Thứ trưởng TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Cộng đồng startup ở Việt Nam chưa có điểm đặc sắc, khác biệt mang bản sắc Việt Nam

14/09/2022 19:08 PM | Kinh doanh

“Việc đặt ra bài toán cũng quan trọng không kém so với việc đưa ra giải pháp để giải quyết. Khi chúng ta đặt được bài toán đúng sẽ có người giải được bài toán đó. Vì vậy, Viet Solutions dành riêng một hạng mục để trao cho những bài toán hay” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ về những điểm đặc sắc mới và mục tiêu hướng tới của cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia (Viet Solutions) năm 2022, lần thứ 3 được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, nếu như các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo khác ở Việt Nam chỉ chú trọng tìm kiếm và tôn vinh các giải pháp công nghệ thì Viet Solutions tìm kiếm và tôn vinh cả các bài toán. Ban tổ chức quan niệm rằng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, khi các cơ quan, tổ chức đã đặt ra được những câu hỏi đúng thì câu trả lời chỉ còn là chuyện nhỏ thôi.

"So với cuộc thi của năm ngoái, bên cạnh sự đồng hành của Viettel, chúng tôi cũng mở rộng, kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn. Cụ thể, Viet Solutions năm nay đã có thêm sự đồng hành của tập đoàn Sovico với đầu mối về công nghệ số là công ty Galaxy Holdings. Đặc biệt năm nay cuộc thi còn có sự tham gia đồng hành của các địa phương và các trường đại học lớn trong cả nước", Thứ trưởng chia sẻ.

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của cộng đồng startup ở Việt Nam nói chung cũng như trong lĩnh vực CNTT nói riêng hiện nay?

Cộng đồng startup ở Việt Nam nói chung cũng như trong lĩnh vực CNTT nói riêng là một cộng đồng phát triển hết sức năng động, theo kịp được những xu hướng phát triển mới nhất của công nghệ, ví dụ như các sáng kiến về chuỗi khối, thực tại ảo tăng cường hay trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cộng đồng startup ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước chúng ta và chưa có điểm đặc sắc, khác biệt mang bản sắc Việt Nam.

Điều này được biểu hiện ở việc chúng ta đang có dân số trẻ, số lượng người sử dụng internet lớn và người Việt Nam tương đối giỏi toán và các môn khoa học tự nhiên nhưng số lượng startup vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng này.

Cộng đồng startup Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chung như các cộng đồng startup khác trên thế giới, mà chưa có điểm đặc thù đặc sắc.

Ví dụ như Israel có điểm đặc thù là một bộ phận không nhỏ khởi nghiệp khi ở độ tuổi trung niên, những người đã có kiến thức, kinh nghiệm thì xác suất thành công sẽ tương đối cao. Đối với cộng đồng startup ở Trung Quốc, họ làm rất nhiều về trí tuệ nhân tạo.

Cộng đồng startup Singapore vì đặc thù có ngưỡng dân số ở mức khiêm tốn nên họ rất chú trọng thu hút những nhóm xuất sắc ở những quốc gia khác đến ở khởi nghiệp ở Singapore, trong đó có cả những nhóm của Việt Nam đã startup rất thành công.

Việt Nam muốn thành công thì phải tìm ra được đâu là đặc thù của cộng đồng startup Việt Nam.

Vậy đặc thù đó có thể được tìm ra như thế nào, thưa ông?

Đặc thù Việt Nam tốt nhất nên xuất phát từ bối cảnh của đất nước và nỗi đau của chính người dân. Có những nỗi đau mà không thể có ai trên thế giới này có thể giải quyết ngoài chính chúng ta.

Ví dụ làm sao để chuyển đổi số cho 14 nghìn cơ sở y tế trong đó có hơn 10 nghìn cơ sở y tế tuyến xã. Tôi chắc chắn sẽ không có doanh nghiệp nào trên thế giới đi giải quyết vấn đề này cho chúng ta. Hay là làm sao để chuyển đổi số cho 8 triệu hộ nông dân của Việt Nam, làm sao để chuyển đổi số cho 6 nghìn nhà xe cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng,...

Chúng ta có những bối cảnh không giống với bất kì quốc gia nào trên thế giới, có những nỗi đau chỉ của riêng Việt Nam cần các startup chung tay giải quyết.

Viet Solutions 2022 không chỉ hướng đến là cuộc thi về khởi nghiệp công nghệ mà còn hướng đến là một chương trình hỗ trợ các startup bài bản và lâu dài. Xin ông chia sẻ cụ thể về phương hướng này của cuộc thi?

Tôi cho rằng hỗ trợ lớn nhất của cuộc thi Viet Solutions cho các doanh nghiệp khởi nghiệp không phải là ưu đãi thuế hay tiếp cận vốn mà giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ chưa có vốn sống, chưa có kinh nghiệm phát hiện sớm, phát hiện đúng những nỗi đau và nhu cầu của xã hội.

Chúng tôi đã tổng hợp, lựa chọn và sử dụng những chuyên gia tốt nhất để đưa ra những bài toán và chính những bài toán đó là phương hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cuộc thi cũng tổ chức nhiều hội thảo mang tính chia sẻ, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm với các diễn giả là những chuyên gia, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Không chỉ vậy, với sự tham gia của các tập đoàn lớn như Viettel, chúng tôi hi vọng tạo được một thị trường đầu ra tiềm năng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận được với một tập khách hàng vài chục triệu người của các doanh nghiệp lớn này.

Như vậy các bạn sẽ có phương hướng, có người hỗ trợ và khi các bạn làm sản phẩm tốt thì các bạn sẽ có thị trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông luôn lựa chọn, đánh giá, công bố những nền tảng, những giải pháp tốt, những câu chuyện điển hình thành công để từ đó nhân rộng ra toàn quốc.

Những đơn vị đã tham gia và đạt giải của Viet Solutions các năm trước đã có sự thành công và phát triển như thế nào ở thời điểm hiện tại?

Tôi nghĩ những đơn vị được lựa chọn đạt giải ở những năm trước đang tiếp tục có những bước phát triển rất tốt trong thời gian gần đây.

Ví dụ như sản phẩm bản đồ 4D của công ty IOT Link khi được giải cuộc thi đã được rất nhiều địa phương lựa chọn và giải quyết được những bài toán của các địa phương. Một trong những vấn đề bất cập khi sử dụng bản đồ của nước ngoài là chủ quyền quốc gia thì khi sử dụng sản phẩm của Việt Nam đã giải quyết được.

Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre đã sử dụng IOT Link Map 4D cho bài toán quản lý các trạm BTS (trạm thu phát sóng di động - PV) và quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn của tỉnh.

Một ví dụ nữa là sản phẩm an toàn thông tin mạng của công ty CyRadar (top 3 Viet Solutions 2020, hiện đang là đối tác chiến lược cùng Viettel - PV). Sau cuộc thi, công ty tiếp tục có sự phát triển rất tốt, không những chinh phục được thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Xin ông cho biết sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành với sự phát triển của kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại và tương lai như thế nào?

Chính phủ, Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành dành sự quan tâm đặc biệt cho chuyển đổi số nói chung và cho phát triển kinh tế số nói riêng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng công nghệ số để có thể giúp bà con tạo ra được những sản phẩm có giá trị cao hơn. Sử dụng công nghệ số để biến từ hạt cacao đặc trưng của vùng Tây Nguyên thành những thanh socola cao cấp có thể được bán trên toàn thế giới là dư địa rất lớn, rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong 5 năm tới.

Vì vậy, nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Chính phủ giao làm đầu mối điều phối, thúc đẩy kinh tế số quốc gia và đã được Chính phủ thông qua thành lập đầu mối mới, đơn vị mới là Vụ Kinh tế số và Xã hội số để tham mưu, xây dựng những chính sách để thúc đẩy trong lĩnh vực này.

Một số sáng kiến, chính sách mà Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong thời gian vừa qua để thúc đẩy kinh tế số bao gồm sáng kiến SMEDX để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số Việt Nam; sáng kiến chính sách về việc vận hành tổ công nghệ số cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng những sản phẩm và dịch vụ công nghệ số của Việt Nam.

Dân số Việt Nam hiện đạt gần 100 triệu và việc 100 triệu người dân sử dụng các sản phẩm dịch vụ số là chính sách không thể tốt hơn cho sự phát triển của kinh tế số.

Cảm ơn ông!


Theo Nhã Mi

Từ khóa:  StartUp
Cùng chuyên mục
XEM