"Thực thi công lý" theo kiểu mạng xã hội: Hãy nhớ, kể cả khi thủ phạm bị kết tội, nạn nhân vẫn còn một cuộc đời phải sống

10/04/2019 15:21 PM | Sống

Sự phẫn nộ của đám đông trước tội ác là cần thiết, nhưng không phải là biện pháp thay thế luật. Vô tình hay hữu ý, họ sẽ khiến cuộc sống nạn nhân bị rối ren.

Chúng tôi xin được trích đầy đủ bài viết của tác giả Lương Thế Huy, thạc sĩ Luật và Tính dục (Law and Sexuality) tại trường đại học UCLA School of Law.

Giải quyết các vụ việc xâm hại đến nhân phẩm con người không thể chỉ nhăm nhăm vào công lý trừng phạt, tức là lôi bằng được thủ phạm ra xử thật nặng, đánh trống khua chiêng bố cáo thiên hạ từng cập nhật nhỏ nhất. Tại sao? Vì nạn nhân và gia đình họ, trước hết cho đến sau cùng, sẽ luôn là người ở lại hứng chịu những tổn thương do cả sự bất công lẫn quá trình phục hồi công lý gây ra.

Công lý không phải là dùng truyền thông để phơi bày ra hết những tổn thương

Phải thừa nhận là không ai có thể dễ dàng "trốn" khỏi truyền thông ngày nay. Nếu bạn là người nhà, là nạn nhân, bạn chắc sẽ không muốn hàng ngày hàng giờ các chi tiết, các hình ảnh "đã được làm mờ" của mình xuất hiện trên báo, trên mạng. Tác giả đã mượn ý chị Hoàng Hường (phó viện trưởng viện nghiên cứu Kinh tế, Xã Hội và Môi trường iSEE) rằng "hình làm mờ với người lạ chứ không mờ với chính cháu và gia đình."

Thực thi công lý theo kiểu mạng xã hội: Hãy nhớ, kể cả khi thủ phạm bị kết tội, nạn nhân vẫn còn một cuộc đời phải sống - Ảnh 1.

Cho dù bạn dùng máy tính bôi đen toàn bộ từ đầu tới chân, thì những khung cảnh, những chuyển động, những âm thanh, ký ức vẫn rõ mồn một với nạn nhân và gia đình họ.

Công lý, không có nghĩa là phơi bày ra hết những tổn thương. Không có thể loại mưu cầu công lý nào như là một chục phóng viên quây quanh đứa trẻ bị hiếp dâm, bị đánh đập và thản nhiên "em kể lại ngày hôm đó xảy ra những gì được không?", hay cố gắng xoáy sâu "khoan đã em nói hắn đè em ra nhưng hắn có đưa gì vào cơ thể em không?".

Không phải nạn nhân không nhớ hay bỏ sót, họ bỏ qua chi tiết nào là vì họ không muốn nhắc đến nó như một cơ chế phòng vệ tự nhiên thôi.

Hành trình “tìm kiếm công lý” phải bám chặt vào luật pháp, chứ đừng “tự biên tự diễn” để rồi gây tổn hại thêm cho nạn nhân

Không tự nhiên mà luật Việt Nam, học tập từ nhiều hệ thống pháp luật khác, quy định 11 tội danh mà phải có sự đồng ý của nạn nhân mới có thể truy tố, đa phần là các tội liên quan tới xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Vì sao?

Vì quá trình "tìm kiếm công lý" có thể hủy hoại nhân phẩm, danh dự nạn nhân thêm một hay nhiều lần nữa. Việc cơ quan điều tra lấy cung ít nhất vài lần, báo chí tìm đến nhà phỏng vấn chục lần, và hàng trăm lần phải lục lọi lại các chi tiết trong quá khứ khiến những thương tổn rất khó hồi phục.

Thực thi công lý theo kiểu mạng xã hội: Hãy nhớ, kể cả khi thủ phạm bị kết tội, nạn nhân vẫn còn một cuộc đời phải sống - Ảnh 2.

Nếu bạn là người đi ăn nhà hàng, bạn có muốn ngồi sau một lớp kính trong suốt, đeo tai nghe, chứng kiến thợ đồ tể chích điện, xẻ thịt con vật còn sống, rồi đầu bếp vặt lông, chặt khúc, sau đó chế biến và đưa bạn ăn không?

Món ăn thơm phức đẹp đẽ trên bàn chính là công lý, là bản án được tuyên làm hài lòng công luận. Nhưng để có được nó, một hệ thống công lý phải xử lý tất cả những thứ nhơ nhớp, bẩn thỉu như băng ghi hình, lời khai, mẫu xét nghiệm, hung khí...

Người quan sát có thể đứng ngoài cuộc tất cả những thứ đó, nhưng nạn nhân sẽ luôn phải chứng kiến tất cả. (Ví dụ này có lẽ không phù hợp với quan điểm về quyền động vật, nhưng tác giả thấy nó liên hệ tốt với nhiều người nên tạm dùng)

Trong các hướng dẫn quốc tế về bảo vệ trẻ em trong các quá trình tư pháp, nguyên tắc hàng đầu trong các vụ việc liên quan tới nạn nhân hay nhân chứng trẻ em là phải thiết lập một hệ thống tư pháp "lấy trẻ em làm trung tâm" và vì lợi ích tốt nhất của trẻ.

Có rất nhiều nguyên tắc, có thể ví dụ như: sự hỗ trợ xuyên suốt với 01 chuyên gia, nhân viên công tác xã hội để trợ giúp cho trẻ vượt qua khó khăn (lưu ý số lượng, không phải nhiều là tốt), phòng thẩm vấn, cơ sở vật chất dành riêng hoặc chú trọng tới tâm lý trẻ em, trẻ chỉ tới tòa khi thật sự cần thiết (rất nhiều vụ xử mà trẻ và gia đình không cần có mặt, nhất là khi có thủ phạm ở đó).

Nếu nạn nhân và gia đình tuyên bố không kiện, không tiết lộ thêm thông tin, hãy tôn trọng họ

Chúng ta cần tôn trọng sự sẵn sàng theo đuổi "công lý" của nạn nhân và gia đình. Chỉ mới là một vài thông tin chưa rõ ràng, đã có bài viết trên mạng chỉ trích gia đình của bé gái bị dâm ô mong muốn "không tố giác vì sợ ảnh hưởng tâm lý bé gái” là họ đang "dung dưỡng cái ác", "không nghĩ tới những nạn nhân khác”, thậm chí “ích kỷ” (!?) vì không chịu làm ngọn cờ đầu trừ gian diệt ác, chỉ muốn "dĩ hòa vi quý."

Việc thực thi công lý cần thiết, nhưng cần thiết hơn nữa là nó không gây ra thêm sự bất công, đau khổ nào nữa. Trong các hệ thống công lý biết lấy nhân phẩm làm trọng, các thủ tục sẽ làm giảm nhẹ hết mức những ảnh hưởng lên nạn nhân.

Nhưng trong nhiều trường hợp, nạn nhân và gia đình sẽ cân nhắc và chọn giải pháp tốt nhất cho mình. Vì dù sao, ngày mai họ vẫn còn cả một cuộc đời phải sống tiếp, còn công luận chỉ cần được thấy thủ phạm thân bại danh liệt trong 48 giờ là đủ.

Thực thi công lý theo kiểu mạng xã hội: Hãy nhớ, kể cả khi thủ phạm bị kết tội, nạn nhân vẫn còn một cuộc đời phải sống - Ảnh 3.

Cuối cùng, việc ứng xử với thủ phạm đều có thể trợt đi theo hai chiều hướng cực đoan: giận dữ cao độ, hay cợt nhả bông đùa.

Việc cả xã hội “truy sát” thủ phạm có thể gây tác động tâm lý cực lớn lên nạn nhân, đặc biệt là trẻ em. Nạn nhân khi chưa đủ tuổi ý thức đầy đủ, nhìn thấy người làm chuyện xấu với mình bị cả xã hội truy lùng, chửi bới sẽ nảy sinh một câu hỏi, nỗi sợ rằng phải chăng người đó đã làm chuyện gì đó rất khủng khiếp với mình.

Nó như cảm giác bạn méc cô giáo về việc bị bạn cùng lớp trêu ghẹo, ngày hôm sau cô giáo thông báo đã đuổi học bạn kia. Phản ứng của người lớn là một chỉ dấu về sự nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Chúng ta không cố làm nhẹ đi bản chất của việc xấu, nhưng chúng ta phải làm nhẹ đi hết sức sự ảnh hưởng của nó lên nạn nhân. Đây không phải là nhân văn với thủ phạm, mà là bảo vệ những người yếu thế hơn.

Chiều hướng bông đùa tiếu lâm hóa vụ việc cũng là một hiện tượng khá phổ biến. Sau vụ xả súng tại New Zealand, có một cậu bé đã đập quả trứng gà sống lên mặt của một nghị sĩ kì thị người nhập cư Hồi giáo khi đang phát biểu về vụ việc.

Hình ảnh này rất tức cười và làm hả dạ nhiều người. Rồi có một chiến dịch nhỏ ủng hộ, tung hô “egg boy.” Việc này khá giống với những gì mọi người đang làm với nghi phạm dâm ô thang máy: trào lưu check-in nhà riêng nghi phạm, các biếm họa, truyện cười, trò chơi khăm…

Hệ quả tiềm ẩn của việc hài hước hóa này là nó có thể làm chúng ta quên đi sự nghiêm trọng, nhạy cảm của vụ việc, và thay vì dành công sức để góp phần khôi phục cuộc sống bình thường cho nạn nhân, chúng ta dồn sức để làm đảo lộn cuộc sống của thủ phạm.

Thực thi công lý theo kiểu mạng xã hội: Hãy nhớ, kể cả khi thủ phạm bị kết tội, nạn nhân vẫn còn một cuộc đời phải sống - Ảnh 4.

Quan điểm cá nhân của tác giả là vẫn ủng hộ sự hài hước nhất định, vì tiếng cười đôi khi là một vũ khí rất mạnh của kẻ yếu để chống lại quyền lực và cái xấu, và một phong trào nghiêm túc đến mấy cũng cần mang lại ít nhiều “tiếng cười” cho những người hành động vượt qua sự căng thẳng, tiếp tục chiến đấu. Ai cũng thích sự sáng tạo trong việc đấu tranh chống lại cái xấu. Nhưng sa đà vào nó như một mục tiêu duy nhất thì sẽ thành sai lệch.

Cần nhớ, sau ngày thủ phạm bị kết án, nạn nhân còn một cuộc đời phải sống.

Theo Lương Thế Huy

Cùng chuyên mục
XEM