Thư từ Pháp dịch Covid-19: Du học sinh nên ở hay về?
Nếu lựa chọn trở về Việt Nam, xin hãy trung thực và hợp tác. Đó là cách tốt nhất để giúp đỡ cho Tổ quốc
Tôi viết bài này khá muộn vì ngay lúc này, Việt Nam đã đóng cửa biên giới với hầu hết các nước ở châu Âu. Thế nhưng, một tuần trước là khoảng thời gian mọi thứ gần như bị đảo lộn. Số ca ở châu Âu tăng theo cấp số nhân. Tất cả cuộc gọi đến cho chúng tôi đều chỉ để hỏi cùng một chuyện: Về hay ở?
Sợ bị nhốt, không sợ bị bệnh
Tôi chỉ viết về vấn đề ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, vì đó là những vấn đề sát với những gì mắt thấy tai nghe nhất.
Xin hãy hiểu cho du học sinh rằng ở thời điểm này, làm người châu Á ở châu Âu là một thiệt thòi.
Trong group của du học sinh Việt là những thông tin chia sẻ bị kỳ thị, xa lánh. Người may mắn thì bị tránh xa trên phương tiện công cộng, người xui xẻo thì bị mắng, bị nhổ nước bọt, bị gọi là "corona"... Việc Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không đeo khẩu trang trừ khi có bệnh vô hình trung khiến cho những người đeo khẩu trang vì sức khỏe bản thân bị phân biệt nặng nề.
Rất nhiều bạn trẻ ở đây coi thường việc đeo khẩu trang, thậm chí đem ra đùa cợt. Bạn tôi chụp hình đeo khẩu trang, bạn cùng lớp vào bảo: "Để ngày mai mình cũng đeo, cho hợp mốt". Một đoàn học sinh của trường tôi đi thực tập tại Ý về, ngày hôm sau đi học, không hề có khẩu trang hay nước rửa tay bên người. Khi Pháp ra lệnh giới nghiêm, tất cả những gì tôi nghe bạn tôi nói là chán, sợ bị nhốt, chứ không hề sợ bị bệnh. Sự thờ ơ đến từ cả một hệ thống, chứ không chỉ một cá nhân.
Rất nhiều người phản ánh đường dây nóng bị quá tải, bệnh viện không tiếp nhận người bệnh nhẹ, phải tự cách ly, uống thuốc tại nhà và theo dõi qua điện thoại. Khi số ca bệnh tăng lên, bệnh viện không đủ nhân viên y tế để theo dõi.
Đương nhiên, không phải ai cũng gặp những trường hợp này nhưng đó là bức tranh toàn cảnh nơi tôi sống. Một bức tranh không phải không có mảng sáng nhưng toàn cảnh lại mang đến cảm giác bất an.
Bạn tôi nói một câu mà tôi không quên được: "Thôi về đi, ít nhất ở Việt Nam, mình là một bệnh nhân có số. Còn ở bên này, có chết trong nhà cũng vẫn là vô danh".
Khá nhiều người trong một thế hệ của Ý đã biến mất trong 2 tuần. Đó là những người đã sống sót trong Thế chiến thứ hai, nhìn thấy bom đạn và đổ máu, đi qua thăng trầm của thế kỷ, lại phải ra đi mà không có người thân. Đọc những điều này, không thấy đáng sợ sao!
Một nhóm du học sinh Việt Nam ở PhápẢnh: CHD Education
Viết cho người trở về
"Cuộc chiến này không ai bị bỏ lại". Tôi nghe câu này mà chảy nước mắt. Tôi từng đọc đi đọc lại rất nhiều những thông tin về Ý, Anh..., về cách họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ một thế hệ. Vậy nên, càng thấm thía một câu đơn giản như vậy nhưng có bao khó khăn để thực hiện.
Vậy nên, các bạn đã về, xin hãy trung thực và hợp tác. Đó là cách tốt nhất để giúp đỡ cho Tổ quốc. Khai báo đầy đủ, rõ ràng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chấp hành quy định. Xin hãy hiểu rằng bạn đến nơi cách ly không phải để hưởng điều tốt nhất, mà để bảo vệ những người bên ngoài. Cũng giống như hàng loạt cảnh sát, bộ đội, nhân viên y tế, tiếp viên, tài xế... đang làm việc để bạn ở yên trong đó. Mỗi người chấp nhận hy sinh một chút, vì người khác và vì chính bản thân mình.
Tôi cũng muốn nhắc lại khu cách ly nhằm mục đích khoanh vùng và phát hiện bệnh nhanh nhất có thể chứ không thể giữ bạn hoàn toàn tránh xa khỏi virus. Thế nên, quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay, hạn chế nơi đông đúc và tập thể dục rèn luyện sức khỏe.
Các bạn có thể đề nghị tự trả tiền cách ly. Tôi không muốn nhắc đến điều này nhưng Việt Nam đang chọn cách đánh đổi nền kinh tế vì mạng người. Các nước khác đóng cửa quốc gia khá trễ, vì lý do kinh tế chứ không phải họ không ý thức được vấn đề dịch bệnh. Việt Nam ngược lại, đang hy sinh kinh tế vì y tế. Có thể hồi sinh một nền kinh tế, sau 5 năm, 10 năm, 20 năm nhưng không thể hồi sinh một mạng người đã mất đi.
Vì thế, đề nghị tự trả tiền cách ly cũng là một cách giúp cho nhà nước vì đã để bạn trở về. Có thể chọn trả tiền xét nghiệm, tiền ăn. Cũng có thể sau khi hết cách ly, quyên góp một số tiền nhất định cho quỹ chống dịch. Một triệu đồng cũng được, mà 100.000 đồng cũng không sao. Chỉ cần 1/50 người đang được cách ly chọn cách quyên góp thì đó đã là giúp đỡ rất nhiều rồi. Nếu bạn không có, chỉ cần bạn chấp hành tốt nội quy cũng đã giảm sự lo lắng cho nhà nước và cộng đồng.
Trong giai đoạn này, không có lựa chọn nào là hoàn hảo. Chỉ có lựa chọn để mỗi người tổn hại ít nhất về sức khỏe, tính mạng. Hãy có trách nhiệm với lựa chọn của mình và khoan dung cho lựa chọn của người khác!
Tôi ở lại
Tôi ở lại vì nhiều lý do. Thứ nhất, tôi ở tỉnh. Nếu chọn bay về, tôi bắt buộc phải quá cảnh ít nhất một lần. Quá cảnh càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Thứ hai, ngành tôi học yêu cầu các mô hình ngay cả khi học online, nếu phải trải qua 2 tuần trong cách ly, tôi không tài nào đuổi kịp bài. Thứ ba, tôi không sống tại tâm dịch. Thứ tư, tôi đã xác định ngay từ đầu hè tôi sẽ về, nếu hiện tại trở về có thể làm xáo trộn kế hoạch vì tôi có rất nhiều kế hoạch phải hoàn thành trong hè, bao gồm cả đi thực tập. Thứ năm, tôi thuộc dạng thích ở nhà, ít tiếp xúc người lạ, chưa đi làm.
Năm lý do cộng thêm việc tâm lý của tôi và ba mẹ tôi khá vững, nên tôi ở lại.