Thúc đẩy khởi nghiệp trong cộng đồng APEC
Sắp tới, các nền kinh tế APEC sẽ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong khu vực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nội dung trên nằm trong Tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp tại khu vực APEC được công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 (diễn ra từ ngày 13-15/9, tại TP.HCM). Đây là diễn đàn đầu tiên bàn về chủ đề khởi nghiệp - một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của khu vực APEC hiện nay.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các quỹ đầu tư phi truyền thống đầu tư vào các công ty sáng tạo, mang tới nhiều cơ hội lớn cũng đồng thời thách thức và thúc đẩy ý tưởng mới, thay đổi để tạo hệ sinh thái sáng tạo lớn hơn, thay đổi cách doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang thực hiện kinh doanh. Đầu tư vào sáng tạo là bài học thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhìn nhận, việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu, và chưa bao giờ lĩnh vực này lại được các nền kinh tế - đặc biệt là các quốc gia trong khối APEC - quan tâm như hiện nay.
"Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp trong các nền kinh tế APEC vẫn trong quá trình hoàn thiện và còn nhiều khoảng cách giữa các nền kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi nguồn lực. Điều này đòi hỏi các nước thành viên tăng cường hợp tác để tạo nền tảng vững chắc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - Thứ trưởng khuyến nghị.
Trước bối cảnh đó, Tuyên bố chung khẳng định sẽ tập trung vào việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của APEC một cách hiệu quả nhất; tạo tiền đề để tinh thần kinh doanh ngày càng phát triển, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả. Hệ sinh thái này được thiết kế phù hợp với từng nền kinh tế của các thành viên APEC, phát huy sức sáng tạo của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bản tuyên bố cũng đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy DN khởi nghiệp tham gia vào nền kinh tế công nghệ số. Các nền kinh tế cần thiết lập khung chính sách về thương mại điện tử để có thể hỗ trợ được các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển. Đồng thời, việc tăng cường giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ cũng là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.
Ngoài ra, Tuyên bố cũng đề cập đến việc thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp phát triển, nhất là vấn đề tài chính cho khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, tư vấn kinh doanh… Quan trọng hơn cả, là tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, phát triển chuỗi cung ứng xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chia sẻ trước báo giới, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI TP.HCM cho biết, 90% doanh nghiệp trong khối APEC hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Ước tính quy mô khối doanh nghiệp lên đến 110 triệu doanh nghiệp, đóng góp 60% GDP, 54% việc làm và 70% giá trị giá trị xuất khẩu của khu vực APEC.
Riêng tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp khá cao trên thế giới. Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ cũng đã có Quyết định số 841 ngày 19/5/2016 phê duyệt đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là những tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.