Thủ tướng: Huế là một “Kyoto của Việt Nam”, phải tận dụng “vẻ đẹp chẳng nơi nào có được”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phát triển Huế phải khác với các mô hình của thành phố sôi động như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…Thay vào đó là việc tận dụng được thế mạnh văn hoá lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn.
Đầu năm, Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ những thành quả của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong năm 2017. Theo đó, trong năm 2017 tỉnh đã chủ động huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tiến bộ; dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5% trong GRDP…
Trong năm 2018, trọng tâm của tỉnh là phát triển du lịch, dịch vụ, xem đấy là mũi đột phá chiến lược, mục tiêu góp từ 25-30% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Nhận xét về du lịch của tỉnh, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh phát triển ở dưới mức tiềm năng. Tỉnh có thế mạnh rất lớn về kết cấu hạ tầng, có thể phát triển du lịch, dịch vụ mạnh hơn, phát triển kinh tế biển đóng góp nhiều hơn, kinh tế rừng, công nghiệp chế biến có những định hướng rõ hơn, nhưng chưa tạo được đột phá cần thiết. Nhất là môi trường đầu tư ở mức trung bình. Một số dự án lớn còn chậm tiến độ.
“Các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện phải có tầm nhìn, phải có trách nhiệm hơn, sát dân, sát cơ sở hơn, lo lắng công việc nhiều hơn, giải quyết vướng mắc kịp thời hơn cho người dân và doanh nghiệp để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn của tỉnh nhà”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được. Đó là vùng đất của văn hóa lịch sử Việt Nam, là "một Kyoto của Việt Nam". Huế nằm trong vùng dày đặc di sản văn hóa và nhiều di sản thiên nhiên như: Hội An, Đà Nẵng, Phong Nha, Sơn Đoòng, Mỹ Sơn… và bản thân Huế cũng là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp như vịnh Lăng Cô, Bạch Mã.
Vì vậy, việc phát triển Huế phải khác với mô hình của thành phố sôi động như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, mà nên tận dụng thế mạnh là văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn, để mà tìm thấy “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” là cái gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo đó, tỉnh cần có quy hoạch tốt và quản lý tốt quy hoạch để giữ được đất Huế cổ kính và hai bờ sông Hương được bảo tồn. Huế được hiện đại hóa nhưng hài hòa trong tổng thể. Khai thác lợi thế so sánh của các ngành nhưng không mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau, nhất là kinh tế biển, công nghiệp chế biến không được ảnh hưởng đến môi trường, du lịch.
Hướng đột phá của Huế vẫn phải là du lịch, dịch vụ và các liên kết kinh tế. Cần một hệ sinh thái các ngành nghề hỗ trợ du lịch và làm bài bản, chuyên nghiệp có chiều sâu, làm sao để du khách đến Huế lưu lại dài ngày hơn.
Tỉnh cũng cần phát triển các loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt các làng nghề truyền thống. Cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phát triển du lịch và quản lý di tích.
Ngoài ra, Huế là thành phố du lịch nên Thủ tướng nhấn mạnh cần phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự. Đi liền với vấn đề môi trường là việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, để các di sản phong phú độc đáo mãi mãi cùng thời gian.