Thủ tướng: Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp không chịu được

03/02/2023 20:31 PM | Xã hội

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/2.

Không để điều hành giật cục, cân nhắc hài hoà giá điện

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bối cảnh phát triển mới của đất nước đặc biệt trong năm 2023 là vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn song khó khăn nhiều hơn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII.

Về quy hoạch điện VIII , Thủ tướng nêu rõ, tiến độ quy hoạch là rất cần song chất lượng quy hoạch còn quan trọng hơn để có lợi cho nước, cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Thủ tướng cho biết, rất trăn trở khi chưa ra được quy hoạch này. Song cần bình tĩnh, không nóng vội. Phải giải quyết tốt các vấn đề sử dụng tối đa nguồn lực - tải điện - phân phối điện - sử dụng hiệu quả tiết kiệm - giá điện . Đặc biệt vấn đề giá điện cần khẩn trương làm.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công Thương đã rất tích cực trong công tác xuất nhập khẩu và đàm phán các FTA. Thời gian tới bộ cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán hai FTA còn lại để góp phần đa dạng hoá, thị trường, sản xuất và chuỗi cung ứng.

Thủ tướng cũng lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư 15 và cho biết sẵn sàng ngồi đối thoại với các bên mua bán điện song Thủ tướng lưu ý giá điện khi đưa ra bàn thảo phải hợp lý và làm sao để điều hành không giật cục.

"Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành giật cục, cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng", Thủ tướng yêu cầu.

Đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới.

Ngành công thương đã bảo đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân dù có thời điểm thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương nhưng đã được khắc phục kịp thời, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước).

Thủ tướng: Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp không chịu được - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo Thủ tướng về những nhiệm vụ ngành công thương sẽ thực hiện năm 2023.

Người đứng đầu ngành công thương cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn và tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế.

Thách thức nữa là xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Việc đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những tồn tại , hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ngành công thương cũng đã tự nhìn nhận một cách thẳng thắn và cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Để vượt qua các khó khăn trên, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản tăng trưởng với 9 nhiệm vụ cần tập trung, đồng thời đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công thương, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực , nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư phát triển công nghiệp…

Để thực hiện được các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logicstic, năng lượng, khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng và việc làm cho xã hội. Đặc biệt, trong thời điểm này là đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển sản xuất trong nước. Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện (kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào).

Theo Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM