Thủ tướng: Việt Nam không đón chào các nhà đầu tư coi đây là nơi chuyển giá hay gây ô nhiễm môi trường

05/12/2016 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp FDI đến với Việt Nam bằng Khối óc - công nghệ hiện đại, và Trái tim – những chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. “Việt Nam không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, hay gây ô nhiễm môi trường”, Thủ tướng nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Tôi đã chú ý lắng nghe các báo cáo, các phát biểu thiện chí mang tính xây dựng. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng của Việt Nam đã phản hồi tích cực về các vấn đề quý vị đã nêu. Bản thân Thủ tướng đã ghi lại các vấn đề lớn quý vị phát biểu hôm nay với thái độ cầu thị và lắng nghe”.

Thủ tướng cũng chia sẻ, một trong những yếu tố Chính phủ Việt Nam đang chú trọng là tăng cường hợp hợp tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nền kinh tế quốc gia.

“FDI là một mắt xích không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Thực tiễn cho thấy khu vực này ngày càng có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam”.

“Chính phủ Việt Nam đánh giá cao đóng góp này, đồng thời cũng mong muốn doanh nghiệp FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường và năng lực quản trị… sẽ có cam kết và hoạt động cụ thể, thực chất để hỗ trợ tăng cường liên kết, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cũng phát triển trên cơ sở hài hòa các bên”.

Chính phủ khuyến khích công nghiệp hỗ trợ dể doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia cung ứng nhiều linh kiện, phụ tùng, dịch vụ đạt yêu cầu cho các doanh nghiệp FDI.

Về phía FDI, Chính phủ mong muốn có cơ hội hợp tác đầu tư, đào tạo nhân lực, có kiến thức quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

“Các vị đến với Việt Nam bằng Khối óc - công nghệ hiện đại, và Trái tim – những chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Việt Nam không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, hay gây ô nhiễm môi trường”, Thủ tướng nói.

Mặc dù đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp FDI, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế Việt Nam muốn lớn mạnh không thể không có doanh nghiệp trong nước.

Thủ tướng yêu cầu cả nước phấn đấu đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký mới vào 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thứ trưởng sau khi phản hồi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phải có biện pháp xử lý kịp thời, không phải “nghe xong để đó”. Bản thân Thủ tướng cũng đã ghi lại các vấn đề lớn các nhà đầu tư khuyến nghị với thái độ cầu thị và lắng nghe…

Việt Nam hiện có 600.000 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn như Vietnam Airlines, FPT, Vinamilk, TH, Bitis, hàng không VietJet, Saigon Tourist…

2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập trong một năm, bình quân cứ 1 tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp ra đời.

Bên cạnh đó, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước cũng là lực lượng kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM