Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng để "chặt chém" trở thành "thương hiệu" ở các địa phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tài nguyên du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ mài giũa xứng đáng.
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên – Huế sáng 16-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khu vực miền Trung – Tây Nguyên có tiềm năng du lịch vô cùng lớn, là nơi hội tụ, đại diện các tài nguyên vốn có của Việt Nam. "Không có hệ đếm hay mỹ từ nào có thể diễn đạt hết về tiềm năng, tài nguyên đặc sắc, phong phú của du lịch miền Trung - Tây Nguyên" – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng du lịch cần phát triển theo cụm ngành đồng bộ chứ không nên chỉ khai thác tài nguyên đơn thuần. Thủ tướng ví tài nguyên khu vực miền Trung – Tây Nguyên như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ xứng đáng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng cũng cho rằng nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng mang đến sự bất lợi. Đó là việc chúng ta chưa tìm được bản sắc trong lựa chọn thương hiệu để ưu tiên đầu tư trong khi nguồn lực có giới hạn. Tài nguyên nhiều đôi khi còn là cái bẫy trong việc chắt chiu khai thác, sử dụng có hiệu quả...
Dẫn ra các con số thống kê, Thủ tướng cho rằng những kết quả đạt được của ngành du lịch trong thời gian qua là rất đáng mừng. Qua đó, Thủ tướng biểu dương, động viên ngành du lịch và các địa phương.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những mặt chưa được trong việc khai thác du lịch, như tài nguyên thiên nhiên bị mất cân đối, tài nguyên du lịch bị phân tán. Xung đột lợi ích, tầm nhìn ngắn hạn khiến các khu du lịch bị tàn phá, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Tình trạng "chặt chém" du khách, taxi "dù", lừa đảo, chèn ép du khách, mất an ninh trật tự dù chỉ là cá biệt nhưng đã làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp trong lòng du khách. Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng xử nghiêm những vấn nạn trên và chỉ đạo: "Đừng để "chặt chém" trở thành "thương hiệu" ở các địa phương".
Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu bên lề hội nghị
Thủ tướng đặt ra 5 câu hỏi yêu cầu ngành du lịch tìm ra câu trả lời. Đó là làm thế nào khách đến đông hơn? Làm thế nào khách đến ở lại lâu thay vì đi sớm hơn? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để tiêu? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện đi du lịch với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi thay vì kể câu chuyện nào đó xấu ở Việt Nam? Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất chứ không phải một đi không trở lại?
"Nhìn cách tổng thể, những năm qua ngành du lịch trả lời được một số câu hỏi nhưng các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc so với những công việc mà ngành du lịch miền Trung – Tây Nguyên phải làm" – Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngọai ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…