Thực hư chiêu dùng dầu gió vô hiệu hoá máy đo nồng độ cồn đang gây sốt: Chuyên gia nói gì?

09/01/2020 20:15 PM | Xã hội

Sau khi nghị định 100 quy định xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có hiệu lực, trên MXH đã xuất hiện những chiêu trò đối phó để vô hiệu hoá máy đo nồng độ cồn.

Dân mạng phát sốt với chiêu trò vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn

Một trong những chiêu trò vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn đang gây sốt trên mạng xã hội được rất nhiều người quan tâm và chia sẻ đó là dùng dầu gió.

Theo các thông tin được truyền tai nhau trên mạng xã hội, khi uống 1-2 chai bia hay rượu nếu có việc phải ra đường thì nhỏ một vài giọt dầu gió vào khẩu trang hoặc có thể uống một chút dầu gió. Với cách làm đơn giản này có thể vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông.

Nhiều chị em còn nhắc nhau nhớ để vào cốp xe của chồng lọ dầu gió để tránh bị phạt khi dùng rượu bia và lái xe. Chiêu trò trên được nhiều người cho rằng sẽ có tác dụng thực sự và nên áp dụng.

Trong khi đó, cũng có một số ý kiến phản bác cho rằng việc uống hay dùng dầu gió vô hiệu quá máy đo nồng độ cồn là không thể.

 Thực hư chiêu dùng dầu gió vô hiệu hoá máy đo nồng độ cồn đang gây sốt: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Chiêu dùng dầu gió vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn đang được chia sẻ trên mạng xã hội.

Trao đổi với PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam về thông tin dùng dầu gió để vô hiệu hóa máu đo nồng độ cồn của CSGT, PGS Ngọc khẳng định, đây chỉ là mẹo mang ra đều đùa cho vui. Rượu bia khi uống vào cơ thể tùy theo lượng nhiều hay ít sẽ phải mất một thời gian nhất định để chuyển hóa và đào thải.

90% lượng cồn có trong rượu bia chuyển hóa tại gan, phần còn lại là qua đường hô hấp, da, nước tiểu. Do đó, nếu có uống rượu bia nếu không muốn phạt thì không nên lái xe.

"Bôi dầu gió hay uống dầu gió không thể vô hiệu quá được máy đo nồng độ cồn sau khi uống rượu bia", PGS. Ngọc khẳng định.

PGS Ngọc cũng cho biết thêm, những ngày Tết gan thường phải làm việc rất "vất vả" để chuyển hóa một lượng lớn thức ăn giàu chất đạm, chất béo. Nếu như chỉ vì vui vẻ mà chúng ta dùng thêm rượu sẽ khiến cho gan lại càng thêm gánh nặng.

Sau khi uống rượu bia nhiều thường có triệu chứng: chán ăn, mệt mỏi, đây là một trong những dấu hiệu điển hình báo hiệu tình trạng gan bị tổn thương do nhiễm độc. Uống quá nhiều rượu bia còn khiến cho men gan tăng cao, hủy hoạt các tế bào gan.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia thì khi uống rượu bia cồn sẽ tồn tại trong máu dù bất cứ mẹo gì cũng khó có thể vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn.

"Tôi nghĩ chiêu dùng dầu gió uống hay bôi chỉ giúp cho người bên cạnh không cảm thấy mùi. Còn về bản chất thì trong máu vẫn đang tồn tại. Cách tốt nhất khi uống rượu thì không lái xe.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm các loại dầu gió không phải loại nào cũng có thể uống được. Mọi người không nên tin theo những tin đồn trên mạng áp dụng theo sẽ rất nguy hiểm có thể gây ra tình trạng ngộ độc", PGS.TS Lâm nói.

Các chuyên gia cảnh báo thêm, trong những ngày Tết việc uống rượu bia là khó có thể tránh khỏi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe chỉ nên uống một lượng nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới kiến nghị nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ lần và chỉ nên uống 5 lần/tuần (một đơn vị rượu được tính bằng 10g cồn nguyên chất).

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức số bệnh nhận nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông trong 9 ngày qua đã giảm. Từ ngày 1-6/1 bệnh viện tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu bia, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào ngày 8/1, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức không tiếp nhận bệnh nhân vào viện do rượu bia.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM