Thủ tướng: Cái gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm!

12/12/2017 15:08 PM | Xã hội

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, là động lực hàng đầu đưa GDP của nền kinh tế trong 20 năm qua tăng trưởng cao.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF). Theo Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, là động lực hàng đầu đưa GDP của nền kinh tế trong 20 năm qua tăng trưởng cao.

Cụ thể, GDP tăng gấp 8 lần từ 27 tỷ USD năm 1997, đến 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD. Thủ tướng cho biết, đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu quy mô GDP đạt 300 tỷ USD.

Thủ tướng: Cái gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm! - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn VBF

Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng như hiện nay, mô hình sản xuất thâm dụng vốn, lao động giản đơn, khai thác tài nguyên thiên nhiên... đã không còn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng.

Thay vào đó, theo Thủ tướng, khoa học công nghệ, tri thức và lao động sáng tạo mới là động lực tích cực cho sự phát triển của Việt Nam. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tìm ra động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, khoa học công nghệ, con người... làm động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, ổn định chính trị xã hội đảm bảo cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc, biến động.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tài chính ngân hàng, nợ xấu, nợ công... Trong đó có giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội. Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ sử dụng linh hoạt công cụ tài khoá, tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cải thiện thu nhập cho người dân.

Chính phủ cam kết tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng minh bạch, lành mạnh an toàn hiệu quả thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực Nhà nước. Về vĩ mô, duy trì tăng trưởng bảo đảm thăng tiến xã hội, kéo thu nhập thấp tiến lên thu nhập trung bình và khá.

"Cộng đồng doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hoá tầm nhìn và những cam kết, kỳ vọng thế hệ doanh nhân mới. Thực tế doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ siêu nhỏ, làm sao sớm lớn mạnh vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở Chính phủ", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho rằng gần đây đang nổi lên nhiều tập đoàn tư nhân lớn năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà trên quốc tế cho thấy cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên. Chính phủ cũng đồng tình tạo mọi điều kiện môi trường đầu tư đối với mọi thành phần kinh tế, cái gì tư nhân làm được sẽ để tư nhân làm.

"Chính phủ chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, lợi dụng quan hệ, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi... Chính phủ cũng kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động bất hợp pháp, sản xuất hàng giả, trốn thuế buôn lậu...", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng chia sẻ về tiềm năng của Việt Nam khi dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động. Đây là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam.

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng nhanh chóng. Sự thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo đón đầu. Cơ sở hạ tầng công nghệ, công tác quản lý và cung cấp dịch vụ số hóa cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt, động lực tăng trưởng mới phải đến từ sáng tạo, các phát kiến.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM