Thức khuya, thường xuyên bỏ bữa sáng, chậm chút nữa là đột tử, cô gái trẻ cảnh báo mọi người: "Xin các bạn đừng như mình!"
Rất nhiều bạn trẻ ngày nay không chú trọng đến sức khỏe, thường xuyên thức khuya và nhịn ăn sáng.
Thức khuya và nhịn ăn sáng vô tình trở thành một thói quen xấu của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Dù được cảnh báo rất nhiều nhưng họ thường tỏ ra không quan tâm hoặc giả vờ lờ đi. Có vẻ người trẻ bây giờ còn phải bận rộn chú trọng công việc, sự nghiệp cũng như những hoạt động giải trí nên sức khỏe chưa phải ưu tiên của họ.
Mới đây, chia sẻ của cô bạn Nguyễn Trang Thanh trên trang Beat.vn thu hút được rất nhiều đồng cảm từ những độc giả khác. Vốn dĩ là một người cũng không coi trọng sức khỏe, đến khi "đổ bệnh", cô bạn mới thấy thấm thía những lời cảnh báo. Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
"Thực sự quá may cho mình khi đã đi khám để được theo dõi kịp thời, để lâu chút nữa là bị đột tử rồi... Đọc nhiều nghe nhiều nhưng mình vẫn lì, ỷ y chắc không sao cũng không nghĩ mình sẽ bị.
Mình là một đứa thường xuyên nhịn ăn sáng, thức khuya và giờ thì nó đã có những biến chứng như ói ra máu, ói thường xuyên, đau đầu, choáng váng, chóng mặt lâu lâu tim bị nhói nữa, bác sĩ khám thì ra một loạt bệnh:
- Rối loạn chức năng tiền đình
- Viêm dạ dày và tá tràng
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Bệnh cơ tim do thiếu máu trầm trọng
- Đau bao tử
LÝ DO QUAN TRỌNG NHẤT LÀ THỨC KHUYA VÀ THƯỜNG XUYÊN KHÔNG ĂN SÁNG.
Mình chỉ mong mọi người đừng như Mình đau lắm... giống như chết đi sống lại vậy đó. Mình sợ lắm rồi."
Tác hại của thức khuya:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ: Ban đêm là lúc nhịp tim hạ thấp xuống, mạch máu cũng hoạt động chậm lại để cơ thể được nghỉ ngơi tốt nhất. Thế nhưng, nếu bạn vẫn ngoan cố thức khuya triền miên thì dần dần, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt còn làm tăng cao nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch, hạ huyết áp...
- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Thường xuyên thức khuya, ngủ muộn có thể gây suy giảm hệ miễn dịch của bạn theo thời gian. Thậm chí, bạn còn dễ gặp phải những bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả ung thư. Bên cạnh đó, nó cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe thường gặp ở nữ giới như rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh, đau bụng kinh...
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Thức khuya làm phá hủy các tế bào máu trắng, gây hại đến khả năng miễn dịch cơ thể. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ mắc các bệnh như cảm cúm, dị ứng hơn người được ngủ sớm.
- Phá hỏng sự cân bằng nội tiết tố của cơ thể: Điều đó khiến bạn không dung nạp được glucose bằng lượng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hơn nữa, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa cảnh báo đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tác hại của nhịn ăn sáng:
- Mất cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng thấp: Do nguồn năng lượng ở mức rất thấp nên cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức. Hơn nữa, nếu buổi sáng không ăn, đến khoảng 9 giờ hoặc 10 giờ trưa bạn sẽ bị đói cồn cào, người nôn nao, huyết áp hạ thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Dần dần khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
- Đau dạ dày và kết sỏi ở bộ máy tiêu hóa: Dạ dày luôn co bóp, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, dần dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày. Do ruột rỗng, nhu động giảm, các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài, lâu dần nó sẽ kết lại thành sỏi.
- Nhanh lão hóa: Do không ăn sáng nên cơ thể buộc phải huy động lượng đường và protein được dự trữ sẵn để hoạt động, làm cho bề mặt của lớp da bị khô, rám, mất dinh dưỡng, do vậy dễ xuất hiện nếp nhăn nhất là ở vùng mắt và mặt.
- Các bệnh mãn tính có thể xuất hiện: Bắt đầu công việc trong tình trạng đói mềm, để có sức lực, cơ thể phải huy động các tuyến như tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên… hoạt động để tạo ra năng lượng. Khi các tuyến này hoạt động thái quá nó có thể tạo ra nhiều axit, dẫn tới các bệnh mãn tính.
- Dễ mắc bệnh sỏi mật: Nếu không ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Tình trạng này kéo dài, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi mật.