Thuốc lá điện tử có thực sự an toàn hơn thuốc lá truyền thống?

29/01/2018 15:01 PM | Khoa học

Chưa bao giờ thuốc lá điện tử là vô hại. Nhưng tác động của sản phẩm thay thế này với sức khỏe con người được chứng minh là an toàn hơn.

Tìm kiếm từ "vaping" trên mạng, nhiều người sẽ tặc lưỡi, đây là những sản phẩm độc hại.

Bởi cụm từ này liên quan trực tiếp tới vấn đề sức khỏe của con người, cũng như câu chuyện hút thuốc lá ở các thanh thiếu niên. Nhìn chung, ánh mắt mà mọi người dành cho "vaping" hết sức tiêu cực.

Thế nhưng, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Trong nhiều năm qua, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy, sử dụng thuốc lá điện tử an toàn hơn nhiều so với hút thuốc.

Năm 2017, tại Anh quốc, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài trong khoảng 16 tháng với sự tham gia của một nhóm những người hút thuốc lá điện tử và một nhóm những người hút thuốc lá truyền thống.

Kết quả là các chất gây ung thư, cũng như các chất độc hại tìm thấy trong nhóm những người hút thuốc lá điện tử thấp hơn hẳn. Nhưng điều đó không có nghĩa là thuốc lá điện tử là vô hại. Những gì các nhà nghiên cứu có thể kết luận, đó là chuyển đổi từ thuốc là truyền thống sang các sản phẩm thay thế (như vape) sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Cũng tại Anh, vào năm 2016, Hiệp hội Y khoa nước này đưa ra các báo cáo nói rằng, thuốc lá điện tử là lựa chọn tích cực cho người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá. Và lần đầu tiên, Bộ Y tế Công cộng nước Anh đưa thuốc lá điện tử vào chiến dịch "Stoptober" hàng năm, nhằm cổ vũ người hút thuốc lá bỏ thuốc, hoặc chuyển đổi sang các sản phẩm ít độc hại hơn.

Trên thực tế, tại nhiều quốc gia, thuốc lá điện tử vẫn đang bị cấm sử dụng, qua nhiều hình thức như phạt tiền, phạt tù đối với nhà cung cấp. Tuy nhiên, năm 2017 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi. Tiếp bước nước Anh là các quốc gia như New Zealand, Canada và Scotland...

Song hành với đó, các nhãn hiệu hàng đầu thế giới cũng bắt đầu chuyển hướng kinh doanh của họ khi nhận thấy sự hỗ trợ ngày càng tăng từ các tổ chức về sức khỏe, và nhu cầu ngày càng cao về những sản phẩm thay thế tốt hơn.

Japan Tobacco (JT) là một ví dụ điển hình. Họ đang phát triển sản phẩm giảm thiểu tác hại (RRPs) dưới dạng Sản Phẩm Mới Nổi bao gồm hai loại chính. E-vapour, một dạng Thuốc lá điện tử cung cấp hơi nước có thể hít vào bằng dụng cụ làm nóng chất lỏng trực tiếp chạy bằng điện, và T-Vapour, sản phẩm có thành phần thuốc lá trong đó thuốc lá được làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp mà không cháy.

Trong khi đó, British American Tobacco (BAT) cung cấp cho khách hàng các sản phẩm thay thế ít rủi ro hơn được gọi là Sản phẩm Thế hệ mới (NGPs), bao gồm các sản phẩm hơi như thuốc lá điện tử, sản phẩm làm nóng thuốc lá và các sản phẩm chứa nicotine được chứng nhận là thuốc.

Còn Philip Morris International (PMI) đang làm việc trên bốn loại hình sản phẩm Giảm thiểu rủi ro (RRPs), mà công ty này đề cập đến như là những loại sản phẩm ít độc hại, hoặc có tiềm năng tạo ra ít mối nguy hại hơn cho những người lựa chọn chuyển sang sử dụng những sản phẩm này so với việc tiếp tục hút thuốc lá truyền thống.

Về cơ bản, 4 hình thức này có thể được chia làm hai nhóm chính: nhóm sản phẩm không chứa lá thuốc tự nhiên – sử dụng chiết xuất nicotine dạng dung dịch, và nhóm sản phẩm có chứa lá thuốc tự nhiên – sử dụng công nghệ làm nóng lá thuốc thay vì đốt cháy nó, từ đó giảm thiểu hàm lượng các hợp chất gây hại sản sinh thông qua quá trình đốt cháy.

Sở dĩ, nhiều quốc gia tỏ ra thận trọng với các sản phẩm thay thế thuốc lá là do lo ngại giới trẻ sẽ học đòi theo trào lưu này.

Bên cạnh đó, việc không được cung cấp đầy đủ thông tin, cũng như thổi phồng tác hại của thuốc lá điện tử với mục đích khuyến cáo sử dụng vẫn khiến cho nhiều người hút thuốc e ngại, không muốn chuyển đổi. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều bằng chứng được đưa ra, cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử an toàn hơi nhiều so với việc hút thuốc lá truyền thống.


Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM