Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam có thể tăng gấp 6 lần trong 20 năm tới giống Hàn Quốc 10 năm về trước?

08/01/2022 19:56 PM | Kinh doanh

Các chuyên gia của WB nhấn mạnh, những bước đi của Việt Nam hôm nay sẽ quyết định liệu trong hai thập kỷ tới, Việt Nam có thể trở nên thành công như Hàn Quốc hay sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia năm 2021 cho Việt Nam trong việc đưa ra giải pháp tập trung vào cải cách thể chế, nhằm giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Báo cáo cho biết, có một thực tế diễn ra trên toàn cầu là quá trình chuyển đổi từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao là một quá trình đầy thách thức. Chỉ có một số ít các quốc gia chuyển dịch thành công từ vị trí thu nhập thấp sang thu nhập trung bình trong 50 năm vừa qua, thậm chí còn số lượng quốc gia hơn chuyển từ vị trí thu nhập trung bình lên thu nhập cao còn ít hơn.

Cụ thể, chỉ có 18 quốc gia được xác định là quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 1965 đạt vị trí quốc gia có thu nhập cao vào năm 2013, trong đó có 5 quốc gia Đông Á, bao gồm: Hồng Kong (Trung Quốc); Hàn Quốc; Nhật Bản; Singapore; và Đài Loan (Trung Quốc).

WB nhận định, giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ phải tìm cách tái thiết tốt hơn sau đại dịch Covid-19 và đáp ứng tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

"Con đường này khó khăn và gian nan, vì chỉ có một số rất ít quốc gia có thể chuyển từ vị trí thu nhập trung bình lên vị trí thu nhập cao trong 50 năm qua. Hàn Quốc chắc chắn là một trong những ví dụ thành công nhất khi tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 6 lần trong 25 năm, sau khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người tương đương với mức của Việt Nam hiện nay", báo cáo cho biết.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo nên một cú sốc lớn về kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Theo WB, trước đại dịch Việt Nam đã định hình được tương đối rõ những ưu tiên cần thiết để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, những ưu tiên này đã bị thay đổi bởi tác động của đại dịch và những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm sự quá trình chuyển đổi số và sự gia tăng các sáng kiến xanh.

Vì lý do đó, WB cho rằng cần định hình lại 6 ưu tiên phát triển. 6 ưu tiên này bao gồm: tập trung nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ; tăng tốc chuyển đổi số; chuyển tư duy sang tăng trưởng bền vững; tăng cường cơ sở hạ tầng; cân bằng sự ổn định ngành ngân hàng với mở rộng tài chính toàn diện và phát triển chiều sâu thị trường vốn; và chuyển sang chương trình bảo trợ xã hội trên toàn quốc.

Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam có thể tăng gấp 6 lần trong 20 năm tới giống Hàn Quốc 10 năm về trước?  - Ảnh 1.

Thành tích quá khứ và mong đợi của Việt Nam trong việc thực hiện các ưu tiên phát triển so với ngưỡng thu nhập trung bình. Nguồn: WB

Làm thế nào thoát "bẫy thu nhập trung bình"?

Nhằm đạt tới ngưỡng của các quốc gia thu nhập trung bình cao, Việt Nam sẽ phải nỗ lực tăng chất lượng thương mại và dịch vụ, đổi mới sáng tạo, và nhìn chung tập trung vào những mảng yếu như tài chính và môi trường.

Về thương mại, cần đa dạng hóa thương mại, tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm chi phí thương mại và khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và địa phương. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, WB khuyến nghị Chính phủ cần xem xét lại chính sách đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số và hài hòa lợi ích an ninh thông tin và quyền riêng tư.

Về giảm nghèo, do những tác động đáng kể của đại dịch đến cơ cấu việc làm và tiền lương, Việt Nam sẽ cần xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội với phương pháp tiếp cận toàn chính phủ để phân phối lợi ích đến nhiều đối tượng cần thiết hơn.

Bên cạnh những cải thiện trên, Việt Nam sẽ càng phải nỗ lực đối với những ưu tiên chưa làm tốt. Môi trường và cơ sở hạ tầng sẽ là các lĩnh vực yêu cầu thay đổi toàn diện nhất, từ giảm phát thải, tăng hiệu quả quản lý tài nguyên cho đến nâng cao hiệu quả tài chính công và doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, hệ thống tài chính của Việt Nam cũng cần đến những giải pháp tổng thể liên quan đến cải thiện giám sát ngân hàng, đa dạng hóa thị trường vốn và tăng cường đổi mới công nghệ tài chính.

Để làm được điều này, theo WB, Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải áp dụng một loạt các cải cách thể chế nếu muốn nâng cấp tầm nhìn, năng lực và động lực của mình một cách có hệ thống trong tất cả các ưu tiên phát triển của đất nước.

Bằng cách áp dụng 5 cải cách, bao gồm điều chỉnh khung định chế cho vững chắc, tinh giản thủ tục hành chính, sử dụng công cụ thị trường thông minh, tăng hiệu lực thực thi quy định và đảm bảo khả năng tham gia của các bên, WB cho rằng, Việt Nam có thể tạo nền tảng cho hiệu quả thực thi chính sách cao hơn.

Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM