Thủ tướng: 'Đây là lúc để lò xo kinh tế bung ra'

09/05/2020 11:00 AM | Xã hội

Sau thời gian bị nén căng, Thủ tướng cho rằng đây là lúc "lò xo" kinh tế được bung ra, phấn đấu tăng trưởng trên 5%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra 5 động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.Thủ tướng xác định đây không phải là lúc bàn lùi, than khó, kể khổ mà doanh nghiệp phải đề xuất được những giải pháp cụ thể, giúp Việt Nam có khả năng vá được lỗ hổng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị "Thủ tướng với Doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19" diễn ra sáng nay (9/5), Thủ tướng đánh giá đây là thời điểm thích hợp để "lò xo" kinh tế được bung ra sau thời gian bị nén căng. Việt Nam sẽ phấn đấu tăng trưởng năm nay đạt trên 5%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

Thủ tướng: Đây là lúc để lò xo kinh tế bung ra - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sáng nay (9/5). Ảnh: VGP.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng khẳng định quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế phải "như chống dịch. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu toàn hệ thống tập trung vào 5 động năng tăng trưởng, gồm tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư công và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận dù môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hiện vẫn còn những nút thắt nhưng hội nghị sáng nay không phải là lúc để bàn lùi, than khó, kể khổ mà các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp phải đưa ra được những giải pháp cụ thể, như chất keo dính có thể vá được những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Ông cho rằng các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới đang nhìn nhận Việt Nam là "ô cờ trung tâm" cần phải chiếm lĩnh trước những thay đổi về sản xuất hậu Covid-19. Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp Việt lại đang được "cầm quân trắng" (P.V: được đi trước theo luật cờ vua).

Với vai trò của mình, Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận nhưng có thể cùng doanh nghiệp gia tăng năng suất. Đây mới là cách tốt nhất để có được lợi nhuận bền vững.  Đồng thời, Thủ tướng còn đưa ra 6 lưu ý với cộng đồng doanh nghiệp, gồm thượng tôn pháp luật, đoàn kết, không nản chí, năng động và quyết đoán. Tiếp nữa là, sáng tạo và cần có niềm tin.

Thủ tướng cũng mong muốn doanh nghiệp chủ động động tham gia xây dựng chính sách pháp luật và Chính phủ sẽ đảm bảo điều này được diễn ra theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp thì người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu các cơ quan nhà nước phải nâng cao trách nhiệm, các địa phương phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và kiến tạo vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Cũng tại hội nghị, trong bối cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết cộng đồng doanh nghiệp "không xin tiền mà cần xin cơ chế". Do thách thức lớn nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp là thị trường, nên ông Lộc kiến nghị phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tự hào dùng hàng Việt Nam trong thời gian từ nay đến cuối năm để tiếp sức cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác phục hồi kinh tế do Thủ tướng là Trưởng ban Chỉ đạo cũng được chủ tịch VCCI kiến nghị.

Ngoài ra, trước định hướng tăng cường thu hút các dòng vốn đầu tư, trong đó có FDI, ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia vào vị trí cao hơn của chuỗi giá trị.

Trước đó, VCCI đã ghi nhận được 200 kiến nghị, giải pháp của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, cơ quan này cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ.

Về tài khóa, VCCI kiến nghị thời gian gia hạn nộp VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất lên 12 tháng thay vì 5 tháng như đề xuất của Bộ Tài chính. Nguyên nhân là do, nếu dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm thì 80% doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh khi đó việc giãn thời gian nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nghiệp vì doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.

VCCI còn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn 50% tiền thuê đất, VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Thời gian áp dụng cho cả năm tài khóa 2020.

Bên cạnh đó, việc sớm ban hành Nghị định về vệc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm (2017,2018) và cho phép chuyển tiếp chi phí trong thời hạn 5 năm cũng được VCCI đề nghị. Theo cơ quan này, việc hồi tố và cho phép chuyển tiếp có đủ cơ sở pháp lý, đảm bảo lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp toàn quốc diễn ra vào 8h ngày 9/5 và tập trung thảo luận 4 nội dung chính:

- Đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

- Đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng, bộ, ngành ban hành.

- Nhận định các cơ hội, thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

- Cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong và được kết nối trực tuyến tại 93 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của 800.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh và người dân theo dõi trực tiếp qua kênh truyền hình quốc gia.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM