10 nguyên tắc thẩm mỹ Thiền Nhật Bản để trở nên duyên dáng, tin cậy và hiệu quả trên mạng xã hội
“Hãy xây dựng hình ảnh của mình, phong cách giao tiếp, kỹ năng thiết kế trình bày với những nguyên tắc thẩm mỹ Zen (Thiền) của Nhật Bản.
Sự duyên dáng, đáng tin và hiệu quả sẽ là những nhìn nhận mà mọi người sẽ dành cho bạn.” Đây là lời kêu gọi của Edward de Bono trong cuốn sách “Sắp xếp lại tư duy để thay đổi khái niệm và nhận thức.”
Những nguyên lý thẩm mỹ Zen không phải là một bài tập quá nghiêm ngặt, nhưng đòi hỏi bạn phải luôn nghĩ về nó trong các hoạt động hàng ngày. Những nguyên tắc này đặc biệt phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thiết kế, thuyết trình cũng như phong cách trong mọi phương thức giao tiếp.
Thật hoàn hảo nếu bạn áp dụng 10 nguyên tắc thẩm mỹ Zen dưới đây để tạo ra một bài trình bày (presentation), thiết kế một trang web cá nhân hay định hình cho mình một phong cách tương tác trên mạng xã hội như Facebook, Linkedin… Garr Reynolds, tác giả cuốn sách “Thuyết trình theo phong cách Thiền” chia sẻ cho các doanh nhân rằng, ứng dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc này bạn sẽ có được Cái đẹp, Niềm tin và Hiệu quả.
Kanso. Bỏ đi sự lộn xộn và diễn đạt ý tưởng một cách đơn giản. Áp dụng: giảm thiểu những thứ nhảm nhí trong bài thuyết trình, trang web hay Facebook.
Fukisei. Sử dụng sự bất đối xứng hoặc sự bất thường để tạo nên sự cân bằng. Áp dụng: sử dụng những hình ảnh mang tính chất phi đối xứng trong bài thuyết trình, website, Facebook. Tìm trên Google nguyên tắc “một phần ba” để biết thêm sự bất đối xứng trong nhiếp ảnh.
Shibui. Nói giảm và không phức tạp hoá. Áp dụng: giảm đi cách tiếp cận nghiêm chỉnh thông thường trong giao tiếp. Những nội dung hấp dẫn và có ích luôn hấp dẫn người khác hơn là sự gào thét hay quảng cáo quá sự thật.
Shizen. Miêu tả một cách chân thật, không giả dối và nhân tạo. Áp dụng: đơn giản hoá giao diện người dùng và loại bỏ phần giới thiệu màu mè trên trang web, bài thuyết trình cũng như các “post” trên Facebook.
Yugen. Sử dụng những gợi ý tinh tế và mang tính hình tượng, chứ không bộc bạch. Áp dụng: tạo ra một bài thuyết trình, một cách kể chuyện chạm vào tâm hồn người nghe, thay vì phải ép họ phải lắng nghe và phát chán.
Datsuzoku. Chuyển hoá thói quen, công thức và tập tục lâu đời. Áp dụng: thay thế cách trình bày câu chuyện toàn dùng chữ và gạch đầu dòng mệt mỏi bằng cách sử dụng hình ảnh có tính gợi mở và những biểu đồ bắt mắt.
Seijaku. Đạt được sự tĩnh lặng và trầm tĩnh đầy năng lượng. Áp dụng: bỏ những thứ chói tai và công kích trong bài thuyết trình, câu chuyện, trang web hay Facebook.
Wa. Thể hiện sự hài hòa, cân bằng và tránh sự áp đặt. Áp dụng: hoà hợp nhu cầu của khách hàng, nhân viên, đồng nghiệp và cổ đông để đạt được lợi ích cho tất cả.
Ma. Tạo ra một khoảng trống, khoảng không gian hoặc sự tĩnh lặng để đưa ra tiêu điểm. Áp dụng: bỏ những thứ rườm rà và tăng khoảng trắng trong các trang thuyết trình , trang web.
Yohaku-no-bi. Đề cao cái đẹp của những ngụ ý, thâm ý và những gì không được bày tỏ. Áp dụng: đừng cố gắng mê hoặc một cách thái quá sau khi kết thúc.
Và đừng quên nguyên tắc thứ 11 mới được thêm vào chuỗi từ vựng về những nguyên tắc của Nhật Bản trên: bullshitake, danh từ, nghĩa là kết quả của sự lan truyền những lời nói dối, dữ liệu không chính xác và những kết luận vô căn cứ- một cách hồ đồ.
Theo Vân Anh (Tổng hợp)