Thực hư chuyện bị bỏng vì cồn sót lại trên da sau khi dùng nước rửa tay khô và những điều cần chú ý để rửa tay an toàn trong mùa dịch Covid-19

26/03/2020 16:18 PM | Sống

Nước rửa tay khô cũng có thể là một loại vật dụng nguy hiểm nếu chúng ta không bảo quản và sử dụng đúng cách.

Trong mùa dịch Covid-19 này, nước rửa tay khô là thứ không thể thiếu mỗi khi đi ra ngoài đường, hay thậm chí là ngay ở trong nhà. Các bác sĩ và chuyên gia y tế đều khuyến cáo sử dụng nước rửa tay khô để diệt khuẩn trên tay nếu như bạn không thể rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Đây là phòng tuyến quan trọng hàng đầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. 

Gần đây, cộng đồng mạng đã rầm rộ chia sẻ bức ảnh một người phụ nữ bị bỏng từ bàn tay cho đến tận khuỷu tay từ một người dùng Facebook có tên là Yao Jong. Tài khoản này viết: “Người phụ nữ này đã thoa nước rửa tay khô lên khắp cánh tay rồi đi vào bếp. Giây phút cô ấy bật bếp lên, tay cô bén lửa do lượng cồn còn sót lại trong nước rửa tay khô”.

Điều này khiến cho nhiều người tin rằng việc sử dụng nước rửa tay khô có hàm lượng cồn cao sẽ gây bỏng cho cơ thể. 

Tuy nhiên, theo bài viết của bác sĩ Adrian Wong trên chuyên trang công nghệ lâu năm Techarp, đây là bức ảnh của một người phụ nữ vừa mới ghép da sau khi bị bỏng tay, được đăng tải trên một trang chuyên về cấy ghép da. Do đó, thông tin dùng nước rửa tay khô có thể gây bỏng là không đúng sự thật.

 Thực hư chuyện bị bỏng vì cồn sót lại trên da sau khi dùng nước rửa tay khô và những điều cần chú ý để rửa tay an toàn trong mùa dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Ảnh được cho là của người phụ nữ bị bỏng sau khi dùng nước rửa tay khô. Tuy nhiên, đây là ảnh của một bệnh nhân được cấy ghép da.

Dùng nước rửa tay khô có an toàn không?

Hầu hết các loại nước rửa tay khô trên thị trường hiện nay đều chứa từ 60-70% cồn, đủ để tiêu diệt virus và vi khuẩn có hại. Do thành phần có chứa cồn, nước rửa tay khô được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) xếp vào loại hàng hóa có khả năng gây cháy nổ và không được phép mang lên máy bay nếu quá dung tích 100ml.

Dù vậy, người tiêu dùng vẫn có thể an tâm sử dụng nước rửa tay khô trong mùa dịch Covid-19. Bởi lẽ, chỉ 10 giây sau khi bạn sử dụng nước rửa tay khô, cồn sẽ nhanh chóng bay hơi và không thể nào khiến tay bạn bị bỏng. Ngoài ra, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo chỉ 1-3 ml dung dịch nước rửa tay khô là đủ để loại bỏ virus và vi khuẩn bám trên bàn tay. Một lượng dung dịch ít như vậy cũng khó có thể khiến tay bạn bén lửa và bị bỏng được.

Tuy nhiên, trong nước rửa tay khô có chứa một lượng lớn cồn nên bạn vẫn cần phải hết sức thận trọng khi bảo quản và sử dụng. Mỗi khi dùng sản phẩm này để rửa tay, bạn nên đảm bảo kỹ rằng mình đã thoa đều dung dịch lên khắp bàn tay, chờ cho khô hẳn trước khi chuyển sang làm bất cứ công việc gì khác để phòng ngừa các rủi ro không đáng có.

 Thực hư chuyện bị bỏng vì cồn sót lại trên da sau khi dùng nước rửa tay khô và những điều cần chú ý để rửa tay an toàn trong mùa dịch Covid-19  - Ảnh 2.

Khi nào nước rửa tay khô có thể gây nguy hiểm?

Nước rửa tay khô bị làm giả chứa những thành phần không an toàn có thể khiến da bạn bị bỏng.

Mới đây, một chủ cửa hàng 7-Eleven ở New Jersey (Mỹ) đã bị bắt vì sản xuất nước rửa tay khô giả nhằm trục lợi trong tình cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại quốc gia này. Theo tạp chí Time, sản phẩm nước rửa tay khô dạng xịt tự chế này đã khiến cho da của 4 bé trai bị bỏng.

Hãng thông tấn AP cho biết, loại nước rửa tay khô nguy hiểm này được tự chế bằng cách trộn nước rửa tay tạo bọt thương mại - mặt hàng không được làm để bán lại - với nước. Các nhà chức trách tin rằng hỗn hợp này đã xảy ra một phản ứng hóa học trong lọ đựng, gây bỏng cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nước rửa tay khô có hàm lượng cồn quá cao có thể khiến da bị kích ứng. 

“Ngứa, đỏ ửng, tróc vảy, khô da là những hiện tượng có thể xảy ra. Đây có thể là lỗ hổng cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh”, bác sĩ Corey Hartman - Giám đốc Y khoa của Skin Wellness Dermatology cho biết. Ông khuyên mọi người nên cấp ẩm cho da sau khi rửa tay để phòng ngừa bị nứt da và nhiễm trùng.

(Theo IBTimes, Republic World, Times)

 

Theo Linh Hân

Cùng chuyên mục
XEM