Thực tế đầy khắc nghiệt phía sau vẻ ngoài hào nhoáng của nhãn hiệu “Made In Italy” nổi tiếng thế giới

20/11/2021 16:15 PM | Kinh doanh

Mác "Made in Italy" mang lại niềm tin, sự thịnh vượng cho rất nhiều sản phẩm trên thị trường và nó đảm bảo cho sự vững chắc của nền kinh tế quốc gia.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, "Made in Italy" đã khẳng định mình là một trong những thương hiệu có giá trị, chất lượng, "đẳng cấp" và được bạn bè quốc tế công nhận. Qua nhiều thập kỷ với sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, thương hiệu này vẫn giữ cho mình sự pha trộn hoàn hảo giữa nét thẩm mỹ mang tính biểu tượng của Ý với công nghệ hiện đại và sự đổi mới không ngừng. Mác "Made in Italy" mang lại niềm tin, sự thịnh vượng cho rất nhiều sản phẩm trên thị trường và nó đảm bảo cho sự vững chắc của nền kinh tế quốc gia.

Xương sống của nền kinh tế

Ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Ý, thì các doanh nghiệp của đất nước này vẫn có thể giữ vững vị trí hàng đầu của mình trong lĩnh vực xuất khẩu ở thị trường châu Âu. Họ vẫn phát triển mạnh mẽ trong khi năng suất suy giảm và tốc độ tăng trưởng cố định ở mức 1% trong nhiều thập kỷ. Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân đã cho rằng triển vọng công nghiệp của Ý, bao gồm hầu hết các công ty vừa và nhỏ, không thể cạnh tranh với ngành sản xuất giá rẻ đang phát triển nhanh chóng đến từ thị trường châu Á, trước hết là Trung Quốc. Sự gia nhập của các sản phẩm có nguồn gốc châu Á vào thị trường thế giới đã gây không ít khó khăn cho các nhà sản xuất châu Âu. Tuy nhiên, nó cũng có thể được coi là một cơ hội. Cùng với WPP và Kantar, BrandZ đã đưa ra danh sách 30 Thương hiệu Ý có giá trị nhất năm 2019 và phát hiện ra rằng "Made in Italy" không ngừng tăng trưởng nhờ việc sản xuất các mặt hàng xa xỉ cao cấp, với Trung Quốc là thị trường khách hàng số 1.

Số lượng các thương hiệu cao cấp đã tăng 14% trong 12 tháng và đạt giá trị ròng lên đến 96,9 tỷ Euro (108,98 tỷ USD). Đứng đầu danh sách là Gucci, công ty trị giá 24,4 tỷ euro (tức 27,44 tỷ USD), tiếp theo là các nhà thiết kế Ý mang tính biểu tượng khác như Prada, Giorgio Armani, Fendi, Bottega Veneta, Salvatore Ferragamo. Sự sang trọng chiếm khoảng 40% tổng giá trị thu được từ thương hiệu "Made in Italy" và là yếu tố thu hút khách hàng trên toàn thế giới.

Những khó khăn, trở ngại

Mặc dù thương hiệu này có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm giá rẻ. Nhưng nó cũng vấp phải khá nhiều những khó khăn khi hoạt động ở Ý. Cạm bẫy quan liêu phức tạp, bất ổn về chính trị, nạn trốn thuế, cơ sở hạ tầng xuống cấp,... luôn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Và rất nhiều thương hiệu Ý lâu đời đã và đang rời khỏi vùng đất Địa Trung Hải này. Họ tìm đến những nơi có lực lượng lao động rẻ hơn, ít quan liêu hơn, thị trường năng động hơn. Đảng dân tộc chủ nghĩa Ý và Liên đoàn đã trình bày một dự luật nhằm hạn chế việc các công ty chuyển địa điểm sản xuất ra nước ngoài. Nếu một thương hiệu muốn chuyển địa điểm sản xuất của mình sang một quốc gia khác, họ có thể tự do làm điều đó, nhưng sẽ không được phép dán nhãn hàng hóa của mình là "Made in Italy".

Vẻ ngoài hào nhoáng và thực tế khắc nghiệt

Thực trạng các công ty lớn ở Tây Âu lựa chọn sản xuất tại khu vực phía Đông của lục địa hoặc tại châu Á nhằm cắt giảm chi phí bằng cách bóc lột công nhân đã được ghi nhận trong nhiều năm qua. Nhưng tình trạng lao động được trả lương thấp không phải là điều chỉ diễn ra tại những khu vực đó. Vào năm 2007 ở Ý, một kênh truyền hình nhà nước đã phát sóng "Luxury Slaves" (Nô lệ sang trọng), một bộ phim tài liệu tố cáo sự đắt đỏ của các sản phẩm "Made in Italy". Và một loạt các cuộc điều tra sau đó đã phát hiện ra tại các nhà máy ở Ý, lực lượng lao động nhập cư Trung Quốc đang sinh sống và làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ.

Năm ngoái, tờ New Yorker lại để cập đến vấn đề này. Họ cho biết, điều kiện tiên quyết để được gắn mác "Made in Italy" là bạn phải đảm bảo địa điểm diễn ra quá trình sản xuất ở Ý. Ngoài ra, sẽ không một ai quan tâm đến nguồn gốc hoặc xuất thân của những người thợ thủ công, bởi nó không hề được nhắc đến trong bất kỳ một dự luật nào của Liên đoàn.

Bảo vệ nhãn hiệu không chỉ nằm ở việc duy trì sản xuất trong biên giới nước Ý và mà còn phải giải quyết vấn đề lao động thực tế đằng sau sự xa xỉ của "Made in Italy", để làm sáng tỏ những mâu thuẫn giữa vẻ ngoài hào nhoáng và thực tế đầy khắc nghiệt của ngành sản xuất.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM