầu tư xây hàng trăm tòa nhà. Những hoạt động khác của ông như làm truyền hình, tổ chức thi hoa hậu, viết hồi ký… tưởng ngoài lề nhưng thực chất không chệch đi khỏi mục tiêu tăng sự nổi tiếng cho chính mình. 

Đối với những con người này, danh tiếng không bao giờ là thứ đến tự nhiên mà là kết quả của một quá trình lên kế hoạch và nỗ lực không ngừng. Không ngừng, nhưng những người có tầm nhìn xa vẫn luôn lựa chọn và thậm chí với họ, thế vẫn còn chưa đủ!

(Xem thêm: 10 lối tư duy khác biệt của người giàu)

Xây thương hiệu đã khó…

Gìn giữ và phát triển nó còn khó hơn gấp nhiều lần.

David Beckham (Nguồn: Forbes)

David Beckham từ giã sân cỏ từ lâu. Nhưng bất chấp việc người ta bắt đầu gọi anh là cựu cầu thủ, Becks vẫn nằm trong danh sách không nhiều những ngôi sao có thể quản lý tốt hình ảnh của mình lâu dài. Bởi Becks không chỉ đại diện cho giới cầu thủ. Anh còn là biểu tượng của một người đàn ông thành đạt và hạnh phúc, một nhân vật nổi tiếng về thời trang và phong cách sống. 

Thông tin Beckham chia tay nghiệp bóng đá để có thời gian chăm sóc gia đình càng khiến hình ảnh người đàn ông mẫu mực mà anh dày công xây dựng vững chắc hơn trong lòng người hâm mộ. Và không khó hiểu khi những hợp đồng quảng cáo triệu đô của Adidas, H&M, Armani, Gillette… luôn chọn David Beckham là đại diện thương hiệu chứ không phải một cái tên nào khác.

Trong một buổi trao đổi với Phạm Đình Đoàn, ông chủ của Tập đoàn Phú Thái, tôi nhớ mãi câu chuyện nhỏ của anh kể lần đầu tiên anh bất ngờ thế nào khi được tập đoàn Caterpillar nổi tiếng đề xuất ký hợp đồng với anh thay vì ký với công ty. Cho tới bây giờ, Caterpillar vẫn chưa giải thích vì sao nhưng Phạm Đình Đoàn bảo, từ đó anh hiểu hơn và ý thức giữ gìn uy tín của mình như một tài sản chẳng kém gì uy tín công ty.

Hay câu chuyện của Thomas Friedman trong buổi chia sẻ với độc giả tại FSB(*) vừa hài hước mà thấm thía rằng Thomas sẵn sàng lau giầy cho một người phụ nữ, chỉ với điều kiện bà không đăng hình ông vô tình chen lấn khi mua hàng lên mạng xã hội. Những cá nhân với thương hiệu nổi tiếng hiểu rất rõ “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” nên họ luôn ý thức việc gìn giữ hình ảnh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Không có lối tắt để sau một đêm, bạn trở thành người của công chúng với những cơ hội hợp tác béo bở. Hoặc nếu có, hẳn không ai muốn nổi tiếng trong chốc lát như siêu lừa Bernard Madoff để rồi kết thúc quãng đời còn lại trong trại giam và hư danh. Chỉ bằng cách hiểu rõ năng lực bản thân, cam kết ráo riết với nó và dũng cảm gìn giữ sự khác biệt ấy, bạn mới hy vọng thương hiệu của chính mình không bị nhấm chìm trong thế giới hơn 7 tỷ nhãn hiệu mang tên “Tôi” hiện tại.

(*) FSB: Viện quản trị kinh doanh FPT

>> [Bài cùng tác giả] Một thế giới tốt đẹp hơn

Đàm Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM